HLV Miura bị sa thải hai lần tại Việt Nam nhận việc ở Thái Lan: Cũ ta mới người

23/03/2023 05:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cựu HLV đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura mới được Thái Lan lựa chọn để dẫn dắt đội tuyển U20 nước này. Ông Miura từng có thời gian huấn luyện đội TP.HCM, tức là người tiền nhiệm của HLV Alexandre Polking, người hiện đang là HLV trưởng đội tuyển Thái Lan.

Có một sự trùng hợp khá thú vị. Đội TP.HCM hiện do ông Vũ Tiến Thành, người từng là cánh tay phải của ít nhất 2 đời HLV đội tuyển Việt Nam. Đội bóng đang vất vả trong cuộc đua trụ hạng mùa này đã từng được dẫn dắt bởi hàng loạt cái tên lừng danh như Nguyễn Hữu Thắng, Chung Hae Seong, A.Polking, Miura…, tức là toàn những nhà cầm quân từng có những thành công nhất định ở cương vị đội tuyển quốc gia. Vậy mà đội bóng đó bao nhiêu năm qua hầu như không tạo ra được bản sắc, cá tính gì. Ai vào làm cũng không thành công.

Hãy hiểu theo nghĩa tích cực, tầm một đội bóng chưa có nhiều danh phận như thế mà từng là điểm đến của nhiều tên tuổi cầm quân, cũng như một ngôi sao quốc tế như Lee Nguyễn, thì có 2 điều cần khẳng định: Thứ nhất là V-League không kém cạnh về khả năng thu hút người giỏi, thứ hai là mức độ đầu tư của V-League rất cao. Vấn đề là sân chơi này vẫn chưa tạo ra được tầm ảnh hưởng và các giá trị rõ ràng, khác biệt lên trình độ chung của cầu thủ Việt Nam.

Một Polking phải ra đi không kèn không trống khỏi V-League lại vô địch 2 kỳ AFF Cup liên tiếp cùng Thái Lan với chung một kịch bản là đánh bại Việt Nam của HLV Park Hang Seo. LĐBĐ Thái Lan nhận ra điều gì ở HLV Toshiya Miura để giao cho ông đội U20 khi chuyên gia Nhật Bản này không tìm được việc tại V-League và từng bị "bầu" Đức công khai đòi sa thải? Tại sao ở thời kỳ đầu của V-League, hàng loạt tuyển thủ Thái Lan sang Việt Nam chơi bóng nhưng bây giờ thì chẳng có ai? Tại sao một Kiatisuk từng để lại dấu ấn lớn ở đội tuyển Thái Lan thì vẫn chưa thể có được thành tích đặc biệt tại V-League trên cương vị HLV?

Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có đang "lãng phí" V-League hay không? Hơn 20 năm tồn tại, giải đấu số 1 Việt Nam, nền tảng để tạo ra một hệ thống kinh doanh có tính bản lề cho cả nền thể thao, vẫn chưa có đột phá đặc biệt nào. Dưới thời HLV Park Hang Seo, ngay cả khi đang cạn nguồn nhân sự, thì HLV Park Hang Seo cũng không tìm được nhiều nhân tố từ V-League để giúp ông cải thiện lối chơi ở đội tuyển.

Đến khi ông Troussier lên nắm quyền, thì việc đầu tiên là ông trông đợi V-League sẽ có thêm cơ hội cho các cầu thủ Việt Nam. Trong 4 đời HLV gần nhất của đội tuyển Việt Nam, thì chỉ có Toshiya Miura là người chọn cầu thủ từ V-League, trong khi các HLV còn lại gần như khởi đầu từ lứa U20 và U23.

Cũ ta mới người - Ảnh 1.

HLV Polking không thành công ở V-League nhưng lại có liền 2 chức vô địch AFF Cup khi dẫn dắt ĐT Thái Lan. Ảnh: Kim Như

Có một chi tiết khiến nhiều nhà quan sát bóng đá Việt Nam cảm thấy ngạc nhiên, đó là gần như không cầu thủ Việt Nam nào chọn Thai-League như điểm đến cho mục tiêu xuất ngoại của mình. Phải chăng, trong góc nhìn của cầu thủ và cả những nhà quản lý, thì Thai-League không hơn gì V-League nên qua đó cũng không ý nghĩa?

Trong khi đó, trên thực tế, Thai-League đã tiến một bước rất xa về công nghệ tổ chức và hoạt động kinh doanh bóng đá chuyên nghiệp, đó đều là những điểm yếu của V-League. Cứ lấy những ví dụ về cách mà các CLB bóng đá ở Thai-League thể hiện thái độ ở các đợt tập trung cầu thủ cho đội tuyển, hay việc giải đấu này áp dụng VAR từ 3 năm qua để thấy rằng họ đã ở mức nào trong thang điểm phát triển bóng đá nhà nghề.

Chỉ riêng việc 2 giải Thai-League 1 và 2 của họ hiện đang có đến 34 CLB so với con số 24 của V-League 1&2 là đã rõ, chưa tính đến những thành tích quốc tế ở cấp CLB.

Câu chuyện về những nhà cầm quân giỏi nhưng thất bại cùng tại một đội bóng không thiếu tiền, không thiếu người như CLB TP.HCM cho thấy tầm quan trọng của yếu tố nền tảng. Phải chăng cái nền của V-League và các CLB của nó không tốt, nên ai làm cũng vậy?

Cũng con người đó, có khi lại thành công khi chuyển sang môi trường mà họ được hổ trợ nhiều hơn trong công việc của mình. Khổ nỗi, chuyện xây dựng cái nền V-League sao cho chuẩn thì lại chẳng mấy ai nhắc đến suốt nhiều năm qua. Khắc khe mà nói, chỉ có một lần duy nhất, V-League đối diện với thách thức đổi thay, đó là thời điểm mà các ông bầu đứng ra thành lập Công ty VPF và đòi tổ chức một giải đấu Super League "ly khai".

Mọi thứ không thay đổi và con thuyền V-League cứ trôi dạt qua từng mùa bóng cùng với hàng chục ngàn tỉ đồng được bỏ ra đi kèm với sự biến mất của hơn chục CLB lớn nhỏ khác nhau. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm