07/01/2012 13:45 GMT+7 | Man City
(TT&VH) - Roberto Mancini có cách so sánh thú vị về vị thế hiện giờ của Manchester City trong cuộc đua đến chức vô địch Anh. “Chúng tôi như một tay vợt đang phải đối mặt với Roger Federer, đã dẫn trước hai set và cần set thứ ba để giành chức vô địch”, HLV người Italia nói. Với những gì đang thể hiện, có vẻ như đội bóng của ông sẽ giành được chiến thắng trong set thứ ba quan trọng đó.
Thời điểm này mùa giải trước, Man City có 41 điểm và hiệu số bàn thắng bại là +17. Năm nay, dù chơi ít hơn một trận, đội bóng của Mancini đã có 48 điểm và hiệu số +40. Những tranh cãi về Carlos Tevez giờ chỉ là món nước ốc nhạt ở Etihad, khi cả đội bóng đang hướng đến chức vô địch lịch sử dưới sự dẫn dắt của HLV người Italia.
Chủ nhật này sẽ là trận tiếp M.U ở Cúp FA và sau chiến thắng gây sốc 6-1 ở Old Trafford hồi tháng 10, các CĐV áo xanh đang rất hy vọng đội bóng của họ sẽ làm luôn cú đúp ngay ở cơ hội đầu tiên. Tuy nhiên, Mancini thì vẫn chưa hài lòng. Ông vẫn chưa tha thứ cho các cầu thủ vì bàn thắng của Ji Dong Won cho Sunderland ở những phút cuối cùng dù ngay sau đó, các học trò của ông đã thắng lại Liverpool 3-0 để nâng khoảng cách với kình địch M.U lên thành 3 điểm.
HLV Mancini - Ảnh Getty
“Chúng tôi đã chơi tốt ở mùa này, nhưng chúng tôi có thể làm tốt hơn”, Mancini nói. “Ngay cả những đội mạnh nhất cũng có những lúc không thắng và bạn không thể hiểu tại sao, có lẽ là do vận may, tạo ra cơ hội mà không ghi bàn. Nhưng cũng có những trận, như gặp Chelsea hay Sunderland, những trận mà bạn không thắng nổi, nhưng lẽ ra cũng không thua. Đó là điều khiến tôi thất vọng nhất ở trận gặp Sunderland, giống như tại Naples. Một trận hòa Napoli đã có thể giúp chúng tôi đi tiếp ở Champions League”.
Tuy nhiên, trong khi đòi hỏi cao, Mancini cũng không để áp lực kỳ vọng quá lớn trên vai các cầu thủ của ông. “Một tháng trước, nhiều người nói chúng tôi sẽ bất bại cả mùa, như Arsenal, nhưng tôi biết điều đó là không thể. Chúng tôi không phải là Arsenal”, Mancini giải thích. “Dù cho các tiền đạo có ghi được bao nhiêu bàn, tôi biết rồi sẽ đến lúc chúng tôi không thể ghi bàn. Điều đó đã xảy ra ở Sunderland và chúng tôi thua trận… Chúng tôi có những cầu thủ tuyệt vời nhưng không quen với việc dẫn đầu bảng xếp hạng trong một thời gian dài. Sẽ còn những khoảnh khắc khó khăn, những trận đấu lớn, nhưng vấn đề không chỉ là các trận đấu lớn. Bạn vẫn phải đảm bảo chiến thắng sau khi đã thắng 5-6 trận liền. Đó là những lúc bạn phải mạnh mẽ nhất. Nếu thất bại trước Sunderland diễn ra vào cuối tháng 4, sẽ không có thời gian hồi phục, và chức vô địch có thể bị đe dọa”.
M.U vẫn đáng sợ
Ngoài việc không quen với vị trí dẫn đầu, Mancini cho rằng đội bóng của ông còn một điểm bất lợi nữa so với đối thủ chính, M.U. “Nếu năm nào bạn cũng vô địch các giải, trong nước, hay Champions League, bạn trở thành một đội bóng gây ra sợ hãi”, HLV người Italia nói về M.U. “Tôi đã xem M.U chơi. Mọi đội bóng gặp họ đều sợ hãi. Phải mất 20 năm mới tạo ra được sức mạnh như thế và nhiều năm nữa để đến được vị trí của M.U như hiện giờ. Khi tôi tới Inter Milan, tình hình cũng giống như vậy. Đội bóng đã 19 năm không vô địch, thậm chí rất khó khăn để thắng được 3 trận liên tiếp”.
Nhắc đến Inter Milan, không thể không đề cập tới Mario Balotelli, người mà bất chấp mọi chỉ trích, Mancini vẫn đưa về Man City, vẫn bảo vệ đến cùng và đang được đền đáp. Nhiều người thắc mắc về dòng chữ Why always me? (Tại sao luôn là tôi?) trên áo của Balotelli khi anh ghi bàn vào lưới M.U trong chiến thắng 6-1 hai tháng trước, Mancini là người có câu trả lời.
“Tôi đã nói với cậu ấy, luôn là cậu, Mario, vì khi nào có chuyện gì không hay, là lại thấy mặt cậu. Cậu ấy đáp, thưa HLV, không phải lỗi của tôi. Tôi nói, vậy lỗi của tôi chắc. Cậu ấy đáp, không, không phải lỗi của ngài, nhưng mà tôi đang ngủ khi chuyện đó xảy ra (pháo hoa gây hỏa hoạn ở nhà anh ngay trước trận đấu)”, Mancini kể lại. “Đó là một chàng trai kỳ lạ, một người tốt, nhưng khó hiểu. Đôi khi tôi tự nhủ có lẽ tôi cần một người phiên dịch khi nói chuyện với Mario. Cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời, nhưng không hiểu được sức mạnh của mình. Có lẽ cậu ấy cần thêm thời gian. Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo cũng là những cầu thủ tài năng như Mario, nhưng họ biết sự nghiệp của họ ngắn ngủi và chứng tỏ mình từ sớm. Mario còn khoảng 15 năm nữa trong sự nghiệp và cậu ấy cần tận dụng khoảng thời gian quý giá đó của cuộc đời mình”.
Một cầu thủ khác cũng khiến Mancini phải lưu tâm đặc biệt là Tevez. Nhiều người cho rằng Mancini đã chiến thắng trong cuộc tranh cãi nhờ sự ủng hộ của ban lãnh đạo và các cầu thủ, nhưng HLV người Italia không nghĩ như vậy. “Tôi không chiến thắng gì cả”, Mancini nói. “Quan hệ giữa tôi và Carlos từng không chỉ tốt, mà còn tuyệt vời. Tôi đã làm tất cả những gì có thể cho cậu ấy trong 2 năm. Giờ mọi chuyện lại xoay ra thế này. Tôi đã cố gắng nói chuyện với cậu ấy, chỉ cần một lời xin lỗi, nhưng chẳng hiểu cậu ấy nghĩ gì. Tôi không biết lý do thực sự của chuyện này. Với tôi, CLB luôn là quan trọng nhất, nên tôi không cho đó là thắng bại, chỉ là một nỗi buồn”.
Trần Trọng
Khác biệt trong văn hóa bóng đá Trong mắt Mancini, văn hóa bóng đá ở Italia và Anh có nhiều điểm khác biệt quan trọng. “Ở Italia, khi bạn ghi được 3-4 bàn, bạn chơi chậm lại, không dâng cao nữa và coi như trận đấu đã kết thúc. Ở đây hoàn toàn khác”, Mancini nói về những trận đấu kinh hoàng ở mùa này như Man City-M.U 6-1 hay M.U-Arsenal 8-2. “Trước hết, ở Anh danh hiệu có thể được quyết định chỉ bởi một bàn thắng. Và thứ hai, nếu bạn chơi cho những đội như M.U và bạn còn có thể ghi bàn thì bạn phải ghi bàn. Ngừng lại là thiếu tôn trọng, với các khán giả, và với chính đối thủ. Ở đây, bạn ra sân là để ghi bàn”. Văn hóa thua cuộc của Anh và Italia cũng rất khác nhau trong mắt Mancini. “Tôi đã gặp Alex (Ferguson) sau trận đấu (Man City-M.U 6-1). Ông ấy vẫn rất tử tế với tôi”, HLV của Man City nhớ lại. “Chúng tôi có nền văn hóa khác ở Italia. Thua trận gây ra cảm giác khó chịu kéo dài rất lâu. Ở đây thì khác. Sau hồi còi chung cuộc, mọi thứ chấm dứt, đó là điều tốt và tôi đã thay đổi để thích nghi. Những trận thua như trước Sunderland là rất khó nuốt trôi ở Italia, nhưng ở đây, tôi đã bắt tay Martin O’Neill và cảm giác được sự mã thượng của người Anh. Alex Ferguson đã 70 tuổi và vẫn làm việc, tôi cho rằng lý do một phần là ở đây làm HLV được tôn trọng hơn. Ở Italia, gần như ngày nào cũng có chuyện, các CĐV làm loạn chỉ sau một trận thua. Sau hai trận thua thì bạn phải cuốn gói luôn. Ở Anh, họ kiên nhẫn hơn. Ở Italia, họ cũng nói về trọng tài rất nhiều, 3 ngày trước các trận lớn, ở đây, không ai quan tâm”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất