Nhân HLV Falko Goetz đến Việt Nam: Nhớ Rainer Willfeld…

05/06/2011 10:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - 1. Thấm thoắt đã hơn 7 năm kể từ ngày người bạn Đức ấy rời xa Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, Rainer đã lại kịp tiếp tục một cuộc hành trình mới trong việc giúp đỡ những nền bóng đá chậm hoặc đang phát triển của mình (sau Togo và Việt Nam) theo chương trình của Ủy ban Olympic Đức, với vai trò GĐKT của LĐBĐ Burkina Faso (Tây Phi) và dẫn dắt ĐT U17 nước này vào tới vòng 2 World Cup U17 thế giới 2009 (để thua đội sau đó đứng thứ 3 là Tây Ban Nha)…

Giới bóng đá Việt có lẽ còn chưa thể quên ông, một người Đức chính gốc, rất điềm đạm, hồn hậu và luôn niềm nở. Riêng với người viết, một phóng viên thể thao Việt Nam, tự thấy mình có cái may mắn được quen biết và được ông xem như một người bạn vong niên. Nhưng không phải chỉ với người viết, Rainer thực chất có thể thoải mái trò chuyện về bóng đá một cách cởi mở, chân tình với bất kỳ ai. Trong các câu chuyện về chuyên môn, ở ông toát lên hiểu biết rất sâu sắc, bài bản và vô cùng mô phạm (trước khi đến VN, ông là trưởng khoa bóng đá của Đại học TDTT Tuebingen - Đức).


 HLV Rainer Willfeld có dấu ấn không nhỏ trong sự phát triển

của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI

Không phải tự nhiên mà sau World Cup 2002, rất nhiều HLV Việt Nam sau khi tham dự cuộc hội thảo tổng kết chuyên môn từ giải đấu ấy đều bày tỏ đã học được nhiều điều thú vị. Càng không phải vô lý khi tới năm 2006, khi World Cup tổ chức tại quê hương ông, Rainer nằm trong số các chuyên gia được FIFA và BTC tín nhiệm mời vào Tiểu ban kỹ thuật của giải.

Chỉ tiếc rằng trong 4 năm làm việc tại Việt Nam, khả năng chuyên môn của ông đã không được VFF tận dụng triệt để. Sau gần 2 năm bị “chuyền qua, chuyền lại” giữa các vị trí HLV ĐT U19, HLV ĐT Olympic nam rồi… HLV ĐT nữ, phải tới khi ông công khai bày tỏ bức xúc của mình (rằng bằng cấp huấn luyện của ông ngang với Rudi Voeller – HLV trưởng của ĐT Đức khi ấy, và ông không hề sang Việt Nam để xin việc!) thì VFF mới giao cho ông chức danh GĐKT.

2. Năm 2003, khi mới lần đầu “bước ra ánh sáng” trên chiếc ghế HLV trưởng Thanh Hóa ở giải hạng Nhất, HLV Lê Thụy Hải từng bộc bạch với người viết về những điều tâm đắc khi vận dụng đội hình chiến thuật 4-4-2 học được từ GĐKT Rainer Willfeld. Cùng năm ấy, tại V-League chỉ có Thể Công của HLV Quản Trọng Hùng, người cũng từng có thời gian làm trợ lý cho ông Rainer, chơi khá nhuần nhuyễn đội hình này.

Rất nhiều chuyên gia khác của bóng đá Việt Nam từng thừa nhận, Rainer Willfeld có thể không sẵn cái tố chất của một “tướng” trực tiếp cầm quân đánh trận, nhưng về bài bản cùng sự chuẩn mực trong công tác huấn luyện thì ông xứng đáng được coi là một bậc thầy.

Có lẽ ít người còn nhớ rằng đằng sau thành công của HLV Calisto và ĐTQG tại Tiger Cup 2002 cũng có bóng dáng Rainer, người được Calisto mời tham gia với tư cách cố vấn, thường xuyên góp ý trong các cuộc họp kỹ thuật của đội thông qua băng ghi hình do tự ông quay và hệ thống lại bằng chiếc máy vi tính của mình.

Trước khi Rainer Willfeld rời Việt Nam, một số HLV nội đã nhờ người viết liên lạc với ông, để nhờ copy thêm một số tài liệu huấn luyện mới nhất, bổ sung vào hành trang của mình…

3. So sánh Falko Goetz với người đồng hương Rainer Willfeld có lẽ hơi khập khiễng, vì mỗi người một khác. Nhưng ít nhất, chúng ta hoàn toàn có thể hình dung phần nào về cái “chất Đức” - sự mô phạm, kỹ lưỡng, đề cao tinh thần kỷ luật cũng như tính khoa học trong công việc - từ những hồi ức về người bạn Đức ngày nào của bóng đá Việt Nam.

Chỉ mong rằng bên cạnh những ưu điểm ấy, Falko Goetz còn sẽ đem đến những tư duy, góc nhìn mới, ngõ hầu đáp ứng khát vọng nâng chất ĐTQG!

HỮU BÌNH


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm