Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: 'Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy niềm tự hào trong mắt khán giả'

22/04/2025 15:00 GMT+7 | Văn hoá

Với tình yêu nước sâu sắc và khát vọng chinh phục đỉnh cao nghệ thuật, họa sĩ Lê Hữu Hiếu đã thực hiện triển lãm sắp đặt "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - TP. HCM trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Những tác phẩm nghệ thuật "khổng lồ" được chế tác vô cùng kỳ công của nghệ sĩ Lê Hữu Hiếu đã tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, khơi gợi mạnh mẽ tinh thần dân tộc và niềm tự hào lịch sử trong lòng người xem.

PV báo điện tử Thể thao & Văn hoá/TTXVN đã có buổi trò chuyện với họa sĩ Lê Hữu Hiếu về cụm tác phẩm điêu khắc - sắp đặt tái hiện không khí của trận Bạch Đằng lịch sử này.

Triển lãm nổi bật với khu trưng bày bãi cọc Bạch Đằng và mô hình xe tăng treo ngược. Trong đó chiếc xe tăng dốc ngược làm bằng sắt là mô hình của chiếc xe tăng M24 Chaffee do Mỹ viện trợ cho Pháp năm 1953, hiện đang đặt tại cánh đồng Mường Thanh (tỉnh Điện Biên). Ảnh: BTC

* Triển lãm sắp đặt "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975" của anh vừa khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ khiến khán giả bất ngờ trước những tác phẩm nghệ thuật "khổng lồ" và hết sức kỳ công!

- Bùng nổ, chỉ có thể nói một từ là như vậy. Đêm khai mạc tôi không lường trước được lại đông đến vậy. Trong không gian 2000m2 ở phố đi bộ gần như chật kín khán giả. Những ngày cuối tuần, khán giả vẫn đông từ sáng đến 12h đêm. Họ vừa bất ngờ về một sắp đặt lạ mắt, vừa thích thú khi đọc diễn giải và xem trực tiếp. Tôi cảm nhận được tinh thần dân tộc, sự tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua ánh mắt của từng khán giả khi thưởng thức tác phẩm.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: 'Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy niềm tự hào trong mắt khán giả' - Ảnh 2.

Lê Hữu Hiếu (bìa phải) trong quá trình sắp đặt tác phẩm ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - TP. HCM

Triển lãm bao gồm có 27 tượng lớn cao 3,3m đến 4,5m nặng tổng 20 tấn Tranh sơn mài dài 9,5m cao 4m, bao gồm 18 tấm gép 30 cọc gỗ chạm tác phẩm "Hịch tướng sĩ", bên ngoài phủ sơn mài. Cọc cao từ 5,6m đến 9m, khối lượng tổng khoảng 60 tấn. Riêng một cọc giữa 9,5m sơn son đỏ Tượng thần bảo hộ 2mx4mx6,5m nặng khoảng 3 tấn với các vật liệu như gốm, gỗ mít, nhựa cánh kiến...

Đông đảo khán giả tới chiêm ngưỡng các tác phẩm bày tại triển lãm "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975" của Lê Hữu Hiếu

* Một triển lãm không chỉ mang trong mình chất nghệ thuật mà hàm chứa cả ý nghĩa văn hoá - lịch sử, anh có thể chia sẻ về quá trình thực hiện?

- Có thể nói ý tưởng xuất hiện về một tác phẩm Bạch Đằng đã tồn tại trong tôi rất – rất lâu rồi, có thể 10 năm hoặc hơn nữa. Từ lần đầu nhìn thấy bãi cọc được khai quật tôi đã biết đây chính là tác phẩm nghệ thuật. Sau đó tôi cũng mất chừng đó năm lặn lội tìm thêm tư liệu, nghiên cứu cách làm sao để đưa câu chuyện lịch sử vào nghệ thuật. Sao cho nó nhẹ nhàng, dễ hiểu và đúng nhất nhưng lại không bị khô cứng, mang được nhiều giá trị nghệ thuật. Ở đây còn lớn hơn là mang được tinh thần của nghệ thuật hiện đại và đương đại vào sâu bên trong tác phẩm. Thời gian bắt tay vào thực hiện thì khoảng 2 năm, trong đó phần kì công và lâu nhất chính là tác phẩm sơn mài "Hịch tướng sĩ". Nói chung tác phẩm gần như là 1 vòng lịch sử 1000 năm từ khi ta bước vào thời kì độc lập năm 938 và đến đại thắng 30/04/1975.

Người dân thích thú, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: BTC

Để có được cuộc triển lãm tôi nghĩ nó là cái duyên. Thường thì tôi làm vì đơn giản là tôi muốn làm tác phẩm thôi. Nhưng thật sự may mắn khi tác phẩm hoàn thành ngay trước dịp Đại lễ, lại được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để tôi đưa tác phẩm ra mắt với công chúng.

Triển lãm lung linh với ánh đèn khi về đêm. Ảnh: BTC

 * Bức tranh sơn mài 9,5m với Hịch tướng sĩ có ý nghĩa đương đại thế nào, thưa anh? 

- Bức tranh là phần chốt của triển lãm, sơn mài với người việt nó là một sự tự hào, tự hào về một chất liệu dân gian của người Việt. Thông qua cách kết nối giữa tranh và chữ trong Hịch tướng sĩ, tôi muốn con cháu nhìn thấy sự lung linh, huyền ảo cũng như sự vĩ đại trong từng ý nghĩa răn dạy của cha ông ta để lại, mà ở đây cụ thể là Hịch tướng sĩ. Cảm giác khi đọc bản hịch tiếng Việt ở bảng giới thiệu, xong tiến ra đọc bản Hán - Nôm lỗng lẫy, ẩn hiện trong lớp vàng son trên tranh, một cảm giác tự hào và thiêng liêng lắm.

Xúc động hình ảnh những "khán giả nhí" tại triển lãm

Tôi rất hạnh phúc khi đông đảo khán giả không chỉ đến đây để check in cùng cờ Tổ quốc, áo đỏ sao vàng mà còn dành thời gian để tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa tác phẩm.

Khán giả mang theo cờ Tổ quốc, mặc áo cờ đỏ sao vàng đến "check in" 

* Anh dồn bao nhiêu % sức lực vào cuộc triển lãm và kỳ vọng gì?

- Gần như không phải một mình tôi mà là tất cả mọi người có thể giúp gì thì đều huy động vài trăm % sức lực để có thể hoàn thành triển lãm. Một khối lượng khổng lồ tác phẩm và công việc, thời gian gấp rút, nói chung là xong triển lãm chắc tôi phải ăn uống tẩm bổ vài tháng để hồi phục.

Tôi chỉ có một kì vọng duy nhất đó chính là mang được thông điệp của lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc, sự tự hào về những truyền thống vĩ đại mà ông cha ta đã để lại. Mong muốn được tiếp lửa cho các thế hệ trẻ tiếp theo.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hà Chi. Ảnh: BTC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm