Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa: Trở lại thời con nít Sài Gòn

22/06/2014 06:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Đã in rất nhiều đầu sách trào phúng với các nhân vật Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy…, nhưng Lê Văn Nghĩa tự nhận là đường văn của anh “nở hậu” khi viết truyện về một thời con nít của mình.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn, học tiểu học và trung học tại đây. Từ năm 1975 đến tuổi về hưu, anh làm ở một nơi duy nhất: báo Tuổi Trẻ và gắn bó tên mình với ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười.


Ký ức đủ đầy

Lê Văn Nghĩa bắt đầu viết về thời con nít của anh với tập truyện dài Mùa Hè năm Petrus. Đây là tập truyện kể về thời đi học của anh ở ngôi trường trung học nổi tiếng mang tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong ở TP.HCM). Sau hai năm phát hành, Mùa Hè năm Petrus tái bản bốn lần với số lượng in lên đến 10 ngàn cuốn. Điều này chứng tỏ ký ức của riêng Lê Văn Nghĩa đã chạm trúng phần tuổi thơ của rất nhiều người. Hơn nữa, bạn đọc hiện nay cũng tìm thấy được một phần thuộc về quá khứ tưởng như đã khuất lấp…

Mới đây, Lê Văn Nghĩa tiếp tục đào sâu vào ký ức bằng tập truyện có cái tên dài lòng thòng: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ). Tên truyện đã dài, đã thế trên trang bìa còn có thêm dòng chữ: truyện dài dành cho thiếu nhi, nhưng người lớn đọc cũng hổng sao, mà người già đọc càng khoái. Về cái tên tập truyện dài thòng này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay nhà báo Dương Thành Truyền đã góp ý cắt bớt cho dễ nhớ, song Lê Văn Nghĩa vẫn kiên quyết giữ gần như nguyên vẹn. Hỏi thì anh cho biết: “Tên truyện dài như vậy mới chuyển tải hết nội dung trong sách”.

Truyện dài “Chú chiếu bóng…” dày hơn 300 trang in kể về những trò chơi của “tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”. Thời gian truyện vào khoảng những năm 1960, không gian truyện là một xóm nghèo ở ngoại ô Sài Gòn. Như những đứa con nít khác, tụi nhỏ trong truyện này của Lê Văn Nghĩa cũng có đủ các niềm vui, chiêu trò láu cá khiến người đọc bậc cười. Một thời Sài Gòn xưa hiện lên đủ đầy như một cuốn phim tư liệu được bảo quản thật tốt trong ký ức của Lê Văn Nghĩa. Và thật ngạc nhiên với thế hệ người đọc hôm nay, khi có nhiều thông tin được đưa vào sách vẫn như còn rất mới.

 Ví dụ, tụi con nít thời ấy bị nhà trường “bắt uống sữa miễn phí” đến nổi thấy sữa là ngán. Chẳng bù hiện nay, các bậc phụ huynh đau đầu khi nghĩ đến việc kiếm tiền mua sữa cho con uống, mà giá sữa và chất lượng sữa lại cứ phập phù…


“Nhà phong tục học”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cảm thấy rất thú vị khi đọc bản thảo“Chú chiếu bóng…” và “ông trùm” truyện thiếu nhi hiện nay đã viết lời giới thiệu cho tác phẩm này một cách trân trọng. Nguyễn Nhật Ánh đánh giá: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học”. Trong xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của tụi con nít, Lê Văn Nghĩa đã tái dựng lại đời sống một thời. Nguyễn Nhật Ánh viết: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.

Không chỉ khiến Nguyễn Nhật Ánh ngạc nhiên, truyện về thời con nít của Lê Văn Nghĩa còn khiến cả những nhà văn viết về chiến tranh như Bảo Ninh sửng sốt. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh khi đọc Mùa Hè năm Petrus của Lê Văn Nghĩa, đã phải thốt lên: “Không đến nỗi phải ngã ngửa ra vì sửng sốt, song tôi thấy ngạc nhiên vô cùng trước thực cảnh của Sài Gòn, nhất là của các trường học ở Sài Gòn thuở xưa hiện lên trong những trang sách. Thôi thì không nói rằng sự học hành của cái lớp tứ 7 ấy tốt hơn của tôi, mà là ngang bằng, nhưng ngay cả thế cũng đâu có thể. Phải kém xa tôi chứ, làm sao mà nhà văn Lê Văn Nghĩa và các bạn đồng niên lại có thể được hưởng một môi trường giáo dục học ra học, chơi ra chơi, trò ra trò, thầy ra thầy, như vậy”.

Điều Bảo Ninh ngạc nhiên nhất là chuyện về những người thầy: “Như tôi vẫn tưởng thì ở Sài Gòn ngày trước, không thể nào các thầy giáo lại là những nhà trí thức mẫu mực đáng kính, thông tuệ và nhân hậu nhường ấy, tạo tấm gương sáng và để dấu ấn sâu sắc bền lâu trong tâm khảm, tâm tính, lối sống, lối nghĩ của học trò đến như vậy”.

Chợt nghĩ, con người của hiện tại hay của tương lai đều đến từ quá khứ. Khi được hưởng thụ một nền giáo dục tốt từ quá khứ, thì hiện tại và tương lai của con người mới thật đẹp đẽ. Hai tập truyện dài Mùa Hè năm Petrus và “Chú chiếu bóng…” của Lê Văn Nghĩa với “tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy” đã được học trong một nền giáo dục tốt như thế.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm