Vụ 'Hồ sơ Panama': Thủ tướng Anh khẳng định không có cổ phiếu và lợi ích trong các quỹ hải ngoại

06/04/2016 07:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 5/4, Thủ tướng Anh David Cameron đã phủ nhận việc ông có cổ phiếu hay có lợi ích tại các quỹ hải ngoại, trong bối cảnh "cơn bão" từ vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đang ngày càng mạnh lên ở Anh cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Thủ tướng Cameron đã rơi vào tình huống khó xử khi những tài liệu tiết lộ từ "Hồ sơ Panama" cho thấy một quỹ đầu tư do thân phụ quá cố của ông thành lập tại Bahamas đã không đóng một đồng thuế nào tại Anh trong 30 năm. Liên quan công ty hiện có giá trị tài sản lên tới 35 triệu bảng và vẫn đang hoạt động này, ông Cameron nói rằng quỹ đầu tư của bố ông là "vấn đề riêng tư", còn bản thân ông không sở hữu cổ phiếu hay bất cứ quỹ hải ngoại nào.

Cùng với trả lời của ông Cameron với báo chí, Văn phòng Thủ tướng Anh sau đó lên tiếng khẳng định Thủ tướng cùng vợ và các con của ông không có lợi ích từ bất cứ quỹ hải ngoại nào. 

Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cũng nêu rõ ông Cameron không sở hữu cổ phiếu, trong khi vợ ông sở hữu một lượng nhỏ cổ phiếu liên quan đến bất động sản của cha mình và bà có khai báo trong tờ khai thuế.


Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: TTXVN

Trong diễn biến liên quan, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập để làm rõ mối liên hệ giữa Anh với mạng lưới trốn thuế mà "Hồ sơ Panama" đã tiết lộ ở mọi cấp độ.

Nhà lãnh đạo Công đảng cũng kêu gọi làm trong sạch các vùng lãnh thổ hải ngoại và trực thuộc Vương quốc Anh, ví dụ như Quần đảo British Virgin - nơi đóng trụ sở của một nửa số công ty được nêu tên trong "Hồ sơ Panama", Quần đảo Cayman và Anguilla. Ông Corbyn cho rằng Chính phủ Anh nên xem xét áp đặt quy định trực tiếp lên các vùng lãnh thổ hải ngoại và trực thuộc Anh vốn nằm ở trung tâm các vụ cáo buộc.

Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Số tài liệu này, còn gọi là "Hồ sơ Panama", ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975).

Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành nhà lãnh đạo đâu tiên trên thế giới phải từ chức do những áp lực sau khi vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama".

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm