08/10/2014 05:50 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Nay Pyi Taw đón chúng tôi bằng sự lặng lẽ, nhưng không hề lạnh nhạt mà có cảm giác bình yên. Sau một hành trình dài với thời gian transit ở Bangkok hơn một ngày và trải nghiệm sự ồn ào của nó, đặt chân xuống Nay Pyi Taw như bước vào một thế giới khác.
Những nụ cười Nay Pyi Taw
“Nghề lái xe taxi ở đây chắc là một trong những nghề cô đơn nhất ở đây nhỉ?” – Tôi hỏi vui Nair Lien, anh tài xế có khuôn mặt đen cháy hiền hậu và thứ tiếng Anh lơ lớ vô cùng khó nghe, trên con đường vắng tanh vắng ngắt từ sân bay về khách sạn, và nhận được một nụ cười hiền: “Tôi cô đơn một nửa chặng đường, và vui vẻ trong một nửa còn lại, cùng khách hàng của tôi”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều nụ cười chúng tôi cất giữ trong tim mình từ khi bước ra khỏi sân bay Nay Pyi Taw. Ngăn này là nụ cười của nhân viên bàn check in đang vừa làm thủ tục vừa... nhún vai đánh nhịp theo một bài hát rất sôi động bật khe khẽ từ chiếc điện thoại nhỏ của ông.
Ngăn kia là của một nhân viên sân bay cố đứng nhường tôi đẩy xe chở đồ qua trước, dù anh đẩy xe vào sớm hơn. Khi tôi gặp trục trặc với việc đăng nhập vào mạng wi-fi khách sạn và lo lắng vì không kịp truyền bài vở về, cả người quản lý lẫn nhân viên xúm vào giúp, tất nhiên là với một nụ cười tươi không kém: “Không sao đâu”.
Dường như không gì có thể chen vào cuộc sống nhẹ nhàng ấy: “U19 AFC Championship (giải U19 châu Á)? Không, tôi không biết, chỉ biết (gà rán) KFC thôi” – Nair Lien lại pha trò, khi chặng đường cứ như dài ra vô tận: “Tôi không thích bóng đá, nhiều người quá, và cứ đưa bóng đi qua lại, hoa mắt quá”! Lễ tân khách sạn, người quản lý và cả anh chàng nhân viên đã giúp tôi đăng nhập vào wi-fi khách sạn cũng ngớ người ra khi được hỏi về giải U19 châu Á.
Đến Nay Pyi Taw để “học” bình yên
Nay Pyi Taw dường như thờ ơ với những gì chúng tôi quan tâm, ngay từ những phút đầu tiên, dù chỉ trong vòng một năm qua, Myanmar đã tổ chức rất thành công hai sự kiện thể thao có tầm vóc là SEA Games và ASEAN Para Games, cùng với tốc độ đổi thay chóng mặt của Thủ đô mới.
Các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu mọc lên. Nhiều cửa hàng và nhà hàng ăn được mở cùng hàng chục khách sạn mới được xây dựng. Một số công ty nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, đã thiết lập chi nhánh tại đây.
Để phục vụ cho SEA Games diễn ra cách đây một năm, hơn một chục sân vận động hiện đại và hàng trăm villa đã được xây dựng. Nhưng khi sân khấu SEA Games khép màn, Nay Pyi Taw lại quay về với sự vắng vẻ quen thuộc.
Sân bay quốc tế Nay Pyi Taw được cải tạo cho SEA Games với tham vọng đón lượng khách ước chừng... 10,5 triệu người/ năm, nhưng khi chúng tôi xuống máy bay vào 7 rưỡi tối, một bầu không khí lặng lẽ lập tức bủa vây.
Ngoài sảnh, có đúng một anh chàng nhỏ thó đứng cầm tấm biển taxi, phía sau là 3 tài xế, một trong số đó là Nair Lien, anh bạn lắm chuyện đã đồng hành với chúng tôi từ sân bay về khách sạn.
Nay Pyi Taw, từng “vinh dự” được truyền thông quốc tế gọi là “thành phố ma” và rộng gấp 40 lần diện tích của Washington DC, nhanh chóng khiến bạn cảm thấy mình lọt thỏm trong một nỗi cô đơn ghê gớm. Với chúng tôi, những người thường xuyên phải chen vai thích cánh trong dòng người hối hả bức bối mỗi sáng ở Việt Nam, thì phải đi 30 cây số trên một con lộ rộng 3 hàng xe không một bóng người vào lúc 8 giờ tối không khác gì một cú “sốc văn hóa”.
Nhưng nỗi cô đơn đôi khi cũng đồng nghĩa với bình yên. Đây có thể không phải là nơi phù hợp để trở thành một ngày hội, nhưng là địa điểm lý tưởng để những cầu thủ trẻ đặt chân xuống mà không phải cảm thấy chới với. Ở đây, họ thậm chí “học” được sự bình yên, trong cái ra vẻ thờ ơ rất mà cũng rất nồng nhiệt của nụ cười Myanmar.
Phạm An (từ Nay Pyi Taw, Myanmar)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất