HLV Lê Thụy Hải: 'Ngoại binh giỏi không muốn đến V-League'

28/07/2015 05:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hai trong số 3 cầu thủ đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại Toyota V-League 2015 là Văn Thắng và Đình Tùng, ngoại binh duy nhất hiện diện trong TOP 3 là Tambwe Patiyo, chân sút của QNK Quảng Nam. Tầm ảnh hưởng của ngoại binh đối với các CLB không còn lớn như trước, đó là góc nhìn của HLV Lê Thụy Hải từ những kinh nghiệm làm việc thực tế.

Hơn nửa chặng đường mùa giải V-League 2015 đã trôi qua nhưng sự nổi trội của các chân sút ngoại không được thể hiện rõ và rõ ràng, chất lượng các cầu thủ ngoại đang chơi bóng tại sân chơi hàng đầu Việt Nam không cao.

Không có cầu thủ ngoại xuất sắc

Về chất lượng những ngoại binh đang chơi bóng tại V-League 2015, HLV Lê Thụy Hải đánh giá: “Theo tôi chất lượng các ngoại binh hiện nay tại V-League không có nhiều thay đổi so với một vài năm trước đây. Một số cầu thủ ngoại cũ đã thi đấu tại V-League nhiều mùa giải giờ đã bị các đội bắt bài, đó là hạn chế. Những cầu thủ ngoại mới thì chưa theo kịp với nhịp độ và mặt bằng thi đấu tại V-League vì bản thân họ cũng không phải là cầu thủ thật hay.

Những ngoại binh này không phải là các cầu thủ thật hay ở nước ngoài và khi đến Việt Nam thi đấu những năm đầu rất thường, các đội Việt Nam dạy họ hay lên nhưng cũng chỉ được một, hai năm rồi phong độ lại đi xuống. Khả năng của họ cũng chỉ có thế và còn bị bắt bài nên năm nay không có ngoại binh xuất sắc và cầu thủ nội ghi được nhiều bàn là vì thế. Năm nay ảnh hưởng của ngoại binh đến các đội bóng tại V-League không nhiều như trước kia.


Ông Hải cho rằng cầu thủ ngoại đến V-League nổi nhanh nhưng cũng sa sút nhanh. Ảnh: Thanh Hà

Ví dụ, một hai mùa giải trước Samson hay Gonzalo chơi rất tốt, có tác động đến sức mạnh của Hà Nội T&T nhưng bây giờ xuống rồi. Abass của Becamex Bình Dương đã chững lại, ngoại binh của nhiều đội khác cũng thế. Trong khi đó, những ngoại binh mới của SHB Đà Nẵng, HAGL hay SLNA thì chưa bắt nhịp được, thậm chí có thể nói là kém, mình nhìn thấy rất rõ. Ngày xưa Merlo là một trong những ngoại binh xuất sắc nhất tại V-League nhưng hiện nay không tìm được một người như thế”.

Ngoại binh trình độ không cao nhưng ông Hải cho rằng họ vẫn là những nhân tố quan trọng với các đội bóng tại V-League hiện nay. “Qua đây chúng ta cũng thấy được ngoại binh quan trọng với bất cứ CLB V-League nào nhưng nếu để tìm ra người xuất sắc thì có giới hạn thôi. Những cầu thủ ngoại thực sự hay của V-League đều đã nghỉ hoặc phong độ đi xuống như Huỳnh Kesley, Timothy, Cristiano Roland…

Điều này dẫn đến một thực tế tại V-League 2015 là đa số các CLB mà ngoại binh trình độ đi xuống thì thành tích thi đấu cũng giảm sút, những đội còn đang chơi tốt thì dựa trên một bộ khung đội hình nội binh ổn định, điều này rõ thấy thôi” – HLV Lê Thụy Hải nói.

VFF cần hỗ trợ các CLB

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoại binh giỏi tại V-League 2015, HLV Lê Thụy Hải lý giải: “Theo quan điểm tôi việc V-League thiếu ngoại binh giỏi một phần là do kinh phí của các CLB hạn chế, không thể đáp ứng những mức lương và tiền chuyển nhượng lớn nhưng một lý do khác là những cầu thủ đó đều không muốn đến Việt Nam thi đấu. Đã đến Việt Nam họ dần mất đi cơ hội chơi cho đội tuyển quốc gia.

Nếu chơi bóng ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì những ngoại binh giỏi còn có cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia, được những CLB lớn hơn để ý lớn còn khi đến Việt Nam, chất lượng giải V-League của mình còn thấp nên đa số họ không còn giữ được phong độ, lùi đi chứ có phát triển đâu và hình ảnh tốt đẹp như họ mong muốn”.

HAGL năm nay đã có đến 3 lần thay đổi ngoại binh vì chất lượng quá kém, trong ảnh là tiền đạo Dzravko Dragicevic (phải)
và trung vệ Cosmin Goia (trái). Ảnh: Tuân Phạm

Trong câu chuyện ngoại binh giỏi không đến Việt Nam, ông Hải cho VFF cần có biện pháp hỗ trợ các CLB, tránh tình trạng tuyển chọn ngoại binh trôi nổi. “Tôi nghĩ những vấn đề này VFF phải trực tiếp đứng ra giải quyết, trước tiên là tìm cách nâng cao chất lượng V-League. Thứ hai, VFF không phải là một công ty môi giới nhưng với vai trò của mình họ hoàn toàn có thể liên hệ với LĐBĐ các nước, nhờ họ giới thiệu cầu thủ tốt cho các CLB tại V-League, CLB bỏ tiền cơ mà, VFF bỏ tiền thuê ngoại binh cho CLB đâu.

Tiếc là VFF hiện nay không làm được những việc như thế, họ gần như chỉ ngồi chơi, tổ chức các giải đấu là chính. Chính vì thế, nhiều CLB chọn ngoại binh trôi nổi, không thẩm định được trình độ, đội này có ngoại binh có mình không thì lại lo lắng nên cũng bằng mọi giá chọn cho đủ. Thậm chí, có CLB lấy ngoại binh chỉ để nuôi không. Oseni hay Suleiman nay rất kém rồi…Timothy thì biệt tích, đó là những ví dụ rõ nhất. Đầu tiên khi đến Việt Nam họ đã ghi được rất nhiều bàn, toàn mười mấy bàn thắng hoặc hơn thế nữa nhưng sau đó sa sút phong độ rất nhiều”.

Khi còn làm việc ở Thể Công, HLV Lê Thụy Hải từng nhận trách nhiệm sang Brazil tuyển ngoại binh nhưng những cầu thủ được đưa về trình độ cũng tương đối hạn chế và không thích nghi được với môi trường thi đấu tại V-League. Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm: “Bản thân tôi thời còn làm ở SHB Đà Nẵng, trực tiếp huấn luyện Almeida, cậu ấy mới đầu có biết đá bóng, có định nhận đâu được mình dạy họ thành cầu thủ hay, đến lúc nhất định lại xuống và mất tích rồi.

VFF có thể liên hệ trực tiếp với các LĐBĐ quốc gia khác là thành viên của FIFA dễ hơn các CLB. Bản thân tôi khi còn làm ở Thể Công đã trực tiếp sang Brazil tuyển cầu thủ ngoại, thỏa thuận với CLB chủ quản xong xuôi rồi nhưng khi trao đổi với chính cầu thủ thì họ thẳng thừng trả lời: Không. Tôi không sang Việt Nam chơi bóng. Điều này nói ra có thể buồn hay xấu hổ nhưng thực tế họ chê V-League như vậy cũng phải chấp nhận thôi”.

Trước câu hỏi về khả năng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng như trường hợp của Công Vinh tại Sapporo gần đây, ông Hải nêu quan điểm: “Nếu thực sự cầu thủ Việt Nam có điều kiện ra nước ngoài chơi bóng dù không biết vì lý do gì thì tôi nghĩ nên cho họ đi. Nhưng ở Việt Nam mình có một điều đặc biệt là nếu có cầu thủ nào được để ý thì ông chủ CLB đó sợ cho đi sẽ làm suy giảm sức mạnh của đội, mất người hay.

Thậm chí, cầu thủ ấy không giúp được gì nhiều cho CLB nhưng người ta vẫn cứ sợ. Trong bóng đá, có chuyện cầu thủ ở CLB này bình thường nhưng sang CLB khác lại chơi rất hay. Tôi nói có thể nhiều người không hài lòng, ở Việt Nam, nhiều ông chủ không biết gì về bóng đá nhưng cứ thích can thiệp vào công việc chuyên môn của HLV, như thế rất khổ cho các HLV.

Nhiều người nói đội tuyển Việt Nam gặp CLB Man City là một cơ hội cọ xát, học hỏi quý giá nhưng mình bắt chước ông Ferguson hay Mourinho làm sao được. Có thể HLV học hỏi được nhưng người thực thi có phải là chúng tôi đâu. Thực tế là như vậy và chúng ta phải chấp nhận và cũng đừng hy vọng quá nhiều ở một trận đấu giao hữu như thế này có thể nâng chất lượng của cả nền bóng đá”.

HAGL 3 lần thay đổi ngoại binh

Kể từ đầu mùa giải 2015, HAGL là CLB nhiều lần thay đổi ngoại binh nhất. Bộ đôi Morec Mitja và Darko Lukanovic bị cắt hợp đồng chỉ sau 2 vòng đầu tiên. Đến hạn đăng ký cầu thủ ngoại, HAGL ký vội với tiền đạo Dzravko Dragicevic và trung vệ Cosmin Goia do bộ đôi này từng có kinh nghiệm thi đấu ở Việt Nam qua nhiều đội bóng như Đồng Tâm Long An, SHB Đà Nẵng, Đăk Lăk...

Tuy nhiên, do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, họ cũng phải ra đi để nhường chỗ cho những gương mặt mới là Franklin và Sanogo Moussa. Mặc dù vậy, sang đến giai đoạn lượt về, HAGL vẫn nhiều phen phải khổ sở với các ngoại binh. Tiền đạo Moussa do ảnh hưởng của chấn thương nhiều lần phải nghỉ thi đấu. Trung vệ Franklin dù có thể hình nhưng lại chơi bóng khá vụng. Franklin là 'tác giả' của pha phạm lỗi trong vòng cấm và pha trả đũa đáng trách dẫn đến trận hòa 1-1 của HAGL trước Hải Phòng ở 14 V-League 2015.


Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm