Lỗi tại thời thế hay lỗi của HLV Miura?

16/10/2015 05:58 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - "Cầu thủ của tôi đã không tuân thủ chiến thuật, sau khi bị dẫn bàn. Trong hiệp 2, họ cứ đá dài thay vì chơi bóng ngắn. Tôi khẳng định mình không sai lầm về chiến thuật trong trận đấu này", HLV Miura đã khẳng định chắc nịch như thế trả lời phỏng vấn báo chí sau trận đấu với đội tuyển Thái Lan.

Khi ông thầy đã nói thế thì có nghĩa là sự hợp tác thầy trò đã không còn trọn vẹn? Vậy có thể đoán được hậu vận của nhau rồi còn gì?

Sai từ chiến thuật chuẩn bị?

Ở cuộc chạm trán với Thái Lan tại sân Mỹ Đình, HLV Miura bất ngờ thay đổi sơ đồ xuất trận khi bố trí 3 trung vệ giăng ngang. Tại sao lại chơi 3 trung vệ ở thời đại này, khi từ U15 cấp CLB, cầu thủ đã tập với 4-4-2? Không thể làm đông con người phòng ngự chỉ bằng chơi 5-3-2, bởi nhiệm vụ phòng ngự là của tất cả, bắt đầu từ tuyến cao nhất, chứ không phải hàng hậu vệ, hay các tiền vệ phòng ngự.

HLV Miura chủ động chơi tấn công, chứ không hẳn là công đối công, bởi thực tế Thái Lan không chủ công. Đấy được cho là một lựa chọn sai lầm về làm chiến thuật chuẩn bị, bởi Việt Nam vốn dĩ dưới Thái Lan một bậc về đẳng cấp chơi bóng. Vậy tại sao và như thế nào, HLV Miura lại chọn tiêu chí ấy? Nó há chẳng phải lấy cơ sở từ kết quả hoà trước Iraq vài ngày trước, khiến ông ảo tưởng sức mạnh? Không hẳn, bởi HLV Miura xét ở khía cạnh nào đấy thì chỉ là bản photo.

"Bản photo không bao giờ là bản chính, tốt và uy tín bằng bản chính. Nhưng tôi không hiểu tại sao và như thế nào, các bạn lại thuê một bản photo về làm HLV trưởng các ĐTQG của các bạn, thay vì có thể thuê bản chính. HLV Miura vốn dĩ không phải là một cầu thủ chuyên nghiệp, ông ấy đi học để làm huấn luyện. Và khi cần xử lý theo kiểu cầu thủ, thì ông ấy bất lực", Frank van Eijs, cựu cầu thủ ACB Hà Nội, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.

Thông thường một người Nhật Bản luôn thực tế. HLV Miura có thể đã cảm nhận được sức mạnh của Thái Lan sau thất bại 0-1 ở trận lượt đi, nhưng ông đã lại nghĩ khác sau khi đội tuyển Việt Nam hoà Iraq?! Và nữa, người mới luôn có nhu cầu khẳng định, đấy là vấn đề rất con người. Đó là chưa kể, ông Miura đang đi tìm giới hạn bản thân và giới hạn nền bóng đá. Và ông thử nghiệm bằng một trận cầu chính thức quan trọng?!

Bóng đá Việt Nam chỉ có thế

Sự thật là chúng ta chỉ có thế, với trận hoà Iraq và trận thua thảm trước Thái Lan. HLV trưởng và các cầu thủ của ông thừa biết chuyện đó. Song, nếu HLV Miura khẳng định, học trò đã không tuân thủ chiến thuật, thì có nghĩa rằng họ đang không còn nhìn cùng một hướng với ông?! Trên thực tế, có thể học trò ông Miura không phá ông và không phá sự nghiệp thi đấu quốc tế của chính họ, mà bởi chúng ta chẳng có chiến thuật hay bài miếng gì cả.

Đá với Thái Lan, một đội bóng có thừa những nhân tố giải quyết tình huống, đặc biệt là những cú sút xa, việc làm đông quân số trước khu vực cấm địa đội nhà là chưa đủ. HLV Calisto từng thành công với công thức đá khoán, tức một kèm một, khu vực kèm khu vực, nhưng ở Mỹ Đình hôm 13/10 vừa rồi, nếu HLV Miura cho rằng Hồng Quân có thể phong toả Sarach Yoonyen (số 6) thì đấy là một phép tính sai lầm khác.

Học trò ông Miura đã không phản lại ông, mà chính họ, đã không giữ được trạng thái cân bằng trước người Thái. Khi năng lực chơi bóng hạn chế và thua thiệt đối thủ, vai trò của HLV và chiến thuật chuẩn bị có thể giảm thiểu thương đau, thậm chí là làm nên bất ngờ. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã không thể có điều đó dưới thời HLV Miura.

Một HLV tốt có thể giúp đội bóng tăng thêm mươi phần công lực, nhưng một HLV tồi có thể khiến năng lực chinh phục giảm đi rất đáng kể. HLV Miura có thể không phải là một HLV tồi, nhưng nếu tính kỷ luật và thể lực là tôn chỉ mà ông đã và đang hướng tới, há chẳng phải ông chưa bằng đồng nghiệp Kiatisuk Senamuang ở bên kia chiến tuyến?

Thua Thái Lan là chuyện bình thường, thắng họ mới là chuyện lạ. Đúng 10 năm sau khi kết thúc Tiger Cup 98, chẳng phải chúng ta mới chỉ thắng Thái được thêm một lần tại AFF Cup 2008. Thẳng thắn mà nói, chỉ lứa cầu thủ 2003-2010 mới có thể chơi được với Thái Lan, ngay cả khi Thái không tụt dốc, bởi đó là các thế hệ có đẳng cấp bậc nhất nền bóng đá trong khoảng 20 năm đổ lại đây.

0 HLV Toshiya Miura chưa từng thi đấu chuyên nghiệp trước khi trở thành HLV và trước lúc nhận chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông thầy người Nhật Bản cũng chưa từng huấn luyện ĐTQG nào.

2 Thất bại 0-3 vừa qua trước đội tuyển Thái Lan là lần thứ 2 liên tiếp đội tuyển Việt Nam để thua đậm trên sân nhà trước một đối thủ ở khu vực Đông Nam Á. Lần đầu tiên là trận thua 2-4 trước đội tuyển Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014.

5 HLV Toshiya Miura đã và đang dẫn dắt 2 ĐTQG thi đấu ở 5 giải đấu lớn là ASIAD 2014, AFF Cup 2014, SEA Games 28, vòng loại giải U23 châu Á và vòng loại World Cup 2018 nhưng chỉ có ASIAD 2014 thực sự được xem là thành công.


Tùy Phong
Thể tthao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm