'Số 10' Công Phượng và hành trình kỳ diệu đến với U19 Việt Nam

05/09/2014 21:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Màn trình diễn ấn tượng của U19 Việt Nam tại vòng loại U19 châu Á 2014 in đậm dấu ấn của 'số 10' Công Phượng. Ít ai biết rằng, Công Phượng đã mất cả chặng đường dài và gian khó để đến với Học viện HA.GL Arsenal JMG cũng như U19 Việt Nam.

Nỗi đau đầu đời

Theo lời HLV phó Học viện HA.GL Arsenal JMG, ông Dương Minh Ninh, 13 học viên khóa một đầu tiên được tuyển mộ đều có con đường đi, hoàn cảnh khác nhau để có được ngày hôm nay. Riêng trường hợp tiền vệ trẻ Nguyễn Công Phượng có hành trình đi dài gấp đôi các bạn đồng lứa để có được một vị trí tại Học viện đúng 5 năm trước. Ngoài tài năng vốn có, ý chí quyết tâm cũng là điều Công Phượng tiềm ẩn, để có được một trong 4 tấm vé sang U17 Arsenal thử việc trong thời gian tới đây.

Xem toàn bộ các bài viết về U19 Việt Nam trong hành trình đến với VCK châu Á tại đây

Nói về Công Phượng, thầy Ninh không khỏi cảm phục cậu học trò nhỏ sinh năm 1995 của mình. Chẳng là Công Phượng sinh ra trong gia đình thuần nông ở Đô Lương, Nghệ An, khi ba mẹ chủ yếu làm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" quanh năm suốt tháng. Phượng cũng là thành viên thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em, nên cuộc sống gia đình cũng không có gì dư dả.

Gia đình hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng Công Phượng lại đam mê trái bóng tròn từ nhỏ. Mấy lần Phượng định xin bố mẹ cho xuống TP.Vinh xin thi thử đội trẻ SLNA, nhưng lại thôi vì kinh tế gia đình còn khó khăn. Thế là, Phượng phải xếp ước mơ trở thành cầu thủ sang một bên cũng vì thương bố mẹ.

Đến lúc bầu Đức mở Học viện bóng đá ở phố núi, rồi rầm rộ đăng tin tìm kiếm tài năng trẻ. Công Phượng cũng náo nức như nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Thế là Công Phượng lấy hết tài thuyết phục bố mẹ để được xuống thành Vinh thi tuyển. Công Phượng cũng lý luận rằng nếu làm học viên của Học viện do bầu Đức mở, không chỉ được ăn uống, luyện tập như cầu thủ chuyên nghiệp, mà việc học văn hóa cũng được đảm bảo.

Nhờ tài thuyết phục ấy, Công Phượng được bố mẹ đồng ý đưa xuống Vinh để thử vận may làm cầu thủ chuyên nghiệp một lần trong đời. Không may trước ngày xuống thành Vinh, Công Phượng bị đau nhẹ. Chưa kể do hồi hộp trong lúc thi thử, Công Phượng bị đánh trượt trong ngày thi hôm ấy.



Công Phượng luôn hăng say tập luyện ở
Học viện HA.GL Arsenal JMG

Tưởng chừng thất bại đầu đời ấy làm cầu thủ nhí xứ Nghệ thối chí. Nhưng chỉ vài ngày sau, Phượng lại xin bố cho mình vào tận TP.Pleiku (Gia Lai) để có thêm cơ hội thi thố tài năng một lần nữa. Hoàn cảnh kinh tế chưa dư dả, nhưng bố Công Phượng cũng là người đam mê bóng đá, lại thương cho đam mê của con.

Thế là 2 cha con Công Phượng lại bắt chuyến xe nữa lặn lội từ Đô Lương (Nghệ An) để vào phố núi Gia Lai lần đầu trong đời.

Nước mắt cha và con

Khi Công Phượng bước ra sân để thi thêm một lần nữa, các tuyển trạch viên của Học viện HA.GL Arsenal JMG, giật mình thấy gương mặt này quen quen. Đến khi Phượng thổ lộ từng thi rớt ở Vinh, rồi cùng cha bắt xe vào tận đây, tất cả các thầy đều khâm phục ý chí cầu tiến của cậu bé người Nghệ sinh năm 1995 này.

Chỉ khác so với đợt thi ở thành Vinh, Công Phượng giờ đã tự tin và mạnh mẽ hơn hẳn. Trong phần lừa bóng, tâng bóng, sút bóng,... Phượng đều thể hiện xuất sắc và nhận được điểm cao từ các thành viên của ban giám khảo. Cuối cùng, Công Phượng cũng nằm trong số 13 học viên trúng tuyển đợt một của đội bóng phố núi. Riêng 2 cha con Công Phượng ôm nhau khóc trong hạnh phúc, khi vượt qua đến 2 cuộc thi để có được hạnh phúc như ngày hôm ấy.

Thấm thoát đã qua 5 năm, kể từ ngày Phượng cùng đồng đội ăn tập, thi đấu, học hành tại đây. Không còn giống với cậu bé nhỏ nhắn ngày mới vào Hàm Rồng, Phượng giờ đã cao 1m67 và đóng vai trò tiền vệ tấn công của U17 Học viện HA.GL Arsenal JMG. Trong vai trò đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khôn ngoan và quyết đoán này, Phượng luôn tỏ ra xuất sắc trong vai trò cầm chịch, hỗ trợ cho các chân sút ở hàng tiền đạo.

Ngoài ra, kỹ thuật xử lý bóng và khả năng kiến tạo của cầu thủ gốc Nghệ cũng được HLV Guillaume và trợ lý Dương Minh Ninh đánh giá rất cao. Ở đội trẻ của thầy Guilaume, Công Phượng mang áo số 10, cũng đồng nghĩa là ''nhạc trưởng" của đội bóng trong các trận đấu mà mình có mặt.


'Số 10' Công Phượng, niềm tự hào của bóng đá Việt Nam.

Khi mà đội trưởng Lương Xuân Trường chưa thể thi đấu trở lại vì chấn thương thì vai trò của Tuấn Anh ở tuyến giữa hay sự kết hợp ăn ý giữa bộ đôi Công Phượng - Văn Toàn chính là những yếu tố làm nên sức sống cho lối chơi tấn công đẹp mắt của U19 Việt Nam.

Mộc Miên- P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm