Kinh nghiệm có là sự khác biệt?

02/04/2014 14:15 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Thanh Hóa và B.Bình Dương của bộ đôi lão tướng Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2014 sau 9 lượt trận. Nếu như cựu vương đất Thủ đã quật khởi dưới thời Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Lê Thụy Hải, thì HLV Mai Đức Chung, cựu cộng sự của ông Hải, đã và đang giúp Thanh Hóa trở thành một hiện tượng thú vị.

Điều đáng nói là ông Hải và ông Chung đều không được sở hữu các loại bằng cấp huấn luyện bóng đá, ít nhất là so với các đồng nghiệp trẻ, và ngoại ngữ với họ cũng là một rào cản.

1. Chúng ta sẽ không phủ nhận nỗ lực để sở hữu các tấm bằng, song ở địa hạt nào cũng vậy (chứ chẳng riêng gì bóng đá), bằng cấp không phải lúc nào cũng có ý nghĩa quyết định.

Ở năm thứ 2 liên tiếp hợp tác với B.Bình Dương, HLV Lê Thụy Hải phải lách luật bằng cách đăng ký với chức danh GĐKT, sau khi AFC quy định, HLV trưởng các CLB chuyên nghiệp bắt buộc phải có bằng A HLV. Trong khi đó, HLV Mai Đức Chung đã phải đi đường vòng bằng các khóa huấn luyện ngắn ngày ở trong và ngoài nước để bổ túc bằng cấp mà đứng chính danh.

Nhưng họ chính là những người dẫn dắt Thanh Hóa bất bại sau 9 lượt trận và giúp B.Bình Dương hồi sinh kỳ diệu, với 15/18 điểm số tối đa có được trong 6 trận đấu gần nhất. “Trăm hay không bằng tay quen”, nhiều ý kiến cho rằng, kinh nghiệm huấn luyện của các lão tiền bối như Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải tạo ra sự khác biệt, song thực tế, câu chuyện có thể không hẳn như vậy.

Khi bắt tay (lần thứ 6) với bóng đá đất Thủ, GĐKT Lê Thụy Hải chỉ khiêm tốn rằng, ông không phải là phù thủy với cây đũa thần trong tay để biến B.Bình Dương trở thành một đội bóng khác sau bước chạy đà không hoàn hảo. Tuy nhiên, một chi tiết có thể ít ai để ý là ông Hải “lơ” được tạo một cơ chế làm việc đặc biệt từ lãnh đạo cũng như sự ủng hộ của dàn cầu thủ ngôi sao.

Và ở xứ Thanh, HLV Mai Đức Chung cũng đang có điều này. “Đội bóng là của cả một cộng đồng và chúng tôi có ý thức vui vén để tốt dần lên”, ông Chung từng có lần phát biểu đại ý như thế. Sau V-League 2013, bộ đôi trung vệ Bật Hiếu-Ngô Anh Tuấn, những người có quá nhiều vấn đề trong và ngoài sân cỏ, bị đẩy đi, như một cuộc thanh trừng và rõ ràng nó có lợi cho ông Chung.

2. Những HLV hàng đầu của thế giới đã chỉ ra rằng mỗi người thường chỉ theo đuổi một trường phái huấn luyện. Thế nên, một HLV đôi khi thành công ở môi trường này, nhưng lại thất bại ở môi trường khác; thành công trong giai đoạn này, song lại thất bại ở giai đoạn khác. Hết thịnh thì suy, nhưng một HLV đẳng cấp phải là người biết kéo dài sự thăng hoa và thu ngắn chu kỳ suy yếu.

Cần chắc một điều, trước khi đưa B.Bình Dương trở lại cuộc đua vương miện ở V-League 2014, ông Lê Thụy Hải từng hơn một lần thất bại với tiêu chí này. Trong khi đó, HLV Mai Đức Chung sau lần bất ngờ giúp B.Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup 2009, cũng đã thất bại với N.Sài Gòn, cho đến trước khi tìm lại mình ở xứ Thanh ở năm thứ 2 đứng chính danh HLV trưởng.

Khoan nói về đẳng cấp huấn luyện, nhưng nếu bóng đá đơn thuần là thành tích, cả HLV Mai Đức Chung và đồng nghiệp Lê Thụy Hải có đầy đủ những danh hiệu để tự hào. Cho đến thời điểm này, ông Hải vẫn là một trong những HLV giàu thành tích bậc nhất V-League, với 2 lần vô địch và 2 chiếc huy chương bạc (cùng Đà Nẵng và B.Bình Dương); còn HLV Mai Đức Chung là với bóng đá nữ.

Bóng đá rõ ràng không nói hay được, mà người ta chỉ có thể hành động, với thành tích mới có thể thuyết phục được tất cả. HLV Mai Đức Chung thuộc trường phái ôn hòa, song điều đó không khiến ông đánh mất cá tính trong phương pháp huấn luyện. Trong lúc đó, sự gai góc của ông Lê Thụy Hải đôi khi chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài của một con người sống tình cảm.

Ít ai tin rằng, ông Hải có thể thành công, nếu lãnh đạo B.Bình Dương tiếp tục giữ quan điểm làm việc cũ, với cơ chế xin cho nhiều cửa và phải thừa nhận luôn rằng, ông Chung đã gặp may khi nhận được sự tin tưởng của cộng đồng xứ Thanh.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm