HLV Lê Thụy Hải: 'Cầu thủ lên đội tuyển về đều hết hơi hoặc chấn thương'

04/08/2015 05:21 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ đề tuần này mà Thể thao & Văn hóa trao đổi với HLV Lê Thụy Hải là chiến thuật mà các đội bóng V-League hiện đang áp dụng và có hay không sự liên hệ, mối quan hệ tương hỗ với lối chơi mà ông Miura áp dụng cho ĐT Việt Nam.

Về xu hướng chiến thuật đang chiếm ưu thế tại V-League hiện nay, từ góc nhìn người làm nghề, HLV Lê Thụy Hải phân tích: “Nếu đội muốn cạnh tranh ngôi vô địch thì phải áp đặt được lối chơi, đó là điều tiên quyết. Còn nếu mục tiêu chỉ có mức độ vừa phải thì đội bóng đó sẽ chọn cách đá phòng ngự, phản công, ít nhất có 8 người luôn lùi sâu, tập trung lo phòng ngự, nhưng phải biết tổ chức phòng ngự chứ không phải đứng ở đó cho đủ người.

Và phải biết cầm bóng tổ chức, nên cho 2 trung phong ở trên biết cầm được bóng, giữ và chạy, đó là cách chơi hiện đại. Với những đội chỉ có trình độ ở mức trung bình thì đa dạng hóa cách chơi hơn, cả phòng ngự và phản công nhưng với điều kiện thể lực phải tốt và vị trí chiến thuật phải tốt, kỹ thuật thì còn có thể điều chỉnh.


HLV Lê Thụy Hải: "Không phải ai tôi cũng chê như ông Miura nói"

Không phải bây giờ mà đã từ rất lâu rồi các đội bóng ở V-League sử dụng nhiều các ngoại binh trên hàng tấn công và dùng nhiều đường chuyền dài từ dưới lên cho họ xử lý. Nhưng cũng có một số đội lực lượng nội binh tốt như Hà Nội T&T thì họ cũng tổ chức lối chơi, phối hợp tấn công dù người dứt điểm vẫn là cầu thủ ngoại, hoặc cầu thủ ngoại hoạt động ở điểm nguy hiểm cho cầu thủ nội giải quyết vấn đề, B.Bình Dương cũng là trường hợp như thế”.

Các CLB thì phụ thuộc nhiều vào khả năng hoạt động của ngoại binh trong khi ở ĐTQG, những cầu thủ có thể hình, lối chơi máu lửa được HLV Miura tin tưởng. Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Thụy Hải nói: “Thực ra chúng ta thấy rất rõ VFF rất tin tưởng HLV Miura, giao cho ông ấy dẫn dắt 2 đội.

Thời gian ông ấy làm việc ở Việt Nam đã hơn 1 năm và dự một số giải rồi như AFF Cup, vòng loại U23 châu Á hay SEA Games nhưng cũng chưa có thành tích nổi bật nào. Vậy thì VFF phải tổng kết rồi đánh giá thành tích của ông ấy với bóng đá Việt Nam chứ. Ai cũng nói ông ấy giỏi thì giỏi ở đâu, còn nếu bảo ông ấy kém thì tại sao lại kém?

Những cầu thủ lên ĐTQG và U23 Việt Nam đa số không đá đúng với sở trường của mình như từng chơi ở CLB. Nếu họ thành công, HLV Miura sẽ được coi là có đôi mắt xanh lựa chọn người tốt còn không thành công thì phải khác.

Tôi không phải là người mà ai cũng chê như ông Miura nói, cũng không cần thay vị trí ông ấy mà muốn nền bóng đá Việt Nam tiến lên chứ không đi xuống. Từ ngày HLV Miura đến Việt Nam tôi thấy ông ấy khác các HLV khác ở chỗ toàn đưa trung vệ cao to ra đá hậu vệ biên.

Xuân Thành (trái) đã bị chấn thương khi lên ĐT Việt Nam để đá giao hữu với Man City nên đang tạm nghỉ thi đấu ở B.Bình Dương. Ảnh: VSI

Nếu ông ấy làm thế mà có thành tích thì có nghĩa ông ấy nhìn được vấn đề và sẽ không ai ý kiến gì. Thế nhưng, HLV Miura không có thành tích lớn nào, thế mà cứ khen ông ấy giỏi? HLV HAGL Guillaume Graechen  cũng là trường hợp như vậy. Đội U19 ông ấy làm không có thành tích lớn nào đâu, có chăng chỉ là ở giải U21 quốc tế. Đã là thi đấu thể thao là phải có thành tích, quan điểm của tôi là vậy.

Một vấn đề nữa tôi muốn nói là những cầu thủ lên ĐTQG những năm vừa qua khi quay về CLB đều hết hơi hoặc chấn thương, không hiểu tại sao? Như thế các CLB rất thiệt thòi vì họ là người trả lương và VFF cần phải xem lại. Những gì HLV Miura áp dụng cho ĐT Việt Nam và U23, ông ấy đã tổng kết chưa?  

VFF cũng phải tổng kết lại để đánh giá, tại sao không làm điều đó. Theo tôi, VFF phải tổng kết, rút kinh nghiệm sau đó đưa về CLB tham khảo, lấy điểm tốt để xây dựng cho chính mình. Đó cũng là điều có lợi cho ĐTQG sau này.

Ngoài ra, Hội đồng HLV QG cũng cần phải được góp ý. Tôi không phải là thành viên Hội đồng HLV QG nhưng các anh trong Hội đồng đó đều là những người có kinh nghiệm huấn luyện cả.

Tôi xin nhắc lại, nếu tổng kết, rút kinh nghiệm thì sẽ là điều rất tốt, giúp cho bóng đá Việt Nam nhưng không biết tại sao chúng ta không làm việc như thế, nói mãi thì "nước chảy, bèo trôi".

Vừa rồi B.Bình Dương đá với Cần Thơ khán đài vắng lắm, sân Thanh Hóa “chảo lửa” như thế mà đá với SLNA khán giả cũng không còn đông như trước. Vậy là BĐVN vẫn đi xuống và rõ ràng phải buồn chứ”.

Thành Đạt (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm