09/08/2022 08:05 GMT+7 | Văn hoá
Triển lãm An & Huy của vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An - Nguyễn Đức Huy đang diễn ra tại Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, TP.HCM) và thu hút sự chú ý của giới chuyên môn. Triển lãm bày 60 tranh, trong đó có 34 tranh của Đặng Thị Thu An và 26 tranh của Nguyễn Đức Huy.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế) về 2 họa sĩ này.
Cần có những cách tiếp cận mới
Mỹ thuật ở Huế những năm đầu thế kỷ 21 đến nay có những dấu ấn mới mẻ và sự biến đổi đa chiều của thời kỳ hậu đổi mới đầy biến động. Chúng đã tác động và làm thay đổi diện mạo của đời sống mỹ thuật và in dấu trong sáng tạo của nhiều họa sĩ. Đặc biệt nhận rõ là ở sáng tác của những họa sĩ trẻ, mà 2 họa sĩ Nguyễn Đức Huy (Trường Đại học Sư phạm Huế) và Đặng Thị Thu An (Trường Đại học Nghệ thuật Huế) là những người mang đậm sắc thái như vậy.
Những sáng tác của Đức Huy - Thu An làm người xem thấy ngay là cần có những cách tiếp cận mới trong việc “hiểu” về sáng tác của những họa sĩ trẻ nói chung và chính họ nói riêng. Cách tiếp cận ấy đến từ những xu hướng sáng tạo cởi mở, mới mẻ hơn và cách mà họa sĩ khơi gợi người xem hiểu mình, không chỉ qua bình diện sáng tạo đa phong cách, bút pháp, tư tưởng... mà ở chiều sâu nội tâm và sự biểu đạt rất cá tính trong đó.
Như nhiều họa sĩ khác ở Huế, Đức Huy - Thu An đã tiếp nhận nghệ thuật đương đại khá sớm và không ngần ngại tìm kiếm, đi đầu cho cuộc chinh phục đầy gian nan trước công chúng khá khó tính, nặng về hoài cổ ở cố đô về các giá trị mới của nghệ thuật hậu hiện đại. Giữa những phong cách, bút pháp sáng tác hiện đại của mỹ thuật Việt đương đại, người xem vẫn nhận ra Đức Huy - Thu An một cách không quá khó. Đó đã là một thành công đáng nói của họ.
Trước những bức tranh của Thu An - Đức Huy, người xem cảm giác như đang đứng trong không gian hừng hực chất sống về cõi sâu lắng bên trong góc nhìn không cần quá bí ẩn. Họ gửi đến cho công chúng thông điệp: Cái đẹp và ngay cả bi kịch của chính cái đẹp nếu có cùng những giá trị tinh thần thì luôn tồn tại, hiện hữu trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong chiều sâu nội thức của mỗi người.
Qua các tác phẩm của mình, với nhiều không gian ảo thực hoặc bán trừu tượng, Đức Huy - Thu An cho thấy họ tự rèn luyện cho mình bản lĩnh nghề nghiệp vững chắc, học hỏi được những cách ứng xử nghệ thuật đầy tự trọng trong môi trường nghệ thuật hiện nay. Họ còn tự điều chỉnh chính mình, có những quan hệ xã hội, giao lưu nghệ thuật lành mạnh và bồi bổ cho mình những giá trị thẩm mỹ - văn hóa một cách cẩn trọng và hiệu quả thực sự.
Mỗi người một vẻ
Với Đức Huy, những gam màu bồng bềnh trôi lơ lững và những vệt màu nhuyễn đến tinh nhã cứ ào ạt tuôn chảy. Nó không làm mất đi cảm xúc đã được nuôi dưỡng, mà ngược lại, làm cho dòng xúc cảm đó bám chặt vào ký ức và khắc khoải không nguôi. Những lớp màu sắp xếp đầy chủ ý và được kết nối trên những lớp không gian ẩn hiện đã làm cho tranh của Đức Huy có những nét tương đồng với danh họa Klimt thuở trước của thế kỷ 20. Đó là sự liên hệ như một phong cách có tầm ảnh hưởng, chứ thực ra anh không tìm lối vẻ mang tính trang trí đậm sắc của Klimt.
Qua hình hài của những vật thể mang đậm tính triết lý phương Đông, những con cá đa sắc, những bức tượng Phật, những sợi tơ màu như cái mạng nhện bí ẩn trong chuyện cổ Ba Tư… làm cho tranh của Đức Huy có những tương phản mạnh mẽ nhưng không đối chọi. Đức Huy tỏ ra rất giỏi làm chủ chất liệu - dù đó là sơn mài hay acrylic thì anh vẫn rất tập trung và tinh tế ở kỹ thuật, kỹ xảo tạo hình mà không lạm dụng nó trong biểu đạt nghệ thuật. Tuy vậy, anh cũng không giấu rằng nếu thiếu đi những kỹ năng - kỹ thuật và cả những kỹ xảo tạo hình độc đáo, không chắc tác phẩm sẽ đạt được điều mà người họa sĩ mong muốn.
Với Thu An, không hẳn những ám ảnh đủ sức soi xoáy sâu vào suy tưởng. Nhưng có lẽ đó là cách hay nhất mà cô lựa chọn để diễn trình ở mỗi bức tranh như một sáng tạo tự tại, đầy nỗi niềm và nghĩ suy, trăn trở day dứt. Nhưng chính ở mỗi tác phẩm, Thu An cũng phớt lờ những kiểu hiện thực chỉ để cho có nhưng chẳng đạt được gì, khi không tìm ra lối mở của hiện đại? Thu An tìm về phía hiện thực ảo trong những dáng hình phụ nữ tha thướt, góc bố cục lạ, những thế dáng “độc”, nhưng không èo uột, khêu gợi kiểu sexy, những khuôn mặt làm ta phải chú ý và suy nghĩ.
Sự kết hợp tính lãng mạn trữ tình hiện đại của Thu An với nét bồng bềnh tư lự của Đức Huy tạo cho những sáng tác của “cặp đôi” thực ngoài đời này thêm chất lý tưởng và sự gắn kết thẩm mỹ đặc sắc. Đó là điều không phải cứ muốn là có được, mà nó chỉ có thể hình thành và khởi phát từ sự đồng cảm, chia sẻ và gắn kết nghề rất chuyên nghiệp, lâu năm của họ. Một sự tương hợp mỹ cảm của sáng tạo.
Chiều sâu của chữ “duyên” Thu An có lần tự thoại: “Bản thân là một nữ họa sĩ, tôi không chỉ vẽ lại “sắc” mà còn mong muốn biểu tả về chiều sâu của cái “duyên”… Tôi thích khai thác vẽ đẹp trong từng tính cách của người phụ nữ mà mình đã nắm bắt trong từng câu chuyện đâu đó ngoài đời thực, nhìn thấy vẻ đẹp của họ trong từng cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố... bởi họ biết che dấu, trong cái lúng liếng, cái đanh đá, cái mời gọi, cái hờn dỗi... rất.. rất “men đàn bà” với tất cả sự khát khao, say đắm, nồng nàn, lay động”. |
Phan Thanh Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất