Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Sợ người ta bảo mình là một hoa hậu hóa "rồ"

09/11/2010 07:00 GMT+7 | Người đẹp

(TT&VH Cuối tuần) - Trong nhiều đời hoa hậu, có lẽ Nguyễn Thu Thủy – hoa hậu Việt Nam năm 1994 – là hoa hậu gây nhiều bất ngờ nhất. Không phải bất ngờ về đời tư hay scandal, cô khiến người ta bất ngờ vì những khả năng ít thấy ở các hoa hậu. Sau sự kiện “hoa hậu viết văn” chưa lâu, cô lại tạo ra sự kiện “hoa hậu làm phim” với bộ phim tài liệu Người khác do cô viết kịch bản và vào vai người dẫn chuyện đã được chọn tham dự LHP Quốc tế Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội mới đây.


Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy với đời sống ở thành phố...

* Lúc chị đăng quang hoa hậu vào năm 1994, tôi nhớ chị có nói rằng sẽ trở thành một nhà ngoại giao nữ của Việt Nam, nhưng rồi Việt Nam chẳng có nhà ngoại giao nào là hoa hậu Nguyễn Thu Thủy cả. Chị đã trở thành thương gia với chuỗi spa nổi tiếng ở Hà Nội rồi bất thình lình viết văn và lại đột ngột trở thành nhà làm phim. Con đường của chị xem ra có nhiều khúc ngoặt chẳng liên quan đến nhau mấy?

- Có mâu thuẫn không nhỉ? Tôi hỏi bạn thế vì tôi thấy mình mâu thuẫn. Đôi khi tôi không biết mình muốn làm gì vì mình nhiều năng lượng, làm được nhiều thứ. Được như vậy vì tôi may mắn có nền tảng gia đình và vì tôi ham mê đọc sách từ nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng chạnh lòng vì nghĩ rằng không hiểu mình làm thế để làm gì. Bố tôi dành cả đời chỉ để làm mỗi một việc mà không bao giờ hoài nghi, đó là nghiên cứu ngôn ngữ. Tôi nghĩ sự hoài nghi, nhận thức, nhân sinh quan và sự tưởng tượng của tôi có lẽ cũng là của gần cả một thế hệ như chúng ta. Điều đó làm tôi bối rối.

* Sự bối rối đó dẫn đến việc chị viết kịch bản cho bộ phim tài liệu mang tên Người khác vừa được dự LHP Quốc tế Việt Nam – bộ phim mà như chị nói là kể câu chuyện nhìn lại chính mình sau khi sống bên những người khác?

- Đúng vậy. Tôi làm bộ phim này không chỉ để tặng bố tôi hay tự tặng cho mình mà còn dành tặng cho những người đồng trang lứa với mình.

Con đường làm phim của tôi cũng mở ra tự nhiên như việc tôi viết văn, đó là nhu cầu nội tại chứ không vì lí do nào khác từ bên ngoài. Tôi mất 6 tháng không làm gì khác, chỉ chăm chăm làm phim, dồn hết tâm trí vào việc đó như dồn mọi thứ cho một canh bạc, vừa làm vừa sợ không ra được sản phẩm. Tôi tin rằng trong nhóm làm phim cũng chỉ có 2-3 người tin rằng sẽ ra được sản phẩm thôi. Tôi rất sợ làm xong người ta bảo mình là một cô hoa hậu hóa “rồ”, một con bé ở thành phố bị trầm cảm nên về miền núi để làm việc điên rồ hoặc nhẹ hơn thì bảo tôi dở hơi dở hám tự nhiên mang tiền nhà đi làm việc không đâu.

* Vậy tại sao chị vẫn làm?

- Có một câu chuyện tôi đọc được ở đâu đó mà tôi nhớ như in và nó luôn thúc đẩy tinh thần tôi, rằng có một cô bé da đen nhà ở cạnh cửa hàng thịt, một hôm cô ra cửa hàng thịt, nói với ông bán thịt “cho cháu mua chịu 5 pound, bố cháu đang ốm nặng còn em cháu sắp chết đói”. Ông bán thịt gào lên đuổi cô đi nhưng cô bé kiên nhẫn đứng trước ông và lặp đi lặp lại đúng những lời như thế cho đến khi ông đồ tể kia không thể chịu được và phải đưa cho cô 5 pound thịt.

Cô bé da đen nhỏ bé ấy đã thắng được ông đồ tể to lớn, hung dữ bằng niềm tin. Điều đó cho tôi thấy rằng tinh thần rất quan trọng, phải có niềm tin khi làm mọi việc. Câu chuyện đi xin tài trợ làm phim của tôi cũng tương tự như thế. Tôi đã có được nguồn tài trợ cho bộ phim này khi thuyết phục người ta tin rằng tôi làm được cho dù tôi chưa bao giờ làm phim hay viết kịch bản.

Đừng đặt người khác vào vị trí của mình

* Chị có định trở thành nhà ngôn ngữ học không?

- Tôi không định đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ nhưng tôi sẽ làm nhiều việc để khai thác kho tư liệu của bố tôi. Làm phim là một cách tốt để những nghiên cứu khô khan dễ dàng tác động đến nhận thức của khán giả. Hơn nữa, khi làm phim, chính tôi cũng nhận ra nhiều điều.


...và trong phim Người khác

Chẳng hạn, tôi từng có ý định đưa 20 người H’Mông ở xã Sẳng Trà, Hà Giang về Hà Nội làm việc sau một chuyến đi làm từ thiện, vì tôi thấy cuộc sống của họ nghèo khổ quá, tôi muốn làm gì đó để thay đổi. Tôi từng muốn đưa 30 người C’Lao ở Sủi Chà xuống Hà Nội học may, đảm bảo cho họ điều kiện ăn ở nhưng chẳng ai đi. Tôi nghĩ rằng họ sống khổ thế thì chắc sẽ muốn được sống như người văn minh nhưng đó là ý nghĩ rất ngây thơ. Không thể tách rời họ ra khỏi nơi chốn của họ, điều đó cũng giống như đừng đặt người khác vào vị trí của mình. Đó là sự thay đổi từ ngọn chứ không phải từ gốc. Hay một việc khác, tôi luôn sợ xấu nên lúc nào cũng trang điểm, ăn mặc trau chuốt nhưng khi ở bên những người dân tộc, hòa vào cuộc sống của họ, tôi thấy đó chỉ là những vỏ bọc, là những giá trị vay mượn.

* Vậy công việc viết văn hay làm phim sẽ khiến chị say mê trong bao lâu?

- Như đã nói, những việc đó với tôi là một nhu cầu nội tại nên tôi sẽ làm khi mình muốn, mình cảm thấy cần phải làm. Tôi không có nhu cầu trở thành nhà văn hay nhà làm phim, nhưng trước mắt, tôi sẽ tiếp tục thực hiện serie phim tài liệu Người khác. Hiện tôi đã phỏng vấn nhiều người về sự hoang mang, hoài nghi của họ, về vấn đề gia đình vì giá trị của gia đình hiện nay đã không còn như trước nữa. Nhìn bạn bè, những người xung quanh, thấy ai còn gia đình hạnh phúc, êm ấm, tôi mừng cho họ lắm. Tôi đang tự hỏi phải chăng vì xuất phát điểm, hoàn cảnh hiện tại của xã hội đã làm cho một thế hệ, một bộ phận như mình muốn bộc lộ. Nhưng tôi cũng phân vân lắm vì sự hoài nghi này hình như không chỉ là cảm giác của riêng tôi, nhìn quanh, bạn bè tôi đều thấy như vậy và đều không thể vượt qua được.

Tôi không thể thay thế bố của các con tôi

* Chị thấy nền tảng gia đình là quan trọng và mừng cho những người bạn còn gia đình yên ấm, vậy với gia đình riêng của chị, chị đã làm gì với nó?

- Cuộc đời mình là do mình quyết định, nó có tròn trịa hay không cũng do chính mình. Có một thời gian, hình ảnh, cuộc sống gia đình của tôi quá hoàn hảo trong mắt mọi người nhưng sự hoàn hảo đó không phải do tôi may mắn có được mà do tôi tạo ra. Tôi yêu chồng cũ của tôi năm 19 tuổi, sau 8 năm thì cưới, lúc đó chúng tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Ly hôn không phải là một quyết định có tính sốc. Tôi hiểu hết những gì đã và đang diễn ra, tôi cũng biết mình sẽ đối mặt với gì, sau đó sống như thế nào. Nhiều khi những mong muốn, thậm chí là số phận đều do quyết định của mình. Tính cách cũng quyết định số phận. Bây giờ tôi không nghĩ mình bất hạnh hay cuộc sống của mình không tròn trịa, tôi có đầy đủ mọi thứ: con cái, địa vị, có tình yêu để cuộc sống có ý nghĩa và có thể làm tất cả những gì mình muốn.



* Nhưng điều tôi muốn hỏi là chị có băn khoăn đến việc tạo dựng nền tảng cho những đứa con của chị? Liệu chúng có ổn với cuộc sống hiện tại mà chị dành cho chúng?


- Tôi nghĩ thế này, hãy tự hỏi theo quan điểm của mình thì mình có hạnh phúc không? Nếu muốn làm cho người khác hạnh phúc thì trước hết mình phải làm cho mình hạnh phúc. Bản thân mình không thể làm nhiều thứ cho con mình đâu. Bố mẹ tôi ngày xưa cũng thế, họ không hài lòng với tôi vì nhiều thứ nhưng cũng không bao giờ áp đặt.

Có thể nền tảng gia đình của các con tôi bây giờ không tốt bằng nền tảng gia đình mà bố mẹ cho tôi nhưng tôi cũng tạo cho chúng những thứ tốt đẹp. Xin nói là tôi không cổ súy cho tình trạng gia đình đổ vỡ. Tôi không bao giờ dám nói mình có thể thay thế bố của các con tôi, tôi cũng không cố làm gì để bù đắp sự thiếu hụt đó vì có bù cũng không được. Nhưng tôi nghĩ là các con tôi sẽ hiểu dù có thể phải mất 30 năm nữa, như tôi hiểu bố tôi bây giờ sau hơn 30 năm làm con của ông. Còn để trả lời câu hỏi "có ổn không?", ai cũng hướng đến cái ổn nhưng không thể ổn được vì đó không phải là trạng thái ổn định. Ổn hôm nay mai sẽ khác vì cuộc sống luôn thay đổi, thế giới luôn thay đổi, điều quan trọng là mình phải có nền tảng, vì bản chất thì sẽ không thay đổi.

* Cảm ơn chị.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm