24/08/2024 19:32 GMT+7 | Thể thao
HLV Tuấn Kiệt nhấn mạnh xuất phát điểm của đội bóng là vị trí chuyền hai và đây là vị trí tuyển Việt Nam cần đào tạo VĐV kế cận gấp. Nhưng CĐV phản đối.
Vẫn còn hơn 1 năm nữa mới đến SEA Games 33 nhưng HLV Tuấn Kiệt đánh giá tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi các đối thủ cạnh tranh đang ngày càng mạnh lên.
Nhà cầm quân 7X này cho rằng việc Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) chỉ cho tập trung 14-18 VĐV như hiện nay là vấn đề lớn vì tập trung như vậy dẫn đến thiếu sự cạnh tranh, cầu thủ không có động lực phấn đấu.
Theo ông Tuấn Kiệt, ĐTQG cần tập trung từ 24 đến 30 cầu thủ để ông có thể chia làm 2 đội hình thi đấu, vừa giúp cầu thủ tránh quá tải, vừa phát triển lớp kế cận, còn cho tập trung 18 người như hiện tại thì khi 14 người tham gia giải đấu, 4 người còn lại ở nhà không đủ quân số để tập.
Ông Tuấn Kiệt cũng đề cập tới tình trạng "già hóa" ở tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vào năm 2025 khi nhiều tuyển thủ sẽ vào độ tuổi 27, 28.
Vẫn theo HLV này, cầu thủ chuyền 2 là người định hình lối chơi cho đội bóng nhưng Kim Thoa (sinh năm 1998), Lâm Oanh (1998) sẽ dần lớn tuổi. Tuyển Việt Nam cần đào tạo VĐV kế cận và tất cả bắt đầu từ cầu thủ chuyền 2.
Những phát ngôn của HLV Tuấn Kiệt lại tiếp tục khiến ông phải nhận "gạch đá" từ cộng đồng bóng chuyền Việt Nam. Nhiều người hâm mộ nói thẳng rằng HLV Tuấn Kiệt xác định vấn đề mấu chốt không chính xác.
Nói về tình trạng "già hóa" của dàn VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam vào thời điểm thi đấu ở SEA Games 33 năm 2025 thì không phải không cần nghĩ tới nhưng chưa phải vấn đề quá cấp bách và nghiêm trọng nhất.
Thực tế khi đó, đa số các trụ cột của chúng ta vẫn đang ở độ tuổi sung sức như Bích Tuyền (25 tuổi), Nguyễn Thị Trinh (28), Thanh Thúy (28), Như Quỳnh (23), Khánh Đang (25), Tú Linh (26), Kim Thoa (27), Lâm Oanh (27)…Chỉ có Lê Thanh Thúy (30), Trà Giang (33) là lớn tuổi.
Đối với riêng vị trí chuyền hai thì như đã nói trên, cả Lâm Oanh và Kim Thoa đều còn chơi tốt ở SEA Games 33 năm 2025. Đào tạo VĐV kế cận họ vẫn là cần thiết vì tuổi nghề của VĐV bóng chuyền Việt Nam nhìn chung là ngắn hơn so với đồng nghiệp ở các nền bóng chuyền phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề cấp bách nhất.
Hiệu quả thi đấu của đội bóng bắt đầu từ vị trí chuyền 2 như HLV Tuấn Kiệt nhấn mạnh để nói về việc chúng ta phải gấp rút đào tạo các cầu thủ chuyền hai kế cận Lâm Oanh và Kim Thoa cũng không chính xác.
Vấn đề cấp bách nhất, hơn mọi vấn đề khác, là tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam phải rèn bước 1, vốn là điểm yếu cố hữu tồn tại bao năm nay.
Trước khi nói đến chuyền hai phải chơi tốt thì trước hết chuyền 1 (tức là bước 1) phải tốt. Không thể đòi hỏi VĐV chuyền hai của Việt Nam phải làm bóng tốt bất luận bước 1 ra sao.
Không có bước 1 (tức là bước 1 quá xấu) thì lấy đâu ra bước 2 (tức là chuyền 2)? Dù chuyền hai có đẳng cấp cỡ nào mà không có bóng, hoặc bóng xấu đến mức không "sửa" nổi thì cũng không làm gì được.
Ngay cả khi chuyền hai có "sửa" được bóng mà họ phải tốn sức di chuyển, phải lăn xả để cứu bóng thì họ cũng khó phân phối bóng tốt và duy trì hiệu quả thi đấu cao được.
Cho nên vấn đề tiên quyết của bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn phải là cải thiện bước 1, chứ không phải đào tạo gấp những cầu thủ chuyền hai kế cận Lâm Oanh và Kim Thoa như HLV Tuấn Kiệt nhấn mạnh. Một lần nữa, CĐV lại có lý khi không tán đồng với phát ngôn của nhà cầm quân U50 này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất