Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn: 'Làm gì cũng phải giữ đức, giữ gia phong'

07/10/2013 09:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tại quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thôn An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) hiện còn rất nhiều người thân trong tộc họ. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng vẫn gặp mặt và đọc đủ tên của từng người.

Ngày Đại tướng ra đi, ký ức về Người lại ùa về nơi những người họ hàng thân thuộc.

Đại tướng thích những món ăn quê hương

Lần đầu tiên về thăm quê, năm 1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ăn bữa cơm tại nhà người cháu gọi bằng bác thúc bá - ông Võ Đức Tôn (Ông nội của ông Tôn với bố Đại tướng là 2 anh em ruột).

Đại tướng và người thân tại quê nhà trong ngày mừng thọ năm 1999. Ảnh tư liệu gia đình

Bồi hồi nhớ lại ngày ấy, bà Võ Thị Lài (77 tuổi) - vợ ông Võ Đức Tôn kể: “Hôm ấy vào năm 1955, bác Võ Nguyên Giáp về cùng một đoàn cán bộ. Sau khi thắp hương cho ông bà bên nhà, bác sang thắp hương cho ông bà nội chồng tôi - cũng là chú, thím của bác. Bác hỏi chuyện mọi người trong nhà, làm ăn ra sao, có khỏe không. Lúc ấy trên huyện báo đã chuẩn bị cơm đón tiếp bác rồi nhưng bác từ chối, ở lại ăn cơm với người nhà. Thức ăn chả có chi mô, ở nhà có chi ăn nấy thôi: dưa, cà, rau muống luộc,... bác ăn rất ngon”.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời quê hương tham gia cách mạng, ông Võ Đức Tôn còn chưa được sinh ra. Lớn lên, ông được nghe nhiều câu chuyện về bác Giáp từ cha mình - liệt sĩ Võ Toàn, em thúc bá của Đại tướng.

Đại tướng đi thuyền trên sông Kiến Giang

Ông Võ Đức Tôn kể: “Bọ (bố) tôi nói, bác Giáp từ hồi nhỏ rất ham học. Khi bọ tôi và bạn bè cùng trang lứa còn ham đánh đáo, đánh khăng thì bác Giáp khi mô cũng cầm cuốn sách. Bác thường ra cây mưng bên sông Kiến Giang, cây khế sau nhà để đọc sách. Sau khi rời quê vào năm 14 tuổi, năm 1936, bác trở về truyền bá cách mạng cho dân, trong đó có bọ tôi, ông Đào Viết Doãn, ông Trần Dĩ…".

Bồi hồi lau nước mắt, ông Võ Đức Tôn kể tiếp: "Ngày 24/8/1999, tôi và các anh em ở đây đi mừng thọ bác. Chúng tôi tặng bác tấm ảnh Quảng Bình Quan. Bác xúc động lắm. Bác bảo “Mấy đứa bay hiểu bác đấy. Mỗi lần nhớ quê, tấm ảnh này sẽ làm bác nguôi ngoai hơn”.

Đại tướng căn dặn: “Các cháu phải tự thân vận động”

Ông Võ Thanh Bình (61 tuổi, thôn 4, Thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thủy) chia sẻ: “Ông nội tôi với bố bác Giáp là 2 anh em ruột, bố tôi là anh ruột bố chú Tôn. Lần đầu tiên tôi gặp bác Giáp vào năm 1959, khi mới 7 tuổi. Trước đó, tôi háo hức lắm. Trong đầu một đứa trẻ nghĩ, chắc Đại tướng phải oai phong lẫm liệt lắm, cao lớn, giọng nói sang sảng, nghiêm nghị. Nhưng khi gặp, mọi thứ đều trái ngược. Bác rất giản dị, hay cười, bắt tay tất cả bà con trong làng. Bọn trẻ con khi ấy, đứa được bác xoa đầu, đứa được bác dặn dò cố gắng học tập giỏi.

Sau hôm ấy, tôi luôn tự hào với chúng bạn rằng mình đã được gặp bác, là cháu của bác. Từ đó đến giờ, tôi được gặp bác 6-7 lần rồi. Một lần gặp là một lần ấn tượng. Đã xa quê lâu lắm rồi mà bác vẫn giữ tiếng nói của quê hương, thật quý báu”.

Ba người cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm mỗi lần gặp bác. Ảnh: Hồng Thúy

Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng luôn dặn dò các cháu: “Mình làm gì thì làm, phải luôn để tiếng thơm cho đời. Các cháu cần tự thân vận động, vượt qua khó khăn, đừng ỷ nại mình là con cháu cán bộ mà không cố gắng. Cần phải giữ đức, giữ gia phong của gia đình, dòng họ”.

Trong khu vườn quanh nhà vẫn còn cây khế - kỷ vật duy nhất gắn bó với tuổi thơ Đại tướng. Mỗi lần về, Đại tướng lại trồng thêm 1 cây. Chỉ vào cây sâm đắng trước nhà, ông Võ Đại Hàm - người trông coi khu nhà tưởng niệm, nói: “Đây là cây sâm đắng, bác mang từ Huế ra. Ngày xưa bọ của bác đã dùng cây này chữa bệnh đau bụng cho bà con. Bây giờ, nhà nào trong làng cũng có sâm đắng, nhân giống từ cây này. Nhìn cây sâm đắng trong vườn, mọi người lại nhớ tới Đại tướng. Ngôi nhà của bác cũng như bao ngôi nhà trong làng hồi xưa thôi, 3 gian, 2 trái.

Lần nào về quê, bác cũng ra nghĩa trang huyện thắp hương cho các liệt sĩ. Còn nhớ, khi chính quyền tỉnh định đưa mẹ bác về nghĩa trang to đẹp của địa phương, bác bảo “mẹ tôi là người dân bình thường, hãy để mẹ tôi được chết như những người dân bình thường". Cụ được an táng tại nghĩa trang Mai Thủy (Lệ Thủy).

Tôi là người mang ơn bác suốt đời. Thương tôi là con liệt sĩ, lại ham học, năm 1954, bác đã tạo điều kiện cho tôi đi học.

Giờ nghe những câu hò xứ Quảng, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bác Giáp nhắm mắt thưởng thức làn điệu quê hương. Bác còn hát và nhịp theo bài Quảng Bình quê ta ơi”.


Ông Võ Đại Hàm chăm cây sâm đắng Đại tướng trồng trước cửa nhà. Ảnh: Hồng Thúy

Đối với thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc, nhà ngoại giao, chính trị sắc sảo…Đối với nhân dân cả nước nói chung, là một người hết mình vì dân vì nước, một tấm gương huyền thoại và giản dị. Riêng đối với người thân tại Quảng Bình, Đại tướng là người chú, người bác gắn bó với hình ảnh cầm cái cuốc ra vườn trồng cây, với những món ăn giản dị tép rang, rau luộc... hay say sưa những điệu hò quê…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiếc cầu bắc qua sông sông Kiến Giang, năm 1987. Ảnh: Phan Thị Thuận

Đại tướng sinh ra đúng vào mùa nước lũ. Trải qua trận bão số 10 vừa qua, người dân Quảng Bình lại càng nhớ Đại tướng da diết.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm