Thư Brazil: Một thế hệ trẻ thành thị đáng mơ ước

16/06/2014 13:27 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Brazil cũng giống như bao đất nước phát triển khác: Rất khó tìm được một người lái xe taxi dưới 30 tuổi. Ngày dăm bảy cuốc taxi kể từ khi đặt chân tới đây tôi chỉ gặp những ông già, cùng lắm là trung niên.

Bẻ vô lăng, nhấn ga phóng ầm ầm đổ dốc trên những con phố uốn lượn địa hình đồi núi cũng chẳng có gì khó. Cứ nhìn tay họ gõ nhịp vào thành cửa xe theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio mới thấy công việc ấy thật đơn giản.

Đó cũng chính là câu trả lời tại sao ở Brazil lái xe taxi là công việc dành cho người chuẩn bị về hưu.

Còn thế hệ trẻ, những người có khát khao sự nghiệp, thoát khỏi kiếp nghèo đói và bất bình đẳng ở một đất nước có tiềm lực kinh tế đứng thứ bảy thế giới, họ tìm lối thoát khác với những nỗ lực đầy ngưỡng mộ.

Ở khu Madalena, trên con phố Mourato nhỏ bé gợi nhớ tới café Hàng Hành bên Bờ Hồ ở Hà Nội, Rodrigo Vampes, 30 tuổi nhìn giống như bất cứ ai trong đám đông cỡ vài ngàn người đứng chật ních trong khoảng một trăm quán bar và ba đoạn phố kéo dài cả thảy chừng ngàn mét.

Nâng chai bia “cạch” với chúng tôi, chào mừng đến với Brazil, Rodrigo bảo anh ở đây đã hai tiếng và đang uống đến chai bia SKQL thứ hai (loại phổ biến như 333 hay Hà Nội). Anh sẽ chỉ uống cùng lắm thêm một chai nữa cho tới nửa đêm rồi ngày mai trở lại làm việc.  Ba chai cho cả một đêm như thế mới chỉ bằng số lượng mà nhiều trong số thế hệ trẻ ở Việt Nam dùng để khai cuộc.

Rodrigo vừa mới quay trở lại đại học và hiện đang làm việc cho một công ty thiết kế mỹ thuật. Đó không phải là một nghề hot ở Brazil, nhưng đòi hỏi sự sáng tạo và học hỏi để đón bắt các cơ hội khi mà nền kinh tế sẽ còn đón nhận nhiều công ty nước ngoài nhảy vào thị trường tiêu thụ hơn 200 triệu dân.

Carolina, cô gái 27 tuổi là một bác sĩ phẫu thuật, làm ở hai bệnh viện, cũng phải đi làm vào ngày Chủ nhật hôm sau kéo dài từ 9 giờ sáng tới 11 giờ tối. Carolina sinh ra cách Sao Paulo 400km, vẫn đang ở nhà thuê cùng với 6 người bạn khác nhìn thấy tương lai tươi sáng ở một đất nước mà dịch vụ y tế đang trở thành bàn đạp cạnh tranh của các chính trị gia chứ không chỉ là trăn trở của dân chúng.

Họ tới khu ăn chơi trung lưu và trí thức này bởi tất cả đều có gen lễ hội trong người và vì một World Cup cả đời người Brazil mới có.

Đám đông vài ngàn người ấy có thể vô tình giẫm lên chân nhau, huých vào người nhau làm đổ chai bia ướt váy các cô gái nhưng không có xích mích, không có tranh giành bồ bịch mà chỉ có những nụ cười.

Đó phải chăng là một Brazil khác với những gì chúng ta vẫn nghĩ? Câu trả lời có thể là khác nhau, nhưng nếu đã đến đây rồi, khái niệm “pais do futebol” (đất nước bóng đá) và World Cup hẳn sẽ không còn được nhìn nhận như là lối thoát duy nhất nữa.

Phạm Tấn (Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm