19/12/2010 09:46 GMT+7 | AFF Suzuki Cup 2010
(TT&VH cuối tuần) - Đang có một cơn sốt Alfred Riedl ở Indonesia trong những ngày mà bóng đá xứ vạn đảo đang bay bổng nhất.
Austrian Idol - thần tượng người Áo
Người Indonesia ngợi ca ông như một HLV xuất sắc nhất họ có trong lịch sử bóng đá nước này. Kết quả toàn thắng ở vòng bảng với 2 chiến thắng hủy diệt Malaysia, Lào và cuộc lội ngược dòng chứa chan cảm xúc trước Thái Lan là điều chưa từng xảy ra. Ngay cả thời của Peter Withe, ông thầy người Anh đã đưa Indonesia tiến vào trận chung kết năm 2004 cũng không được ngưỡng mộ như thế.
Bất cứ quyết định nào của ông thầy người Áo trong chiến dịch AFF Suzukip Cup 2010 cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.
Người Indonesia gọi quyết định trảm Boaz Salossa của Alfred Riedl thể hiện sự cứng rắn và cho thấy ông là người đề cao tính kỷ luật lên trên hết.
Rồi việc ông phũ phàng ban lệnh cấm trại, ngăn tiệt những cuộc tiếp xúc triền miên của giới truyền thông với các cầu thủ và buộc tất cả không được bỏ đội lên truyền hình làm khách mời của các talkshow, cũng được mô tả đó là quyết định cứng rắn nhưng cực kỳ chính xác. Cứ như thể ở Indonesia trước đây không có khái niệm về 2 chữ kỷ luật. Và cứ như là truyền thông Indonesia đã quên Boaz Salossa đã từng bị trảm vài lần trước kia khi lên tuyển dưới thời Peter Withe. Có vẻ như khi mọi thứ được soi rọi dưới lăng kính chiến thắng, cái gì cũng lung linh huyền ảo.
“Cả 3 lần họp báo, các phóng viên đã vỗ tay thật lớn như một sự cảm kích trước những chiến thắng hoành tráng, nhưng Riedl không lần nào nở nụ cười tự mãn”, tờ Java Post đã viết như thế và dường như họ mê mẩn sự lạnh lùng của ông. “Những chiến thắng này chẳng có ý nghĩa gì. Indonesia đã vô địch đâu”, ông Riedl nói như thế lại càng làm các phóng viên ngưỡng mộ ông. Cái cách ông Alfred Riedl không nhảy cẫng lên khi chứng kiến cơn mưa gôn và cuộc lội ngược dòng trước người Thái cũng làm người Indonesia sung sướng, như thể họ chưa bao giờ được gặp một HLV nào lại lạnh đến thế. Từng hành động, cử chỉ của Alfred Riedl được miêu tả mà nếu như bị cuốn theo cảm xúc ấy cũng rất dễ thấy như thể ông thầy người Áo giống như một vị thánh. Không như các HLV (xô bồ?) khác, Alfred Riedl không đi cùng xe bus với đội. Ông đi xe riêng với một tài xế riêng. Chưa bao giờ Alfred Riedl đến buổi tập muộn. Luôn có mặt ở sân tập sớm hơn các cầu thủ, ông thả bộ quanh sân, kiểm tra mặt sân kỹ càng trước khi các cầu thủ xỏ giày bắt đầu buổi tập. Không như các HLV (tầm thường?) khác, Alfred Riedl không chạy trên sân trong các buổi tập, ông không thị phạm cho các cầu thủ, không làm mẫu cho họ xem. Ông đứng bên lề, với giọng nói sang sảng, ông chỉ cho họ cách chơi, truyền đạt cho họ các ý tưởng chiến thuật. “Ông ấy là người xuất sắc nhất đã từng đến dẫn dắt đội tuyển của chúng ta”, Java Post đã khẳng định như thế. Alfred Riedl đã cấm các cầu thủ trẻ khúm núm gọi các cầu thủ kỳ cựu là đại ca. Ông dạy cho họ sống với nhau bình đẳng, không được phép có sự phân biệt. Bài báo đại ý như thế. Bambang, một cựu binh, trải qua nhiều đời HLV nội ngoại khác nhau, cũng phụ họa Alfred Riedl là một ông thầy mẫu mực với khả năng pha trộn giữa cái cũ và cái mới, giữa cựu binh và tân binh, giữa cầu thủ trẻ và những lão tướng. “Alfred Riedl quá tuyệt về khả năng kết hợp giữa cựu binh và tân binh”, đội trưởng Firman Utina đã tán dương như thế. Và tiền vệ này đồng thanh với Bambang bảo cái cách Alfred Riedl làm tinh thần cho thấy ông ấy là người rất thông minh. Ông vua ở vạch xuất phát Kế từ ngày chúng ta biết Alfred Riedl, chưa bao giờ ông cầm quân ở ngoài biên giới Việt Nam mà ông lại thất bại tới mức làm danh tiếng chưa tới mức quá nổi của ông bị hoen gỉ. Ông đi Palestine, dẫn dắt đội bóng nổi tiếng nhất thế giới về hoàn cảnh bị bao trùm bởi chiến tranh, nhưng cũng kịp gây tiếng vang với chiến thắng Đài Loan 8-0 và hòa Iraq 1-1 ở vòng loại World Cup 2006, rồi xuất hiện trên website FIFA như một HLV dũng cảm và tận tụy nhất thế giới. Ông đi Lào và tạo nên diện mạo mới cho bóng đá xứ sở của điệu Lăm Vông với những kết quả vô cùng tích cực ở SEA Games, trong đó có cả trận thắng U23 Indonesia 2-0 ở vòng bảng.
Alfred Riedl tỏ ra là người có những phẩm chất để thay đổi những nền bóng đá chậm phát triển và có cái duyên của một người luôn xuất phát rất tốt và nhanh chóng làm cho người hâm mộ ở các quốc gia ấy ngất ngây. Ngày còn ở Việt Nam cũng thế và chắc chưa ai quên Tiger Cup ’98 thì cơn sốt mà đội tuyển dưới bàn tay nhào nặn của Alfred Riedl tạo nên cũng hầm hập trên khắp cả nước. Chính ông dẫn dắt các cầu thủ đá bại Thái Lan với tỉ số 3-0 ở vòng bán kết. Nhưng cũng ở Việt Nam, Alfred Riedl cho thấy ông khó trở thành một HLV lớn bởi những thất bại cay đắng ở những khoảnh khắc, những trận đấu quyết định, mà nguyên nhân có phần lớn vai trò của ông đã không đủ bản lĩnh để có những nước cờ chuẩn xác. Liệu người Indonesia có bất hạnh như chúng ta năm 1998, 2003 và 2005 hay không khi chỉ còn cách thiên đàng có một bước chân nhưng cuối cùng bước hụt và ngã nhào xuống thực tại? Nếu những dự báo của số đông dư luận là đúng, Indonesia sẽ gặp Việt Nam ở chung kết và khi đó sẽ là một trận chung kết đầy cảm xúc, mà e rằng nếu những ai trong số người hâm mộ Việt Nam vẫn muốn tri ân Alfred Riedl chưa chắc sẽ khóc kể cả khi chúng ta thất bại. Không biết Alfred Riedl có chứng minh nổi hay không… Phong Vũ Ngày 13/12 mới đây, Alfred Riedl vinh dự được ngồi cạnh Tổng thống Indonesia thình lình tới thăm đội tuyển nước này tập luyện chuẩn bị cho trận bán kết. Hàng ngày, hàng trăm người chực chờ ông ngoài cửa sân để xin chữ ký. Họ đã quên trận thầy trò ông Alfred Riedl thua Uruguay 1-7 hồi tháng 11.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất