11/03/2021 13:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây tròn 10 năm, chiều 11/3/2011, trận động đất có cường độ 9, đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, khiến hơn 19.700 người thiệt mạng và mất tích, đồng thời gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Đây cũng là trận động đất có sức tàn phá ghê gớm nhất thế giới kể từ năm 1900, mà mức thiệt hại theo ước tính của Ngân hàng Thế giới lên tới con số kỷ lục khoảng 300 tỷ USD.
Gần 1 năm sau thảm họa, tôi đã có dịp theo chân đoàn tình nguyện viên Việt Nam tới khu vực này để hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả trận động đất-sóng thần tàn khốc ấy. Hằn sâu trong tâm trí tôi vào thời điểm đó là những vùng đất hoang tàn, không có sự sống, với vô số những đống đổ nát, những ngôi nhà chỉ còn trơ lại nền, những con đường mấp mô và những đàn quạ đậu đầy trên dây điện.
Cả những hàng cây anh đào, biểu tượng của đất nước Nhật Bản, cũng xơ xác, bầm dập. 10 năm trôi qua, có dịp trở lại những khu vực từng bị tàn phá nặng nề ấy, tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự hồi sinh kỳ diệu ở vùng đất này.
Trong chuyến đi vào tháng 2/2012, tức là khoảng gần một năm sau trận động đất khủng khiếp, tại thành phố Rikuzen-Takata thuộc tỉnh Iwate, cách thủ đô Tokyo hơn 500 km về phía Đông Bắc, tôi đã gặp ông Teiichi Sato, người may mắn sống sót trong thảm họa.
Ông kể: “Tôi không bao giờ quên ngày đó - ngày 11/3/2011. Một vài ngày trước thảm họa, rất nhiều quạ đã bay trên nóc ngôi nhà của tôi ở khu Yokota. Cá trên sông Kesen ở khu Takekoma bỗng dưng biến mất. Vào khoảng 2 giờ 46 phút chiều 11/3, trận động đất kinh hoàng đó đã xảy ra. Sau động đất, các đợt sóng thần khổng lồ đã tràn vào bờ từ hai phía và san phẳng khu vực này”.
Ông Teiichi Sato khi đó vẫn chưa thôi ám ảnh về những hình ảnh đau lòng ở mảnh đất quê hương khi động đất-sóng thần bất ngờ ập đến. Sau thảm họa, những đống đổ nát xuất hiện ở khắp nơi, thậm chí cả ở những khu vực cách bờ biển tới 10 km. Rất nhiều thi thể được tìm thấy trong những đống đổ nát đó. Người ta phải sử dụng phòng tập thể dục của một trường học làm nơi để chứa xác. Những người còn sống, tất cả đều rất buồn. Một số người khóc. Một số người cúi đầu và khấn nguyện.
Rikuzen-Takata không phải là thành phố duy nhất bị tàn phá nặng nề trong trận động đất-sóng thần tháng 3/2011. Cảnh tượng hoang tàn cũng xuất hiện ở nhiều thị trấn và làng mạc khác trên dọc hành trình của tôi từ Fukushima tới Miyagi và Iwate, 3 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa kinh hoàng ấy. Hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ quê hương khi hơn 122.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và hơn 1 triệu ngôi nhà bị hư hại, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương trong khu vực bị tàn phá nghiêm trọng và sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima biến khu vực trong bán kính 20 km quanh nhà máy gần như "vùng đất chết"
Suốt 10 năm qua, có lẽ nỗi đau chưa lúc nào nguôi trong lòng những người sống sót như ông Teiichi Sato. Trao đổi với các phóng viên trong cuộc họp báo nhân tưởng niệm 10 năm thảm họa, ông Katsuei Hirasawa, Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản, cho biết tính đến tháng 3/2020, vẫn còn 2.559 người ở khu vực thảm họa bị mất tích.
Mặc dù vậy, trong những lần trở lại khu vực Đông Bắc Nhật Bản vào năm 2019 và 2020, tôi đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến những hình ảnh hoàn toàn khác. Không còn những khung cảnh hoang tàn và các đống đổ nát mà tôi đã nhìn thấy thời điểm 1 năm sau thảm họa. Thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, những tòa nhà hành chính mới xây và những con đường trải nhựa thẳng tắp. Đáng chú ý, khung cảnh hoang tàn và hầu như không có sự sống năm nào đã được thay bằng các con phố nhộn nhịp và tấp nập người đi lại. Đây là thành quả của những nỗ lực tái thiết của chính phủ và người dân Nhật Bản trong suốt 10 năm qua.
Ông Masao Uchibori, Thống đốc tỉnh Fukushima, nơi có 4.146 người thiệt mạng do thảm họa kép năm 2011, tâm sự rằng 10 năm sau, công tác tái thiết đã được triển khai đối với 99% công trình công cộng, trong đó có 96% đã hoàn thành. Hiện tại, tỉnh đang tập trung vào các khu vực bị ảnh hưởng sóng thần và đặt mục tiêu hoàn thành việc tái thiết càng sớm càng tốt, đồng thời phát triển và nâng cấp đường sá và các cơ sở hạ tầng.
Ở tỉnh Iwate, nơi có 5.143 người chết và 1.111 người mất tích trong thảm họa, Thống đốc Takuya Tasso cho biết tất cả các tuyến đường bộ thiết yếu cho việc duy trì kinh tế của tỉnh này dự kiến sẽ được nối lại hoàn toàn vào cuối năm nay. Hơn 6 triệu tấn chất thải từ các đống đổ nát sau thảm họa đã được xử lý. “Chúng tôi đã gần như hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng cứng như dọn dẹp các khu đất để sử dụng trong tương lai và di chuyển các hộ dân lên các khu vực cao hơn. Các công trình bảo vệ ven biển như đê biển đã được nâng cấp để tăng độ an toàn”.
Các số liệu thống kê của Cơ quan Tái thiết Nhật Bản cho thấy trong 10 năm qua, Nhật Bản đã chi khoảng 31.300 tỷ yen (khoảng 288 tỷ USD) cho hoạt động tái thiết các khu vực bị tàn phá trong thảm họa kép năm 2011. Số người phải tha hương sau thảm họa đã giảm từ mức đỉnh 470.000 người vào tháng 3/2011 xuống còn khoảng 40.000 người vào tháng 4/2020, trong khi số lượng các nhà tạm đã giảm từ gần 123.723 vào tháng 8/2012 xuống còn 1.078 vào tháng 8/2020.
Cùng với nỗ lực khôi phục cơ sở hạ tầng, Chính phủ Nhật Bản và chính quyền các tỉnh còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân như tư vấn hỗ trợ xây dựng lại nhà và tạo lập sinh kế, hỗ trợ phát triển cộng đồng sau khi tái định cư và đặc biệt là hỗ trợ những nạn nhân của thảm họa này chữa lành các vết thương tinh thần. Nhiều hoạt động cộng đồng và các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần ở 3 tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất đã ra đời.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khôi phục hoạt động sản xuất ở vùng thảm họa, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp di chuyển cơ sở sản xuất tới vùng thảm họa để tạo sinh kế cho người dân và vực dậy nền kinh tế địa phương. Cho đến tháng 8/2020, chính phủ đã chi 529,7 tỷ yen để hỗ trợ 11.819 dự án khôi phục sản xuất ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng, gồm Hokkaido, Aomori, Iwate, Miyagi, Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Chiba.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ tài chính để khôi phục sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp ở các vùng bị tàn phá. Đến cuối năm ngoái, 94% đất canh tác đã có thể khôi phục sản xuất, trong khi sản lượng hải sản cũng phục hồi lên mức 98% so với trước khi xảy ra thảm họa.
Riêng đối với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, tháng trước, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã hoàn thành việc dỡ bỏ tất cả 566 thanh nhiên liệu từ bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phán ứng số 3 của nhà máy.
Mặc dù vậy, quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá trong thảm họa vẫn chưa thể kết thúc, nhất là khi vẫn còn khoảng 40.000 người chưa trở về nhà và nhiều người vẫn phải sống trong các nhà tạm. Nhiều khu vực xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn chưa thể tiếp cận hoặc chưa thể canh tác.
Trong bối cảnh đó, ngày 9/3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép tháng 3/2011, gia hạn thời gian hoạt động của Cơ quan Tái thiết tới năm 2031, đồng thời khẳng định giai đoạn 5 năm kể từ tháng 4/2021 là giai đoạn hai của quá trình tái thiết và phục hồi. Kinh phí dành cho công tác tái thiết và phục hồi trong giai đoạn hai ước tính lên tới 1.600 tỷ yen (khoảng 15 tỷ USD). Thủ tướng Suga Yoshihide cam kết rằng các nỗ lực tái thiết sau thảm họa kép sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, bởi nếu không tái thiết Fukushima, vùng Đông Bắc sẽ không bao giờ phục hồi, và nếu không tái thiết vùng Đông Bắc, Nhật Bản sẽ không bao giờ hồi sinh.
Những ngày tháng 3 này, trên những mảnh đất hoang tàn vì thảm họa 10 năm trước, hoa anh đào lại nở. Nhớ hồi tháng 3 năm ngoái, khi trao tặng Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam hoa anh đào của tỉnh Fukushima để bày tỏ lời cảm ơn của người dân Fukushima đối với sự hỗ trợ của Chính phủ và người dân Việt Nam sau thảm họa ngày 11/ 3/2011, ông Daisuke Endo, Giám đốc dự án “Thanks Flower” của tỉnh Fukushima, chia sẻ: “Hoa anh đào đã bắt đầu nở tại tỉnh Fukushima. Điều đó thể hiện sự trỗi dậy và vươn lên của người dân tỉnh Fukushima sau thảm họa". Đó cũng là biểu tượng cho những nỗ lực và quyết tâm của chính phủ và người dân Nhật Bản hồi sinh vùng đất bị tàn phá trong thảm họa kép 10 năm trước.
Đào Thanh Tùng - Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất