Bóng đá Huế nhớ về thời vàng son

04/04/2015 13:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Trần Quang Sang, Phó Trưởng đoàn bóng đá Huế, thường một mình ngắm nhìn SVĐ Tự Do vào mỗi buổi sáng sớm. Khi hỏi vì sao ông lại có thói quen như vậy, ông Sang bảo để nhớ về một thời vàng son của bóng đá Huế! Chậm rãi rảo bước trên thảm cỏ xanh với gương mặt chất chứa suy tư, cựu đội trưởng Thừa Thiên - Huế tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai của bóng đá cố đô.

Sau thế hệ lão tướng Nguyễn Đình Thọ, Huế tiếp tục sản sinh ra lứa cầu thủ tài năng của những Trần Quang Sang, Lê Đức Anh Tuấn, Nguyễn Đức Dũng… và đội hình này đã giành ngôi á quân quốc gia mùa giải 1995. Đến Huế bây giờ, vẫn còn đó những cựu cầu thủ là nhân chứng sống của một thời vàng son của bóng đá cố đô.  

Dấu xưa xe ngựa…

Điều đáng mừng là dù tuổi đã cao nhưng các cựu cầu thủ Huế vẫn mê bóng đá như thời trai trẻ. Họ vẫn làm việc, vẫn đến sân mỗi buổi chiều, vẫn xỏ giày thi đấu các trận giao hữu từ thiện mỗi khi có dịp.

Sau cuộc trò chuyện thân mật cùng lão tướng Nguyễn Đình Thọ ở nhà riêng, ông Thọ trực tiếp giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Trần Quang Sang (cựu đội trưởng TT Huế năm 1995), người “hậu bối” đã sống và gắn liền với những thăng trầm ở sân Tự Do.

Ông Trần Quang Sang hiện đã là Phó Trưởng đoàn bóng đá Huế, ánh hào quang 1995 với ông nay chỉ còn là kỷ niệm của một thời xa vắng. Dẫu thế, mỗi khi nhắc lại, vẫn tạo cho ông một cảm giác rạo rực, sung sướng.

Cựu đội trưởng TT Huế chia sẻ: “Giải năm đó diễn ra ở Sài Gòn, đội nhận được nhiều tình cảm yêu mến của đông đảo người hâm mộ Huế xa xứ. Mỗi trận đấu của Huế, SVĐ Thống Nhất đều được nêm chặt. Hàng chục băngrôn, biểu ngữ được người hâm mộ công phu cắt dán mang đến sân để cổ vũ cho đội.

Trong khung cảnh ấy, TT Huế đã chơi tưng bừng và giành quyền đá chung kết với Công an TP.HCM của Lê Huỳnh Đức.

Tôi còn nhớ, trước trận chung kết, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người con Huế, vì mến thương đội bóng liền mời anh em cầu thủ về nhà riêng của ông ở Sài Gòn liên hoan.    

Nhưng hoành tráng hơn vẫn là cảnh người hâm mộ Huế đến sân bay Phú Bài đón chúng tôi trong ngày trở về. Đúng 9h đêm, máy bay chở chúng tôi về đến Huế, nhưng vì có quá đông người hâm mộ vây kín phi trường nên máy bay không thể hạ cánh.

Lái trưởng phải lượn mấy vòng trên bầu trời, chờ nhân viên an ninh ổn định trật tự mới bắt đầu đáp xuống đường băng. Đêm đó Huế không ngủ”!

Kỷ niệm khó quên ấy đi theo suốt cuộc đời người cựu đội trưởng. Sau khi từ giã sự nghiệp cầu thủ, đã thành thói quen, cứ vào mỗi sáng sớm, ông Sang lại một mình ra ngắm nhìn sân Tự Do như để được hít thở bầu không khí bóng đá của thời trai trẻ.  

Phó Trưởng đoàn bóng đá Huế Trần Quang Sang

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Người Huế rất mê bóng đá và khát khao tìm lại thời vàng son, nhưng ngôi á quân giải VĐQG 1995 cho đến bây giờ vẫn là cái gì đó khó sở hữu với các thế hệ “hậu sinh” của bóng đá Huế. Đến nỗi một số CĐV lão thành ở Huế không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, đành ru mình trong tuyệt vọng: “Đến sân xem cho vui chứ không hy vọng gì việc Huế sẽ lên hạng, bởi mấy mùa qua Huế cũng có cơ hội lên hạng rồi đấy chứ”.

Đấy dường như cũng là nỗi niềm “rất chung” của thế hệ Trần Quang Sang, bởi thực tế, sau khi giải nghệ, với quyết tâm vực dậy bóng đá tỉnh nhà, hầu hết họ tiếp tục đầu quân thực hiện nhiệm vụ “trồng người” ở đoàn bóng đá Huế. Nhưng hễ nhắc đến chuyện đưa Huế lên hạng, họ liền trầm ngâm, hướng ánh nhìn xa xăm, vô định.

Ông Nguyễn Đức Dũng, HLV đội hạng Nhất CLB bóng đá Huế, cũng là một cựu cầu thủ thuộc thế hệ giành ngôi á quân giải VĐQG 1995, tâm sự: “Trước mắt tôi và các cầu thủ phấn đấu để giữ hạng, còn chuyện lên hạng phải chờ thời cơ chín muồi… nhưng e rằng mục tiêu lên hạng vẫn là câu chuyện của tương lai”.

Ông Trần Quang Sang cũng xác nhận điều này và lý giải thêm: “Sau thế hệ của chúng tôi, bóng đá Huế không còn sản sinh ra nhiều cầu thủ xuất sắc, khiến đội Huế không còn giữ được thành tích. Nhưng vấn đề cốt lõi của bóng đá Huế lâu nay vẫn nằm ở chuyện tiền bạc và những điều “khó nói” khác.

Huda Huế mấy năm rồi tài trợ dè dặt, giờ bán lại cổ phần cho đối tác nước ngoài nên họ cũng không còn mặn mà với bóng đá địa phương. Trước đó, vào năm 2008, tập đoàn T&T có đến Huế đặt vấn đề tài trợ… nhưng không hiểu vì sao sau đó họ cũng rút lui?”.

Bóng đá Việt Nam chuyển mình lên chuyên nghiệp, các địa phương trong cả nước nói chung và Huế nói riêng rất cần tiền để làm bóng đá, nhưng việc Huế “kén” Mạnh Thường Quân khiến những người yêu bóng đá cố đô không khỏi nuối tiếc.

Ông Sang kết luận: “Dù khó khăn, nhưng đoàn bóng đá Huế vẫn đang nỗ lực xây dựng nền tảng cơ bản cho bóng đá Huế bằng việc đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ. Hiện Huế đang có trong tay đầy đủ các tuyến trẻ gồm U11, U13, U15, U17, U19 và đội hạng Nhất. Người hâm mộ Huế rất khát khao bóng đá và mơ vực dậy thời vàng son, nhưng trong bối cảnh hiện tại chúng tôi đành phải chờ đợi thời cơ”.

Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm