Argentina: Không còn những người đá bóng bằng đầu?

17/06/2014 15:42 GMT+7 | Bảng F

(Thethaovanhoa.vn) - Sự rời rạc của đội tuyển Argentina trong trận đấu với Bosnia vừa qua lại một lần nữa đặt ra câu hỏi rằng người Argentina liệu còn sản sinh ra được những cầu thủ có thể chơi bóng với tư duy mạch lạc và hiện đại, hay chỉ là 11 cá nhân vô hồn ghép lại với nhau?

Với HLV Alejandro Sabella, điều làm ông đau đầu nhất là hình thành một hàng thủ trong đó chỉ có một Mascherano là đủ khả năng đóng tròn vai, cứ như cầu thủ này là người cuối cùng của loài người. “Trong những năm gần đây, ở Argentina xuất hiện rất nhiều cầu thủ có thể giải quyết được những vấn đề cấp thiết. Đó là những cầu thủ đầy tính đột biến. Nhưng càng ngày càng ít các chiến lược gia, các cầu thủ nhìn trước được những vấn đề sẽ xảy ra và biết pha bóng sẽ diễn ra thế nào trước khi hành động”, chiến lược gia của đội tuyển áo trắng-xanh da trời nhận xét.

Trong một thế kỷ, các cầu thủ Argentina nổi bật nhờ tài ăn nói hoạt bát và kỹ thuật đá bóng cao cường. Những cái tên như Moreno, Di Stefano, Ardiles, Maradona hay Redondo là những tấm gương của “cancheros con chamullo” (những kẻ vừa tài vừa dẻo mép) theo cách nói của dân vùng Rio de Plata (Sông Bạc). Họ không chỉ là những người khéo léo. Họ hiểu rõ cuộc chơi với tất cả độ phức tạp của nó và sử dụng thành thạo cái lưỡi của mình để giao tiếp. Truyền thống đó đã bị đứt đoạn trong những năm lại đây. Ngày hôm nay các thành viên trong đội tuyển phần lớn đều là những người kiệm lời và ít tư duy về nghề nghiệp của mình.

“Đó là một sự thay đổi về văn hóa”, Jorge Valdano, một huyền thoại của Argentina đã từng nói như vậy. “Trước đây, bóng đá có mặt ở khắp nơi, ở mỗi góc phô, ở các quán cà phê và các sân đua ngựa. Đó là một quá trình trong đó người lớn tuổi dạy người ít tuổi hơn. Tôi nhớ một lần, khi đã là HLV của Real Madrid, tôi trở về quê hương và chơi một trận với một đội lão tướng. Một cầu thủ bứt phá bên cánh trái, còn tôi nhìn vào trái bóng”.

“Bỗng nhiên, một trong những lão tướng nói với tôi: “Này anh chàng HLV của Madrid, người đưa bóng vào trong không ghi bàn đâu. Người ghi bàn là trung phong đứng ở sau lưng anh đấy”. Trong trận đấu đó, tôi nhận được rất nhiều thông điệp làm tôi hiểu hơn về lối chơi. Những cái đó, bây giờ được nói một cách to tát là quan niệm chiến thuật, thực ra chỉ là những nguyên tắc cơ bản của bất cứ một hệ thống chiến thuật nào”, nhà vô địch World Cup 1986 cùng Argentina nói tiếp.

Thừa “thợ”, thiếu “thầy”

Với Valdano, nhà vô địch thế giới cùng Argentina tại World Cup 1986, thì  “các người thày thực sự ngày càng ít đi. Ngày hôm nay, các HLV của các đội trẻ không phải là những nhà cầm quân, họ là một nhà giáo, họ không dạy các cầu thủ cách chiến thắng, mà chỉ dạy cách chơi bóng. Bởi vì họ không muốn chết ở một đội bóng cơ sở, họ muốn giàu có và mọi người đều biết không thể giàu nếu không biết cách thắng trận.

“Chúng tôi đã xa dần với “menottismo” (chủ nghĩa Menotti) và đó là một vấn đề thực sự”, Jorge Valdano nói tiếp. “Khi xem một trận đấu của Argentina, ta có cảm giác chúng ta đang đá vào một tổ kiến. Tất cả đều ra khỏi tổ, chạy, nhảy và chiến đấu. Điều này cứ thấm dần vào các cầu thủ. Thậm chi các khán giả cũng thay đổi cách cổ vũ, từ ole-ole-ole sang huevo-huevo-huevo, tức là từ sự khích lệ cái đẹp sang khích lệ sự quyết liệt.

Ai cũng cảm thấy mình được phép chạy và chạy, bởi vì có cảm giác điều này có thể thay thế được ý thức chơi bóng. Bởi vì nếu một cầu thủ chạy và chạy, chơi hết mình trên sân, thì chẳng ai phê bình họ. Trước đây, người ta phê phán một cầu thủ vì chơi kém, ngày nay người ta phê phán một cầu thủ vì không chịu chạy”.   

Bóng đá của Argentina cũng thay đổi theo chiều hướng chung như thế. Và đó là nỗi lo của các huyền thoại ở xứ tango, từ Valdano tới Sabella.

Khang Chi
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm