Hồ Quỳnh Hương - Tùng Dương: Người quen mà lạ

01/04/2012 08:14 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến


(TT&VH Cuối tuần) - Xuất hiện từ Sao mai - Điểm hẹn 2004, “nghệ sĩ mới” Tùng Dương ngay lập tức qua mặt những cái tên sừng sỏ trong làng nhạc nhẹ lúc ấy (Thanh Lam, Mỹ Tâm) và cả đối thủ của Dương trong cuộc thi này (Kasim Hoàng Vũ) trong cuộc đua giành danh hiệu Ca sĩ của năm ở cuộc bầu chọn giải tiền Cống hiến 2004. Một năm sau đó, một “nghệ sĩ mới” khác, Hồ Quỳnh Hương đã làm một cuộc thăng tiến ngoạn mục từ vị trí ca sĩ mới trong Duyên Dáng Việt Nam 12 thành vedette, giành luôn giải Ca sĩ của năm giải Cống hiến lần thứ nhất, 2005, bất chấp những cái tên rất nặng ký trong bảng đề cử lúc ấy như Thanh Lam, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Quang Dũng và nhóm Năm Dòng Kẻ. Cả hai đã trở thành nghệ sĩ mới lĩnh ấn tiên phong cho những chiến thắng đầu tiên của những làn gió mới ở một giải thưởng âm nhạc được chờ đợi nhất trong năm.

Trở lại với đề cử giải Cống hiến năm nay (*), cả hai đã trở thành những người quen… nhẵn mặt trong làng showbiz. Cái mới, lạ lúc này là sự thách thức trong chính nội lực của họ chứ không thể cậy nhờ sự mới mẻ của tên tuổi.

Đường lên đỉnh một kim tự tháp

Nguyễn Hải Ninh, nhà báo, đạo diễn ca nhạc, “quen” Hồ Quỳnh Hương từ ngày còn làm ở Báo Thanh Niên và Duyên Dáng Việt Nam, nhưng bất ngờ với một “Hồ Quỳnh Hương khác” trong Sắc màu do anh làm đạo diễn. Dưới đây là những dòng Hải Ninh viết về Hồ Quỳnh Hương.

Năm 2010 tôi đang làm đạo diễn sản xuất chương trình Đêm Sài Gòn - Phòng trà của mọi nhà, trực tiếp TH trên kênh Let’s Việt - VTC9 ở phòng trà Đồng Dao. Tới nơi này, nhạc sĩ Hà Dũng có “bao” một vị trí riêng. Đêm nào anh cũng đến ngồi gần 1 tiếng đồng hồ. Thường xuyên một mình, thỉnh thoảng có vài người bạn đi cùng. Đùng một cái, anh nói với tôi muốn làm một liveshow mini các sáng tác của anh tại đây với giọng ca chủ lực Hồ Quỳnh Hương. Một lời đề nghị không có gì đặc biệt, Hồ Quỳnh Hương hát nhạc Hà Dũng không phải chuyện lạ.

Nhưng tôi ngạc nhiên về một Hồ Quỳnh Hương trong liveshow mini này. Hương hát một lèo 8 bài, có một số bài với ban nhạc jazz của Quyền Thiện Đắc. Chất giọng quá đẹp, tới mức tôi phải kêu lên với Hà Dũng: Hương ăn chay trường mấy năm nay à? Thể lực kinh khủng. Tôi bắt đầu có một cái nhìn khác về cô ca sĩ này.

Nói là khác bởi tôi đã làm việc với Hồ Quỳnh Hương từ chương trình Duyên Dáng Việt Nam 12 (lần đầu tiên Hương xuất hiện trong một chương trình lớn như vậy ở sân khấu ca nhạc TP.HCM), qua ca khúc Lời nguyện cầu của Hà Dũng. Lúc đó, tôi chỉ đánh dấu trong đầu, Hương hát kỹ thuật tốt, giọng có lực, triển vọng. Những năm sau đó Hồ Quỳnh Hương cộng tác thường xuyên một số chương trình ca nhạc khác của Báo Thanh Niên do tôi tham gia sản xuất. Cô vẫn là một ca sĩ Bắc ít giao tiếp với đồng nghiệp, chỉ chăm chú vào việc hát và khiến nhà sản xuất an tâm về phần trình diễn của mình.

Hồ Quỳnh Hương đã khác rất nhiều từ thời điểm 2005. Chương trình Sắc màu 2011 của cô được xem là có chất lượng chuyên môn tốt

Hiểu nội lực “kinh khủng” của Hồ Quỳnh Hương trước khi bắt tay vào làm liveshow Sắc màu cùng Hương, nhưng Hương vẫn khiến tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Hai tháng trước đêm diễn, chúng tôi thống nhất, toàn những điều hiếm có xưa nay:

- Hát live toàn bộ 38 bài (bao gồm vài liên khúc), một số lượng vào hàng kỷ lục của các liveshow.

- Toàn bộ ê-kíp thực hiện là những anh em có nhiều kinh nghiệm nhưng chưa có điều kiện chứng minh. Như thế, thay vì chạy sô nhiều chương trình cùng lúc, họ sẽ dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho quá trình chuẩn bị, điều này cũng rất thiếu thốn trong tình cảnh showbiz Việt hiện nay.

- Bao trọn gói sân khấu trong 1 tuần để “set up” hoàn hảo. Đa phần, các liveshow chỉ được vào làm sân khấu trước 2-3 ngày, lúc nào mọi việc cũng cập rập và chồng chéo.

- Ban nhạc Nhật Gypssy Queen đồng ý đệm toàn bộ cho chương trình. Lần đầu tiên một ca sĩ Việt được một ban nhạc nước ngoài đệm cả liveshow các ca khúc Việt.

- Lần đầu tiên đưa dòng nhạc Phật giáo lên sân khấu liveshow của một ca sĩ.

- Phần quay liveshow được thực hiện hoàn toàn trước đêm diễn chính thức để có hình ảnh đẹp nhất cho bộ DVD sản xuất sau chương trình.

- Vị trí khán giả cũng được thiết kế riêng do một công ty thiết kế nội thất đảm trách.


Rất nhiều chi tiết “lần đầu tiên”, “táo bạo” cho một liveshow. Thiết kế sân khấu là một người Thái, ban nhạc chính đến từ Nhật, ca sĩ thể hiện đa phong cách… Và đặc biệt là Hồ Quỳnh Hương.

Phải nói là Hương khỏe như một con khủng long (ăn cỏ thôi)! Hãy tưởng tượng lịch trình làm việc 3 ngày trước khi đêm diễn chính thức bắt đầu: tập một buổi với ban nhạc Nhật, ghi hình đêm để làm đồ họa, sáng hôm sau hát live để ráp toàn bộ với nhóm múa, chiều ráp ban nhạc Nhật ở sân khấu, đêm lại tiếp tục ghi hình toàn chương trình (có bài phải hát lại đôi lần)… Sau hậu đài phải có sẵn một máy oxy để trợ thở. Khổ nỗi, ban nhạc Nhật rất cầu toàn, hễ sân khấu rảnh là họ xin tập, Hương lại phải “vật lộn” với họ. Ngày chính, sáng ráp với múa và xiếc (dù đã ghi hình xong), chiều “chạy” với ban nhạc. Tôi muốn mọi người không cần xem kịch bản nữa. Hậu quả, trước giờ diễn, một bác sĩ phải trợ lực cho Hương một mũi tiêm và thường trực sau hậu đài suốt show.

Một cái lần đầu tiên khác nữa, sau bài Căn phòng mưa rơi, Hồ Quỳnh Hương ướt như chuột lột. Như vậy, phải có khoảng 5 phút, để sấy, làm tóc, thay đồ. Thế là một clip hậu trường được tung ra trên màn hình cảnh Hương chạy vào, thay đồ, sấy tóc và nhóm Hải Hà diễn một màn múa ngẫu hứng. Quyết giữ đúng lời hứa trong buổi họp báo, sự liên kết trong chương trình không bắt khán giả phải chờ đến 30 giây. Vậy thì, trước đó ít hôm, tranh thủ 1 giờ sáng, bắt Hương thay đồ rồi anh em dội cho một thùng nước làm cho cô nàng ướt nhẹp để ghi hình.

Và rồi chỉ khoảng 2 tấc nữa là… xong! Nếu như, cây kềm mũi nhọn của một diễn viên xiếc, đang lắp đặt trên sân khấu, vào ngày thứ năm trước đêm diễn bỗng dưng rớt xuống, may mà chệch khỏi đầu Hồ Quỳnh Hương đúng 2 tấc. Tôi đang chỉ đạo vị trí đạo cụ cách đó 2 mét, chỉ nghe một cái “cụp”. Tôi và Hương nhìn cây kềm cắm thẳng xuống sàn sân khấu, nhìn lên dàn trụ treo đèn. Hai anh em nhìn nhau. Tôi toát mồ hôi cả cánh tay, lạnh người.

Cuối cùng, công sức mọi người đã được đền đáp. Với Sắc màu, Hồ Quỳnh Hương đã bước lên vị trí đỉnh của một kim tự tháp về nghề nghiệp của chính cô.

Kẻ hiến mình cho âm nhạc

Dương nhỏ bé, gầy gò cũng bởi lười ăn nữa, nhưng khi nghe bạn tôi hát, tôi không thể hiểu Dương lấy đâu ra nhiều hơi thở và sức mạnh như thế. Có lẽ sự thiếu hụt tình cảm, nỗi nhớ bố mẹ, sự khao khát được yêu thương, chăm sóc khiến cậu ấy có một lực hát cuồng nhiệt đến vậy? Họa mi Khánh Linh không giấu được sự kinh ngạc về người bạn, người đồng nghiệp của mình.

Lần đầu tiên gặp nhau, chúng tôi vẫn còn là “những đứa trẻ” mới 16 tuổi. Tôi còn nhớ, đó là một ngày hè nóng bức năm 1999, tôi đang học “lớp tạo nguồn” ở nhà cô Minh Huệ (giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội), thì thấy lấp ló ngoài cửa một cậu nhỏ gầy guộc với chiếc ba lô to đùng sau lưng nhìn hóng vào. Buổi học của tôi kết thúc thì đến giờ học của cậu ấy. Trong lúc đang thu dọn đồ để về thì tôi nghe tiếng hát của cậu ta cất lên - giọng hát rất nam tính và lạ tai khiến tôi ngạc nhiên. Mấy tháng sau, khi tôi đang tham gia tổ chức chương trình ca nhạc học sinh ở rạp Xiếc thì tự dưng nghe có ai gọi tên mình: “Linh! Linh!”. Hóa ra cậu bé gầy gò có giọng hát lạ lạ hôm trước. Cậu chủ động làm quen và thế là bắt đầu rủ nhau cùng đi học và chơi thân với nhau từ đấy.

Tùng Dương 2004 và 2011, hai hình ảnh khác nhau

Cả hai chúng tôi đều có chung niềm say mê, phải gọi là si mê mới đúng, với âm nhạc và nhất là ca hát. Khi cả hai đỗ vào hệ trung cấp Nhạc viện, học chung thầy Quang Thọ thì chúng tôi lại càng thân hơn. Hầu như tất cả nội dung những cuộc trò chuyện hàng ngày của hai đứa là những thông tin về âm nhạc, những bài “hit”, những ca sĩ thần tượng của mình, những liveshow trên thế giới… Chúng tôi thường say sưa hát bè cho nhau và hay ngồi chung một chiếc đàn piano để cùng khai triển nhưng giai điệu có sẵn trong đầu, mỗi đứa một câu, một đoạn để thành những “tác phẩm” chung. Bây giờ mà nghe lại chắc là rất ngô nghê nhưng hồi đó, với chúng tôi chúng thực sự… đáng kể.

Cậu bạn ấy chính là Tùng Dương - cậu bạn trai gầy guộc bé nhỏ chơi thân với tôi, một con bé mũm mĩm, tròn trịa nên đi với nhau nhìn rất… tương phản. Mà không chỉ về hình thức, nhiều thứ của tôi và Dương hồi đó cũng ngược nhau: giọng hát, cách hát và cả những chuyện trong cuộc sống nữa. Tôi được bố mẹ sinh ra muộn, cách anh Ngọc Châu 16 tuổi nên trong nhà lúc nào cũng được coi là bé bỏng và được bố mẹ và anh lớn rất chiều. Dương thì ngược lại, từ bé, luôn thiếu vắng sự gần gũi, chăm sóc của bố mẹ hàng ngày, vì bố mẹ cậu khi ấy làm việc bên Nga, Dương ở cùng bác ruột. Tất nhiên, mọi người trong nhà ai cũng rất yêu thương cậu, nhưng vẫn không thể đủ đầy như mỗi khi Dương được sang Nga thăm bố mẹ. Sau những chuyến đi ấy, tôi đều thấy rõ niềm hạnh phúc rạng ngời của bạn tôi hiện rõ trên nét mặt trong suốt nhiều ngày liền.

Thời học tập ở Nhạc viện, chúng tôi hay thử sức ở nhiều cuộc thi hát. Tôi đi thi thì có Dương làm khán giả cổ vũ và ngược lại - mỗi lần Dương thi tôi lại ngồi dưới ủng hộ bạn mình. Tôi còn nhớ lần Dương đoạt giải nhất cuộc thi giọng hát hay Hà Nội với ca khúc Ôi quê tôi, tôi ngồi dưới nghe mà xúc động đến mức nước mắt đã trào ra từ lúc nào mà chẳng hay. Dương hát với sự khắc khoải, nồng nàn như có lửa cháy bên trong bằng một giọng nam âm vực rộng, một giọng thổ sinh ra để hát những bản tình ca.

Từ những cuộc thi nhỏ ngày trước tới Sao mai - Điểm hẹn 2004 và đến bây giờ, Dương của tôi miệt mài trên con đường tìm cho mình những cá tính âm nhạc riêng biệt.

Nếu album Chạy trốn là tập hợp những bản tình ca day dứt và thiêu đốt thì trong Ô màu khối lập phương Dương được “tung tẩy” trong sự quái của mình. Không gian của Dương đa chiều, không giới hạn, cả trong cách hát - những biến âm, những dị biệt của phát âm được Dương đưa vào một cách tự nhiên như hơi thở. Cách hòa âm phối khí của Đỗ Bảo như mở cho Dương một cánh cửa vào thế giới biến hình và khi bước qua nó Dương càng hát càng như kẻ say, như lên đồng, như muốn vượt mọi giới hạn của kỹ thuật thanh nhạc. Có lẽ đây cũng là album vẫn được số đông khán giả nhớ nhất, thích nhất của Dương. Li ti, tiếp tục hành trình âm nhạc với electronic, trong album này vẫn là một Dương đủ quái, nhưng tinh tế, tiết chế và vừa vặn hơn.

Tùng Dương của thời điểm 2004 khi anh tham gia cuộc thi Sao mai - Điểm hẹn lần đầu tiên

Nếu đã ai xem những mini show của Dương sẽ thấy Dương thật đa dạng: ngất ngây khi tung hứng với jazz, thăng hoa với electronic... nhưng không kém lãng mạn lịch thiệp khi nghe Dương “tỏ tình” bằng những ca khúc trữ tình. Bạn tôi dường như được trời cho quá nhiều lợi thế về giọng hát và tâm hồn. Nhưng cũng có đôi lần tôi nghe Dương hát với một tinh thần “lấn át”, và những lúc này tôi thấy bạn tôi dường như đã quên mất mình là kẻ hát tình ca tuyệt vời nhất (ít nhất là với tôi). Thay vì những tinh tế mọi khi trong từng câu chữ hát, thì bạn tôi lại muốn khán giả “nghe rõ” hơn trước thì phải.

Khán giả yêu tiếng hát của Dương và yêu những gì bạn tôi đã có cũng như luôn chờ đợi những sáng tạo không ngừng của bạn. Sự chờ đợi ấy đã được đáp lại bằng liveshow đầu tiên Tùng Dương - Những chuyến đi. Tôi quyết định tự bỏ tiền mua vé vào xem, bởi tôi luôn là một fan của giọng hát bạn mình. Tôi vẫn thấy hình ảnh và phong độ quen thuộc của bạn tôi trong những ca khúc mà tôi có thể nhảy lên hát thay nếu bạn… chẳng may bị ốm. Trên sân khấu Cung Hữu nghị Hà Nội, Dương như ngọn lửa cháy hừng hực, dẫu rằng những “bó củi” xung quanh Dương, từ hòa âm phối khí, đến đạo diễn sân khấu…, dường như chưa thật đủ “nỏ” cho nội lực thực sự “kinh khủng” của cậu ấy. Nhưng với Tùng Dương, âm nhạc đúng là “Những chuyến đi” không dừng lại. Chỉ mấy ngày sau show diễn 10 năm đó, lại thấy Dương tung tẩy thỏa sức trong chương trình cùng nhạc sĩ jazz Nguyễn Lê. Và lại hừng hực cháy trong đêm nhạc Unit Asia cùng các đồng nghiệp Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan.

Tôi nhớ nhất nụ cười của Tùng Dương sau những đêm diễn “đốt mình” của cậu ấy. Không mệt nhọc, chỉ có sung sướng. Tôi gọi cậu ấy là kẻ tận hiến mình cho “thần âm nhạc” !

Hải Ninh - Khánh Linh

(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do Báo TT&VH khởi xướng và tổ chức từ năm 2005. Lễ công bố và trao giải Cống hiến 2011 do Báo TT&VH phối hợp cùng Công ty Smart sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2012 tại TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 21 giờ. 5 ca sĩ có tên trong Đề cử giải thưởng Ca sĩ của năm 2011 gồm (thứ tự a, b, c): Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo.

Mời bạn đọc truy cập website Cống hiến tại đây.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm