26/09/2013 13:49 GMT+7 | Các ĐTQG
* Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Đúng vào thời điểm quan trọng mà cả nền bóng đá nước nhà đang tràn đầy hứng khởi về đội tuyển U19. Chắc anh không bỏ qua?
- Hồng Ngọc: Chắc chắn rồi. Tôi rất mến mộ đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai từ khi họ trình diễn thứ bóng đá tuyệt vời tròn một thập kỷ trước. Học viện HAGL là sự hội tụ ba mối quan tâm của tôi: câu lạc bộ HAGL, câu lạc bộ Arsenal, và huấn luyện viên Nguyễn Văn Vinh, một người làm bóng đá tử tế. Hơn thế, đó là mô hình đột phá trong đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Để thoát khỏi một trạng thái bùng nhùng như mớ bòng bong, phải cần có một sự thay đổi mang tính đột phá.* Huấn luyện viên Grachen Guilaume nói ông rất ngạc nhiên và xúc động khi chứng kiến người hâm mộ hào hứng đón một đội bóng không phải là đội tuyển quốc gia và không giành chức vô địch trở về như những người chiến thắng?
- Vì sự lạc quan và niềm hy vọng mà đội bóng đã gieo vào lòng người hâm mộ thuyết phục đến mức ai cũng có thể nhìn thấy, không cần phải là những nhà chuyên môn tinh tường hay những người có thái độ lạc quan. Vấn đề không phải là tấm huy chương bạc khu vực, vì giải nhì chúng ta đã có rất nhiều, cả ở tầm cao hơn. Vấn đề là lối chơi, thái độ chơi bóng, và thái độ ứng xử với đồng đội và đối thủ.
Tương lai của các cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG vẫn còn lắm chông gai. Ảnh: F.B
* Bắt đầu bằng chuyên môn nhé: Họ chơi rất giống với Arsenal?
- Tôi muốn nói rõ hơn: Họ chơi rất giống với chuẩn mực của Arsenal. Chuyền ngắn, di chuyển, hướng lên, tốc độ, và gây sức ép. Điều kinh ngạc là các cầu thủ đã cố gắng chơi như vậy suốt cả trận đấu, và suốt cả giải đấu với mật độ hai ngày/trận. Các cầu thủ giữ được cự ly thích hợp, và luôn giữ được sự liên lạc, phối hợp với nhau trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Rất ấn tượng khi trận đấu diễn ra ở tốc độ rất cao trong suốt 120 phút mà không có một sai lầm nào đáng kể về sự phối hợp chiến thuật, dù các cầu thủ còn rất trẻ. Không nghi ngờ gì nữa, họ đã được huấn luyện rất kỹ càng và bài bản.* Nhưng chơi nhanh suốt cả trận không phải là sự lựa chọn khôn ngoan về mặt chiến thuật, mà bằng chứng là cuối trận rất nhiều cầu thủ bị chuột rút?
- Tôi thuộc nhóm người tin rằng sự khôn ngoan quá sớm sẽ ngăn cản sự phát triển trong dài hạn. Khôn ngoan là cách anh tránh bớt trở ngại. Nhưng phát triển là sự tiến bộ của anh trong việc vượt qua các trở ngại, và vì vậy anh phải được rèn luyện về trí lực và tinh thần một cách thích đáng, muốn vậy anh phải thường xuyên đối diện và vượt qua nó. Ở độ tuổi này, các cầu thủ vẫn cần sự hồn nhiên nhất định để khám phá các giới hạn của mình. Có lẽ mốc tuổi 23 mới thích hợp để điều chỉnh về mặt nhịp độ chơi bóng.* Chúng ta tiếp tục bàn về thái độ của họ, thể hiện qua giải Fair Play mà đội tuyển U19 Việt Nam đã được trao?
- Giải thưởng không lột tả hết được, vì nhiều khi nó là chuyện so bó đũa chọn cột cờ. Phải chứng kiến trực tiếp mới thật sự ấn tượng. Các cầu thủ không một lần chơi xấu có chủ đích với đối thủ, và cũng không hề phản ứng tiêu cực khi bị đối phương chơi xấu, mà trong trận chung kết nhiều lúc tới mức thô bạo, và không được trọng tài bảo vệ. Phải nói là tôi ngưỡng mộ, vì bản thân mình không làm được dù ở tuổi trưởng thành hơn các em rất nhiều (cười). Nếu so với các trận đấu ở V-League, chúng ta thấy phần lớn cầu thủ Việt Nam ở trạng thái hoang dã về mặt văn hóa bao nhiêu, thì thấy các em ở đội U19 văn minh bấy nhiêu.* Với lứa cầu thủ này, chúng ta sẽ có một đội tuyển mạnh trong tương lai?
- Anh lại nhìn trực diện rồi. Khi đội tuyển U16 Việt Nam của lứa Văn Quyến vào bán kết giải châu Á, chúng ta đã nhìn nhận như vậy. Và rồi sao? Họ kịp trưởng thành về chuyên môn tới tuổi U23, rồi dừng lại và “biến mất”, mà tiêu biểu là Văn Quyến. Con đường chỉ rộng mở ở phía trước, nếu ta được khai sáng về tâm trí. Lứa cầu thủ của Văn Quyến chưa được khai sáng, còn các chàng trai này đang được khai sáng. Vấn đề là làm sao chúng ta giữ cho tâm trí của họ tiếp tục sáng.* Anh có thể nói rõ hơn?
- Câu nói của cổ nhân rất đơn giản: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Tôi lại nhớ lời của huấn luyện viên Nguyễn Văn Vinh trong một lần trò chuyện riêng: bóng đá Việt Nam không phải là môi trường tốt để giáo dục con người về nhân cách. Vấn đề chúng ta đặt ra ở đây: nếu coi môi trường bóng đá Việt là mực, còn các em là đèn, thì bóng đá Việt sẽ làm đen các em, hay các em soi sáng cho bóng đá Việt? Chắc anh đã hiểu ý tôi!* Anh làm tôi lo ngại. Họ là những chàng trai mới lớn, không phải là những nhà lãnh đạo. Họ sẽ phải tham dự sân chơi với 13 đội bóng còn lại, khi lên V-League. Làm sao mà họ lấn át được cái xấu?
- Bóng đá cũng như cuộc đời, sẽ có những thời kỳ mà cái xấu lấn át cái tốt. Nhưng để lịch sử tiến lên phía trước, cái tốt phải là người chiến thắng, nếu không dân tộc đó hay nền bóng đá đó sẽ suy tàn và diệt vong. Con đường cho cái tốt trở lại là khi có một nhân tố tốt nổi trội đóng vai trò như một người hùng, gây cảm xúc mạnh để làm thức tỉnh cái tốt ẩn giấu trong mỗi người, làm thay đổi tương quan giữa cái tốt và cái xấu. Tôi hy vọng đội tuyển U19, Học viện HAGL là “người hùng” như vậy.* Con đường cụ thể như thế nào?
- Thứ nhất, sự thành công của học viện là minh chứng thuyết phục để kích thích các ông bầu đầu tư một cách nghiêm túc, bài bản, và đột phá cho đào tạo bóng đá trẻ. Nếu sau gần 10 năm nữa, quá nửa số đội bóng dự V-League có một học viện tương tự như HAGL, thì sự thành công của bóng đá Việt Nam mới là tất yếu.Thứ hai, thứ bóng đá tử tế và hồn nhiên của các em sẽ làm thức tỉnh lương tâm những nhà quản lý bóng đá. Xem trận chung kết, chúng ta hiểu rằng nếu các em không được bảo vệ thì không thể có bóng đá đẹp. Tôi mong những nhà quản lý trọng tài và các trọng tài thức tỉnh về điều đó, và thổi còi một cách có trách nhiệm với bóng đá.
Thứ ba, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần hoàn thiện quy chế bóng đá chuyên nghiệp và quy chế giải đấu, để bảo vệ giải đấu, bảo vệ những câu lạc bộ làm bóng đá một cách bài bản, chứ không phải bảo vệ những kẻ chỉ biết ném tiền vào bóng đá, và dùng tiền đó hủy hoại bóng đá, kiểu như Xuân Thành Sài Gòn.Nhưng trước tiên, chính lãnh đạo HAGL phải biết bảo vệ những đứa trẻ của mình, để các em có cơ hội trở thành “người hùng” như vậy. Hãy giữ các em như một tập thể chủ đạo để giữ được lối chơi và tinh thần trong sáng. Tuyệt đối tránh đưa các cầu thủ này lên đội một lẻ tẻ, vì họ sẽ bị bôi đen. Hãy đợi họ trưởng thành thêm hai, ba năm nữa. Và hãy tạo những nội quy, những luật chơi, để bảo vệ sự trong sáng của các em, giữ các em không bị hòa tan vào phần còn lại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất