Giữa Federer và Djokovic chỉ có sự căm ghét

12/07/2015 06:14 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - “Im mồm đi”, Federer tay xoay xoay hai trái banh, hướng người về phía cha và mẹ của Djokovic đang ngồi. Anh khó chịu ra mặt trước cách cổ vũ của họ khi dưới sân anh và Djokovic đấu với nhau năm 2008.

Với tennis, xem và cổ vũ từ khán đài cũng có những chuẩn mực. Với HLV và người thân của tay vợt, chuẩn mực còn khắt khe hơn. Chẳng hạn, nhẩy cẫng lên khi đối thủ đánh hỏng một đường bóng, và tỏ ra thích thú khi đối thủ mắc sai lầm đều bị cho là thiếu văn hóa.

Ghét bố, ghét mẹ, ghét HLV

Tennis là một trong hai môn thể thao (và golf) đòi hỏi khán giả phải tuyệt đối im lặng và có những cư xử đúng mực nếu không sẽ lập tức bị mời ra ngoài. Vì các VĐV cần tập trung tối đa, sự kích động sẽ có tác động trực tiếp tới tâm lý và sau đó là kết quả thi đấu.

Và 2008 được coi là cột mốc đánh dấu có một cuộc chiến giữa Federer và Djokovic. Ở Australian Open năm ấy, Djokovic đã quật ngã Federer 3-0 ở bán kết và sau đó giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên.

Sau chiến thắng ấy, mẹ của Djokovic tuyên bố: Vua đã chết. Bà ám chỉ Federer, người lúc đó đang thống trị tennis thế giới gần như tuyệt đối (trừ mặt sân đất nện) khi phải hứng chịu thất bại cay đắng nói trên.

Nhưng chuyện họ không ưa nhau thực ra từ năm 2006, khi Federer buộc “tội” Djokovic, tay vợt trẻ hơn mình 6 tuổi đã giở trò giả chấn thương, một chiêu mà Djokovic từng bị phê phán rất nhiều trước đó và mãi tới gần đây vẫn còn (Murray lên tiếng sau trận chung kết Australian Open 2015). Trận đấu đó, Federer vẫn thắng 3-0.

Năm 2013, đến lượt cha của Djokovic lên tiếng. Ông bảo Federer đã ghét Djokovic từ năm 2006, bởi “cậu ta biết Djokovic nhà tôi sau này sẽ giỏi và kế tục cậu ấy”. Bình phẩm này sau đó đã khiến Djokovic phải công khai xin lỗi Federer (và cả Nadal).

Năm ngoái, ở Wimbledon, Djokovic giương cao chiếc cúp và nói qua chiếc micro rằng “Cảm ơn Federer đã nhường tôi chức vô địch này”. Federer ôm chiếc đĩa bạc, đứng từ xa, mỉm cười.

Boris Becker đã tận mắt chứng kiến lễ trao giải vô địch và màn ngoại giao hữu hảo ấy. Ông là HLV của Djokovic, ngồi trên khán đài, không xa sân khấu chính là mấy.

Nhưng Boris Becker mới đây nói rằng mối quan hệ giữa hai tay vợt là “giả tạo”, và trong cuốn tự truyện của mình, ông viết “Federer thực sự rất ghét Djokovic”.    

Đó là một cuộc tấn công mới. Boris Becker không còn là một huyền thoại đơn thuần, và cũng không còn là bình luận viên cho BBC nữa. Ông nói khi đang là HLV của Djokovic.  

“Tôi hiểu là cái vẻ đạo mạo của Federer giúp cậu ấy kiếm rất nhiều tiền quảng cáo. Nhưng không không hiểu là nếu sống thực, thoải mái bày tỏ những cảm xúc thực của mình thì cậu ấy có kiếm tiền ít đi không”, Becker nói về Federer.  

Ghét nhau vì… Nadal

Federer và Djokovic từng có chung một nhà tài trợ vợt, là Wilson. Nhưng Wilson đã cắt hợp đồng với Djokovic, và đó là một trong các lý do để Djokovic chuyển sang cầm vợt của Head.

Sự thay đổi vợt này cũng là một phần khiến Djokovic có khoảng hai năm thất bại ở các giải Grand Slam (từ 2009-2010).       

Khi còn trẻ, Djokovic không coi Nadal là đối trọng chính, vì tay vợt người Tây Ban Nha chủ yếu thống trị ở sân đất nện. Federer mới là người mà Djokovic muốn vượt qua.

Nhưng có một sự điều chỉnh trong tầm nhìn chiến lược của Djokovic về sau này. Nadal trở thành tay vợt tương đối toàn diện, đánh bại Djokovic trên mọi mặt trận chính. Djokovic tâp trung mài giũa để khắc chế lối chơi của Nadal. Và Djokovic đã làm được, đánh bại Nadal 7 lần liên tiếp và đăng quang ở 3 Grand Slam trong năm 2011.

Nhưng Djokovic trong giai đoạn đó lại ôm mối hận trước Federer. Huyền thoại người Thụy Sĩ đánh bại Djokovic trong trận bán kết Roland Garros 2011, phá tan giấc mơ trở thành người đầu tiên giành được cả 4 Grand Slam trong cùng một năm của quần vợt nam kể từ sau năm 1969.

Kể từ đó tới nay, Djokovic và Federer còn 3 lần gặp nhau ở Grand Slam nữa, có 2 lần tại Wimbledon. Federer thắng 1 còn Djokovic thắng 2. Môt trong 2 chiến thắng của Djokovic là ở Wimbledon.

Djokovic chỉ cần một chiến thắng nữa là anh sẽ cân bằng tỉ lệ đối đầu giữa hai tay vợt sau 40 lần chạm trán. Đó có thể trở thành niềm an ủi cho một tay vợt dù đang là số 1 thế giới nhưng luôn lép vế về tầm ảnh hưởng và sự lôi cuốn với những khán giả trung lập.

Phạm Kỳ Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm