Những bức tranh “lạ” của Lê Thánh Thư

04/01/2010 16:01 GMT+7 | Văn hoá

Lê Thánh Thư

Những bức tranh được bố cục rất phức tạp bởi những biểu tượng nhỏ tương đồng như chữ viết cổ. Chữ Ai Cập, hay chữ Trung Hoa? Nhìn kỹ, sẽ thấy chúng được cách điệu hóa thành những biểu tượng con người…

* Sự bề bộn của “không gian sống”

Như TT&VH đã đưa tin, triển lãm Không gian sống của Lê Thánh Thư khai mạc lúc 10h ngày 24/12 tại phòng tranh Phương Mai, 129B Lê Thánh Tôn, TP.HCM là một tiếng nói khá đơn lẻ trong giới mỹ thuật về hiện trạng mất dần không gian sống của các siêu đô thị hiện nay. Trong sự bề bộn đó, cái tôi, sự riêng tư phải tìm về với chính mình như thế nào là câu hỏi mà họa sĩ đang đi tìm lời đáp.

Không gian sống mà Lê Thánh Thư mô tả là những hình ảnh khá thân thuộc nơi thành thị Việt Nam, từ bia hơi, xe ôm, xích lô, khoan cắt bê tông… cho tới chai lọ, xong chảo, quán xá vỉa hè. Cái không gian đó bị sự bình thường hóa che khuất đến mức các hình ảnh có tính cách “thượng lưu” như nhà sách, nhà hát… đã hoàn toàn vắng bóng. Bên trong sự bề bộn được tô đậm, thì nổi lên những cụm người không rõ mặt đang vây quanh những hình ảnh nhà thờ, cây thánh giá… lặp lại, họ như sắp hàng cầu nguyện sự bình an. Chọn lựa cách nhìn khá riêng tư này, tác giả dường như chấp nhận “không chiều mắt” những người xem có khuynh hướng ca ngợi thành phố mộng mơ.

Sống ở đô thị, acrylic và sơn dầu, 100x150cm, 2009  

Lê Thánh Thư sinh 1956 tại Quy Nhơn, sinh sống tại Sài Gòn, vốn là một nhà thơ và là họa sĩ tự học. Anh thực hiện khoảng 10 triển lãm cá nhân, 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam và quốc tế, đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật; tác phẩm thuộc sưu tập tư nhân của khoảng 15 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore… Kể ra những điều này để thấy hành trình mà Lê Thánh Thư đi qua đã khá dài và rất dễ bị định hình vào một phong cách nào đó. “Thế nhưng Thư đã liên tục thay đổi, từ 2 triển lãm ở Tokyo năm 1999 đến nay, cách vẽ của anh đã không dừng lại, nó khiến người theo dõi công việc của họa sĩ luôn phải bất ngờ” – nhà sưu tập Yuko Ogushi, người Nhật, ông đã có khoảng 20 năm theo đuổi tác phẩm của Lê Thánh Thư, nhận xét.

* Người về soi bóng mình

Không gian sống phô diễn 4 mảng đề tài chính: không gian sống; sống trong đô thị; hoa sen và các tác phẩm riêng lẻ. Trong đó nổi trội bởi những bức tranh khổ lớn về không gian sống và sống trong đô thị, họa sĩ đã kết hợp tài tình hai chất liệu acrylic và sơn dầu trong mỗi tác phẩm.

Những tác phẩm trong chủ đề sống ở đô thị là những hình nhân hơi xiêu vẹo, như soi mình xuống những kênh nước đen, trong cái khung hình tưởng chừng mong manh ấy chứa gần như mọi thứ của một không gian đô thị. Nó rất giống tinh thần một câu ca mà Trịnh Công Sơn rất tâm đắc: “Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm”. Những hình người trong tranh Lê Thánh Thư đang soi vào thế gian bề bộn.

“Trong những tác phẩm gần đây nhất, dường như Thư đã kết hợp cả hai niềm đam mê đầy sáng tạo của anh: viết và vẽ. Chúng được bố cục rất phức tạp bởi những biểu tượng nhỏ tương đồng như chữ viết cổ trong một nguyên bản chưa được biết đến. Chữ Ai Cập, hay chữ Trung Hoa? Nhìn kỹ, những biểu tượng này không phải là những ký tự trừu tượng, mà được cách điệu hóa thành những biểu tượng con người. Rõ ràng, những bức tranh được chuyển hóa từ những trang sách cuộn đã trở thành một quang cảnh đô thị của cuộc sống bận rộn trong thành phố” - nhà phê bình Helène H, người Hà Lan, phân tích.

Những “người về soi bóng mình” này gần như là tấm gương phản chiếu hết thế gian này và là “mảng ngược” của 3 mảng đề tài còn lại. Những hình nhân trong suốt chứa trong lòng mình bao nhiêu là đền đài, thành quách, các biểu tượng quen thuộc, các góc sống linh thiêng và bình dị …

Từ cuộc đi tìm nơi soi bóng mình, Lê Thánh Thư đã cô đọng, giản lược từ muôn hình hài bé nhỏ thành một hình hài lớn hơn, nhưng rõ ràng mong manh hơn.

VĂN BẢY

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm