23/04/2018 20:18 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Khi nhìn thấy những tấm ảnh đầu tiên về Dũng Bùi Tiến trên sàn catwalk, phản ứng của mình là kêu lên, "chuẩn quá".
Một cầu thủ trẻ, đẹp trai, thành công bước đầu, mặt rất men lì và form người chuẩn mà từ sân cỏ lên sàn diễn thời trang cũng như màn ảnh quả là một điều hợp lý trong thời buổi mà hình ảnh cá nhân của VIP được chú ý và có thể được khai thác theo hướng này.
Nhưng tôi lại thấy nhiều người không thích như thế. Họ lo cho Dũng, sợ rằng Dũng bước vào showbiz thì sẽ hỏng con người mình (ví dụ ở Việt Nam nhiều đấy), sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn, đến vị trí của cậu ở đội Thanh Hoá cũng như tương lai của cậu trong bóng đá Việt Nam. Một số nhà báo thì chỉ trích một cách gián tiếp đội bóng trong việc đưa cậu vào show này, khai thác cậu một cách tối đa, đồng thời không quên chỉ ra rằng, thời điểm của việc Dũng làm những điều này là không "hợp lý”, “không đúng thời điểm” và “đáng lo ngại".
Dũng trở thành thần tượng của nhiều người, nhất là lớp trẻ, sau thành công của U23 cách đây mấy tháng. Và như một lẽ đương nhiên, một cầu thủ “quốc dân” cũng giống một ca sĩ hay diễn viên được nhiều người yêu mến, sẽ có giá trị lớn về hình ảnh, được các thương hiệu lớn để ý và ký hợp đồng quảng cáo. Việc Dũng lên sàn catwalk, tham gia các hoạt động mang tính thương mại, xét cho cùng cũng là bình thường và hợp lý, một khi những hoạt động ngoài sân cỏ của cậu nằm trong những khuôn khổ cho phép. Ở đây, khuôn khổ cho phép, nghĩa là nó được CLB chủ quản đồng ý, các hoạt động đó cũng không “va chạm” quyền lợi với đội bóng xét trên khía cạnh thương hiệu, và nó trong khuôn khổ luật pháp.
Một cầu thủ chuyên nghiệp chắc chắn biết mình đang làm gì và cần làm gì để bảo vệ cũng như nâng tầm hình ảnh và ảnh hưởng của mình lên, và anh ta chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì anh ta làm, cũng như những hậu quả có thể có. Vấn đề nằm ở hướng tỷ lệ thuận: nếu anh đá tồi, anh sẽ không nổi, các thương hiệu không tìm đến anh, anh nghèo. Ngược lại, nếu anh giỏi, đẹp trai, đốn tim các cô gái, các thương hiệu tìm đến anh, anh giàu. Chuyện giàu nghèo, nổi tiếng hay tai tiếng nằm cả trong nhận thức này, và đừng nói là Dũng cần chúng ta nhận thức hộ hoặc dạy dỗ một người đã đủ tuổi để nhận thức được hành vi của cậu ra sao, một khi việc cậu ấy làm là chính đáng.
Đương nhiên, đằng sau những câu chuyện thương hiệu là nhiều câu chuyện khác, và điều này, Dũng hiểu, CLB chủ quản của cậu hiểu, người đại diện của cậu hiểu. Nhưng bóng đá chuyên nghiệp cũng là bóng đá thương mại, và chẳng có lý do gì để chúng ta nói rằng, cầu thủ thì đi đá bóng đi, đừng bén mảng đến các cô gái xinh, đến showbiz làm gì kẻo "hỏng đời".
Tất cả những gì đang diễn ra là một quá trình tương hỗ và tự điều chỉnh sao cho phù hợp với các chủ thể là cầu thủ, CLB và cả nền bóng đá, cũng như thái độ của các cổ động viên. Ai đó cứ chỉ trích các cầu thủ nếu muốn, nhưng không ai sống thay họ được...
Trương Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất