01/08/2012 07:16 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Sau khi “xuyên Đông Dương” với 2 đêm diễn tại Vientiane (24/7) và Phnom Penh (28/7), chương trình hòa nhạc Toyota 2012 sẽ về tới Nhà hát TP.HCM vào tối 1/8 trước khi kết thúc tour lưu diễn vào tối 5 và 6/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với một chương trình “thuần Beethoven” hiếm có.
Người thầy đầu tiên
Với tất cả những ai yêu thích âm nhạc cổ điển, thì Beethoven là tác giả được khuyên tìm nghe khi mới bắt đầu làm quen với dòng nhạc này. Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) là đỉnh núi cao nhất trong thế giới âm nhạc, sức sáng tạo thiên tài và những cống hiến có tính chất cách mạng của ông được Mahler, nhà soạn nhạc và chỉ huy giao hưởng vĩ đại của thế kỷ 20, thừa nhận rằng “không có đối thủ”. Ngôn ngữ âm nhạc của Beethoven có sức ảnh hưởng hết sức cơ bản và sâu sắc đến tất cả những nhạc sĩ về sau, cho đến nay, người nghe của thế kỷ 21 vẫn chưa hết ngạc nhiên về tính hiện đại trong những tác phẩm tứ tấu cho đàn dây cuối đời của ông. Người ta có lẽ cũng chưa bao giờ ngừng những tìm tòi nghiên cứu về Beethoven, và những phát hiện mới lại liên tục đem đến những góc nhìn mới về cuộc đời và tác phẩm của người nhạc sĩ thiên tài này.
|
Với trình độ hiện nay, kỹ thuật trình tấu các tác phẩm của Beethoven đã không còn được coi là “khó” nữa, nhưng về mặt diễn tấu âm nhạc thì không hề “dễ” chút nào, người ta bảo rằng cùng với Mozart, âm nhạc của Beethoven được coi là thứ “khó” thể hiện nhất. Thậm chí mặc dù có những nghệ sĩ trẻ đã thử sức và có những thành công nhất định với Beethoven, rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng đồng ý với quan điểm cho rằng nếu chưa đến 50 tuổi, chưa đủ từng trải, chưa đủ kinh nghiệm sống, thì chưa dám bảo là có thể “hiểu” được nhạc của ông. Các tác phẩm của Beethoven cho đến nay vẫn được coi là những chuẩn mực đánh giá nhạc trưởng, dàn nhạc và những nghệ sĩ độc tấu. Và người ta vẫn như chưa nghe “đã” Beethoven, các bản thu âm mới với những tìm tòi phát hiện mới vẫn liên tục được giới thiệu, và Beethoven vẫn hiện diện như một tác giả không thể thiếu trong những chương trình hòa nhạc, những mùa diễn khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
|
9 bản giao hưởng của Beethoven đều được coi là những tác phẩm quan trọng vào bậc nhất của thể loại này, nhưng giao hưởng số 5 có lẽ là bản nhạc nổi tiếng và phổ biến hơn cả trong toàn bộ tất cả tác phẩm mọi thể loại của âm nhạc cổ điển châu Âu. Giao hưởng số 5 được ấp ủ viết trong một thời gian khá dài, giữa năm 1804 đến 1808, khi Beethoven vật lộn với bệnh điếc ngày càng nặng, nhưng cũng là một thời kỳ sung sức nhất của người nhạc sĩ thiên tài - giao hưởng số 4 và 6, vở opera Fidelio (bản đầu tiên), sonata cho piano Appassionata, 3 tứ tấu đàn dây Razumovsky, concerto cho violin và con- certo cho piano số 4 đều được sáng tác trong giai đoạn này. Sáng tạo đột phá trong cả kỹ thuật và cảm xúc, bản giao hưởng này là nguồn cảm hứng và có ảnh hưởng sâu rộng đến những nhà soạn nhạc giao hưởng lãng mạn vĩ đại khác như Berlioz, Brahms, Tchaikovsky, Bruckner và Mahler. Tác phẩm này cùng với giao hưởng số 3 và số 9 được coi là những tác phẩm có tính sáng tạo “cách mạng” nhất toàn bộ 9 bản giao hưởng của Beethoven.
Giao hưởng số 5 thường được gọi là giao hưởng “Định mệnh”. Cái tên này cũng được gọi cho chủ đề chính quen thuộc mở đầu tác phẩm - ba nốt ngắn một nốt dài - mà người ta vẫn hình dung đó là tiếng gõ cửa của định mệnh. Cũng có những ý kiến không đồng ý với tên gọi này, nhưng có lẽ có tính chất kể chuyện hơn cả những giao hưởng có chủ đề âm nhạc như số 3 - Anh hùng, số 6 - Đồng quê, và số 9, âm nhạc bản số 5 mô tả hành trình từ bóng tối đi tìm ánh sáng, nỗ lực vượt qua mọi gian khó và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, thể hiện cuộc đời đấu tranh của người anh hùng với những diễn tiến cảm xúc từ khi “định mệnh gõ cửa” cho đến thắng lợi rực rỡ ở đoạn kết huy hoàng cuối cùng. Người ta cho rằng đó là những suy nghĩ cảm xúc của chính Beethoven, những nỗi buồn thầm kín, những cơn giận kìm nén, những ước mơ không thành, những hoài niệm êm đềm, những cuồng nhiệt tuổi trẻ, … biểu hiện bởi những giai điệu, hòa âm, tiết tấu, khúc thức sáng tạo mới mẻ và độc đáo, làm cho những cảm xúc ấy thêm căng đầy và đi thẳng vào trái tim người nghe.
|
Concerto cho violin
Khác hẳn với giao hưởng số 5 được thai nghén trong gần 5 năm, giờ đây chúng ta vẫn chưa hình dung được làm sao trong vòng có vài ngày cuối năm 1806, Beethoven có thể viết được một tác phẩm được coi là lớn nhất, được biểu diễn và thu âm nhiều nhất, trong toàn bộ nhạc mục concerto violin. Và hoàn toàn ngược lại với nội dung mang tính chiến đấu anh hùng ca của giao hưởng số 5, concerto trọn vẹn duy nhất của Beethoven viết cho violin và dàn nhạc mang đến những cảm xúc thanh bình, yên ả, thơ mộng và trữ tình, nhưng cũng không hề kém về tính độc đáo và tầm ảnh hưởng trong sáng tạo âm nhạc. Có ý kiến cho rằng vì Beethoven chỉ chơi piano và do đó phần solo violin trong concerto này không đòi hỏi “khoe” kỹ thuật “siêu đẳng” như những đoạn solo trong các concerto cho piano, nhưng sự hài hòa của vẻ đẹp bình dị trong giai điệu solo violin với tính chất trữ tình toàn cục, và sự hòa nhập của phần solo violin liên tục với tổng thể dàn nhạc như trong một bản giao hưởng, làm cho tác phẩm này có một vị trí độc đáo khác hẳn với các sáng tác khác của Beethoven.
Nếu như concerto số 4 cho piano, viết cùng thời kỳ, là tác phẩm đầu tiên trong thể loại concerto để cho nhạc cụ solo mở đầu bản nhạc, thì ở đây Beethoven lại làm ngược lại, mở đầu bằng dàn nhạc và để solo violin chờ lâu đến độ người ta quên mất là đang nghe một bản con- certo. Chương đầu của concerto này đã đạt đến một sự hài hòa “đỉnh cao” của tính trữ tình trong một cấu trúc giao hưởng lớn, những giai điệu quyến rũ được phát triển một cách đơn giản không cầu kỳ nhưng vô cùng khéo léo và tinh tế. Sau đó là một chương chậm hết sức nhẹ nhàng say đắm, với một mức độ trữ tình dịu dàng hiếm có của Beethoven, mà về sau người ta có thể tìm thấy những ảnh hưởng “lãng mạn” của nó trong những chương chậm của Brahms và Tchaikovsky. Và cũng giống như phần lớn các tác phẩm cùng giai đoạn, chương chậm đi thẳng vào chương cuối, những luân khúc - rondo trẻ trung vui nhộn, những vũ điệu dân gian hấp dẫn lôi cuốn sặc sỡ, kết thúc concerto một cách tuyệt đẹp với những cảm xúc trong trẻo tươi mát nhưng cũng rất mạnh mẽ, cuồng nhiệt ngay cả trong những lúc âm nhạc dịu dàng nhất.
Giao hưởng số 5 và concerto cho violon của Beethoven sẽ vang lên tại Nhà hát TP.HCM vào tối 1/8 và tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 5-6/8 do các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Bùi Công Duy trình diễn, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, trong chương trình hòa nhạc Toyota 2012. Chương trình nằm trong kế hoạch biểu diễn lần đầu tiên tại Việt Nam toàn bộ các tác phẩm giao hưởng và viết cho dàn nhạc của Beethoven, kết thúc bằng bản giao hưởng số 9 tháng 12/2012 và 5 concerto cho piano với NSND Đặng Thái Sơn tháng 1/2013. Với mục đích hỗ trợ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn đạt chuẩn khu vực và quốc tế, kể từ năm 1998, công ty ô tô Toyota Việt Nam và nay là Quỹ Toyota Việt Nam đã ủng hộ dàn nhạc tổ chức chương trình hòa nhạc Toyota hàng năm. Toàn bộ số tiền bán vé đều được sử dụng cho chương trình học bổng Toyota hỗ trợ Tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam. |
Bảo Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất