Bóng đá Việt Nam nhìn từ khía cạnh thể hình: Đứng ngoài cuộc đua của thế giới?

23/04/2015 09:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đã đá bóng thì phải có thể hình, thể lực mạnh mẽ và trong bóng đá hiện đại, các tiêu chí sức mạnh thể hình với cầu thủ ngày càng cao. Nhưng có vẻ bóng đá Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc đua của thế giới?

Các lò đào tạo danh tiếng của châu Âu là Ajax Amsterdam và La Masia (Barcelona) không chú trọng phát triển các cầu thủ vạm vỡ nhưng họ cũng không bỏ qua khâu xây dựng nền tảng thể hình thể lực cho cầu thủ.

Ngay cả Messi cũng phải tập thể hình

Người Hà Lan nhận thức được rằng, để đào tạo ra một cầu thủ chuyên nghiệp, họ phải đào tạo được một VĐV giỏi. Họ tập trung phát triển tinh thần đồng đội và sức bền cầu thủ từ tuổi nhỏ bởi cho rằng phát triển khi lên đội 1 là quá muộn.

Kết quả là những học viên ở Ajax không chỉ học bóng đá mà còn các môn khác: judo, thể dục dụng cụ, bóng rổ… Những bài tập này chiếm 45% thời lượng tập luyện trước tuổi 12. Từ 15 đến 18 tuổi, 35% thời lượng tập luyện vẫn dành cho các môn thể thao khác để xây dựng thể lực, các kĩ năng như giữ thăng bằng.

Tôn chỉ của học viện La Masia là “tầm vóc không quan trọng”. La Masia đòi hỏi các cầu thủ trẻ có khả năng xử lý bóng nhạy cảm bẩm sinh. Trước tuổi 18, cầu thủ tại La Masia được tăng tối đa thời gian tiếp xúc bóng, đẩy nhanh tốc độ tư duy trong xử lý bóng. La Masia xây dựng nền tảng thể lực cho các cầu thủ thông qua các bài tập với bóng.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí World Soccer vào năm 2013, Lionel Messi thẳng thắn nói rằng anh tập thể hình chỉ để cải thiện những nhược điểm của mình, chống chấn thương, và “tôi không thể dành cả đời trong phòng tập”.

Quan điểm có vẻ thực dụng này hóa ra lại rất phổ biến trong thế giới bóng đá. HLV Louis van Gaal đã yêu cầu bộ đôi James Wilson và Angel Di Maria tăng cường tập thể hình sau khi dính các chấn thương trong mùa đầu tiên tại Premier League. Mesut Oezil, Adnan Januzaj, Paul Pogba cũng lao vào tập thể hình điên cuồng sau khi tiếp xúc với bóng đá Anh; Danny Welbeck cải thiện khả năng dứt điểm bằng cách tập lực sút cho đôi chân.

Nghĩa là không phải cứ bụng 6 múi, ngực rắn chắc, cơ bắp cuồn cuộn mới là một cầu thủ bóng đá lý tưởng. Cầu thủ chuyên nghiệp phải đáp ứng được lượng vận động suốt trận, đủ cơ bắp để không ngán ngại các pha tranh chấp tay đôi.

Công Phượng chưa đủ “đô con” để chơi bóng chuyên nghiệp?

Sau trận thua 0-7 trước U19 Nhật Bản ở giải giao hữu tại TP.HCM, các tuyển thủ U19 Việt Nam “ngã ngửa” khi bác sĩ Toshiaki Izawa của đối thủ tiết lộ: “cầu thủ Nhật Bản di chuyển trung bình từ 11-12 km mỗi trận”.

Quãng đường này thậm chí ấn tượng hơn những tuyển thủ dự World Cup 2014, như 9,4 km/trận của Cristiano Ronaldo hay 8 km/trận của Lionel Messi. Cựu trưởng giải V-League Tanaka Koji từng tiết lộ, quãng đường di chuyển trung bình của một cầu thủ Việt Nam tại V-League 2014 là 5,8 km/trận.

Thể hình của Công Phượng không thể coi là lý tưởng với một cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: Tuân Phạm

Điểm chung của trận thua U19 Nhật Bản năm ngoái với thất bại 0-2 trước người Nhật ở vòng loại U23 châu Á là Nguyễn Công Phượng và đồng đội bị đè bẹp trong các pha tranh chấp tay đôi.

Khoảng tháng 9/2014, một vài tờ báo mạng viết khá lạ lùng rằng Công Phượng khiến khán giả “mãn nhãn” khi khoe body “hoàn hảo”.

Nếu dựa trên công thức tính của các chuyên gia thể lực bóng đá châu Âu, mức cân nặng khoảng 61kg của Phượng thời điểm đó vẫn còn… chưa đủ để thi đấu chuyên nghiệp. Với chiều cao 1m68, Công Phượng phải nặng tối thiểu 62,8 kg.

Tất nhiên, áp đặt tiêu chuẩn châu Âu vào cầu thủ Việt là hơi “quá đáng”; nhưng nếu bóng đá Việt Nam đã dám nói đến “vươn ra châu lục” và “xuất khẩu cầu thủ” thì không thể trốn tránh vấn đề này.

Đội U19 Việt Nam (năm 2014) với nòng cốt là U19 HAGL được cho là cung cấp chế độ chăm sóc cầu thủ lý tưởng trong suốt 7 năm học tại học viện, nhưng chỉ có thủ môn Lê Văn Trường (1m78), thủ thành Nguyễn Trung Thủ và tiền vệ Lương Xuân Trường là cao trên 1m75.  Kể từ các giải với đội U19 Việt Nam trong năm 2014 đến các giải với đội U23 sau này, thể hình của cầu thủ đội U19 Việt Nam phát triển không đáng kể.

Như HLV Graechen nói vào năm ngoái, lúc vừa xuất xưởng lứa U19 mới là thời điểm Công Phượng và đồng đội chú trọng vào các bài tập thể hình, thể lực nên cần có thời gian để tận mắt thấy hiệu quả của công đoạn này

Nhưng bài học của tiền vệ Phạm Thành Lương là nhãn tiền. Từ khi trình làng ở giải U21 quốc tế báo Thanh Niên năm 2005 đến khi nhận Quả bóng vàng 2015, Lương “dị” không vạm vỡ lên là mấy, và vẫn khổ sở trong các pha tranh chấp với ngay các đối thủ Malaysia hay Thái Lan. Đến giờ, “tầm” của tiền vệ này vẫn là V-League mà không thể phát triển cao hơn.

Cầu thủ Việt Nam có thể giống Lionel Messi là không hâm mộ môn tập thể hình, nhưng mấy ai được chăm sóc từng li như Messi, có tài năng như Messi, hoặc thậm chí, có ý thức rèn luyện chăm chỉ như… Danny Welbeck?

Buông thả với cơ thể, không thể lên đỉnh cao

Ít nhất, chúng ta thấy ở Wayne Rooney. Tiền đạo vẫn bị gọi là “Thằng béo” này bị HLV thể lực Mick Clegg chỉ trích tơi tả vào năm 2013: “Wayne không thật sự coi trọng chuyện thể hình. Cậu ấy luôn bảo: “Tôi ở đây để đá bóng”. Tôi muốn cậu ấy tập thể hình chăm chỉ hơn”.

“Wayne luôn là gã to béo và sợ mình bị cơ bắp quá, sợ tốn nhiều thời gian cho tập thể hình. Đó là một phần công việc của Cristiano Ronaldo. Wayne có thể giỏi như Ronaldo nếu cậu ấy cũng chăm chỉ tập thể hình như vậy. Đó là một hiện tượng”.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm