27/09/2013 14:31 GMT+7 | Các ĐTQG
“Về mặt cảm tính, lâu lắm rồi tôi mới thấy một lứa cầu thủ trẻ có kỹ thuật cơ bản tốt như thế. U19 Việt Nam với nòng cốt cầu thủ từ học viện của bầu Đức có kỹ thuật cá nhân tốt, dám đột phá, lối chơi đậm chất tập thể. Bản thân các em kiểm soát tâm lý rất tốt, giữ được sự bình tĩnh kể cả lúc bị đối thủ đá xấu. Tôi mê nhất là việc các em đều được giáo dục đàng hoàng. Nên nhớ rằng tuổi thọ cầu thủ phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp. Dù bị đá xấu vẫn đĩnh đạc chơi bóng, tự tin vào năng lực vốn có là điều cầu thủ U19 Việt Nam đã làm được”, ông Phạm Quang mở lời như thế về những viên ngọc thô của bầu Đức.
* Còn nhược điểm khiến họ thất bại trước U19 Indonesia ở trận chung kết?- Ở độ tuổi 17 như vậy, lứa cầu thủ chúng ta triển khai được lối đá khá bài bản là điều đáng mừng. Nhìn các đối thủ còn lại trong khu vực cũng chưa thực hiện ý đồ chiến thuật tốt như thế. Cái thiếu là U19 Việt Nam thiếu đi chút biến hóa, tạo đột phá để giải quyết bế tắc.
Do quen thứ bóng đá sạch, chuẩn mực kiểu châu Âu, các em không kịp thích nghi bối cảnh đối phương đá quái, trọng tài có những quyết định tranh cãi. Đáng lý khi ấy, ban huấn luyện cho các cầu thủ giảm bớt rê dắt, phối hợp nhanh, đơn giản để tránh bị phạm lỗi. Chỉ vì thiếu sự điều chỉnh ở hiệp hai nên chúng ta không thể giải quyết được trận đấu và để thua trên chấm 11 mét đầy nghiệt ngã.
Hãy hy vọng, nhưng đừng gây sức ép không cần thiết lên những cầu thủ U19 á quân Đông Nam Á. Ảnh: F.B
Chưa kể thể hình, thể lực của U19 Việt Nam cũng nhỏ con hơn so với đội bạn. Dù có sự đầu tư tốt từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, nhưng vóc dáng, sức khỏe cầu thủ chúng ta chưa lý tưởng. Bóng đá chỉ khéo là không đủ, yếu tố sức mạnh thể chất cũng cần được cải thiện hơn nữa. Có lẽ từ lứa cầu thủ thứ hai, việc lựa chọn cầu thủ có sức vóc cạnh kỹ thuật cũng là điều bầu Đức phải tính đến.
* Thất bại đôi khi cũng là bài học để cầu thủ trẻ tránh rơi vào ảo tưởng tài năng của mình?- Đã ra sân, cầu thủ nào cũng muốn đạt danh hiệu vô địch cả. Nhưng trận thua vừa rồi cũng có nhiều mặt tích cực, chứ không chỉ ấm ức bị mất cúp. Tôi nghĩ các em còn trẻ, còn phải phấn đấu nhiều để trở thành ngôi sao thật sự. Đúng như bầu Đức nói, đừng quá khen ngợi sẽ làm cầu thủ bị phân tâm, mắc bệnh tự mãn. Nhìn từ trận thua vừa qua cho thấy U19 Việt Nam còn nhiều điều phải bổ sung. Bóng đá là cuộc đối đầu trên sân cỏ và kinh nghiệm thực chiến để chống lại bóng đá xấu xí sẽ có ích cho tương lai của các em. Không người thầy nào tốt bằng thất bại và tôi nghĩ U19 Việt Nam sẽ trưởng thành hơn từ cú ngã ở giải U19 Đông Nam Á.
* Cú hích từ thành công của đội trẻ bầu Đức sẽ thay đổi tình trạng đào tạo trẻ thiếu thốn ở ta hiện nay?- Ai cũng biết đào tạo trẻ là nguồn gốc cho một nền bóng đá vững mạnh. Nhưng lúc này, Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG của bầu Đức vẫn là bài bản, đặc biệt nhất. Bởi nguồn tiền bầu Đức bỏ vào đầu tư cho bóng đá trẻ sáu năm qua rất lớn. Tôi từng mong mô hình học viện như bầu Đức sẽ nhân rộng, nhưng đó chỉ là giấc mơ, vì có quá nhiều cản lực, nhất là chuyện tiền bạc khiến khâu đào tạo trẻ bị bỏ quên.
* Dẫu sao việc các đội bóng ở giải chuyên nghiệp tin dùng các cầu thủ trẻ ở mùa 2013 là một tín hiệu đáng mừng?
- Việc thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại ảm đạm lại tốt cho cầu thủ nội, nhất là cầu thủ trẻ. Mấy năm rồi chúng ta mua và dùng cầu thủ ngoại quá nhiều khiến giải đấu đi xuống. Nay Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng… cùng ưu tiên dùng cầu thủ trẻ quả một cú hích tuyệt vời.
Không người thầy nào tốt bằng thất bại và tôi nghĩ U19 Việt Nam sẽ trưởng thành hơn từ cú ngã ở giải U19 Đông Nam Á |
Ai cũng biết đội bóng xứ Nghệ khó khăn về kinh phí nên buộc phải dùng cầu thủ trẻ. Nhưng họ có truyền thống, kinh nghiệm làm bóng đá trẻ từ nhiều năm. Lực lượng cầu thủ xứ Nghệ đồng đều, năm nào cũng cho ra mắt những tài năng mới đầy triển vọng. Bất kể có đá không ngoại binh ở mùa tới, tôi tin Sông Lam Nghệ An vẫn có kết quả tốt. Nhìn từ đó, các đội bóng còn lại cũng mạnh dạn đầu tư, tin dùng cầu thủ trẻ nhiều hơn, như cách Sông Lam Nghệ An đang làm.
* Nhưng nhiều địa phương có truyền thống đà tạo trẻ, như Nam Định, Đồng Tháp lẫn Thành phố Hồ Chí Minh, sa sút quả đáng lo?- Thời buổi bóng đá doanh nghiệp, khâu đào tạo trẻ càng như mành chỉ treo chuông. Khi doanh nghiệp rút lui, bỏ quên đào tạo trẻ, nhiều địa phương sa sút, rời khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp cũng dễ hiểu. Bao năm làm công tác đào tạo trẻ, thấy tình hình ảm đạm như thế, tôi cũng chẳng vui gì.
Riêng TP.HCM đang có hướng đi vực lại từ bóng đá trẻ đến đội dự giải chuyên nghiệp trong tương lai. Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá PVF cũng thu lại những danh hiệu ở tầm giải trẻ vừa qua cũng đóng trên địa bản TP.HCM. Nhưng phải mất thời gian không ít, TP.HCM mới trở lại vị thế hàng đầu ở tầm V-League được.
* Ông thấy rằng việc bầu Đức tiếp tục cho dàn cầu thủ của mình sang châu Âu tập huấn là việc tốt?- Tôi nghĩ rất cần thiết. Bởi bóng đá châu Âu có sự phát triển đi trước chúng ta rất xa. Cầu thủ được hấp thụ những tinh túy từ bóng đá châu Âu để hoàn thiện kỹ chiến thuật quả không gì tuyệt vời hơn. Nhưng lứa cầu thủ của bầu Đức cần phải thi đấu và cọ xát nhiều hơn nữa. Trận thua U19 Indonesia trên chấm luân lưu cũng là bài học tốt.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mộc Miên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất