10/10/2012 14:22 GMT+7 | Real Madrid
Năm 2007, Ronaldo trải qua năm thứ tư tại Manchester United, mới 22 tuổi, còn ông Mourinho đang dẫn dắt Chelsea bước vào mùa thứ ba, cũng là mùa cuối cùng của ông ở Stamford Bridge. Mourinho chỉ trích trọng tài đã thiên vị M.U trong trận hòa với Middlesborough, và HLV đã từng vô địch Champions League lẫn Premier League ấy bị “cậu nhóc” Ronaldo mắng rằng ông ta chẳng qua chỉ là một kẻ không dám thừa nhận thất bại. Mourinho phản pháo bằng cách cho rằng “một tuổi thơ không êm đẹp và ít học đã khiến thằng nhóc ấy phát ngôn như thế”.
Cristiano Ronaldo
Đó cũng là năm mà Ronaldo đoạt Quả bóng Đồng, xếp sau Kaka (Bóng Vàng) và Lionel Messi (Bóng Bạc), đối thủ lớn nhất lúc này của anh. Cậu nhóc ngổ ngáo dám mắng vào mặt Mourinho trông gần như phát khóc khi lên nhận giải. Ở tuổi 22, Ronaldo không cần biết kiêng nể ai, và đã có cảm giác thất vọng ghê gớm khi anh không phải là người giỏi nhất thế giới.
Anh luôn bị ám ảnh bởi khát khao vượt qua tất cả như thế từ khi còn bé. Tổ ấm thời thơ ấu của Ronaldo, một ngôi nhà gỗ nhỏ đến mức gia đình phải đặt chiếc máy giặt lên… mái nhà, đã bị phá hủy vì các chính trị gia ở Madeira cho rằng đó là một hình ảnh làm xấu hòn đảo cách đất liền BĐN chừng 600 dặm này. Bản thân Ronaldo lớn lên trong sự khốn khó. Cha anh, ông Jose Dinis, là một người làm vườn, còn bà mẹ Maria Dolores là một đầu bếp.
Từ cậu bé nhà quê đến đỉnh thế giới
Chúng ta đã nhìn thấy anh khóc như mưa sau khi BĐN thua Hy Lạp trong trận chung kết EURO 2004, nhưng gần 20 năm trước, cảnh tượng này cũng thường xuyên diễn ra khi Ronaldo còn là một thiếu niên, và đội bóng của cậu thua trận.
Cậu bé ấy rời Madeira lần đầu tiên năm 12 tuổi để gia nhập lò đào tạo trẻ của Sporting Lisbon, bị bạn bè và thậm chí là cả giáo viên chế giễu vì giọng đặc sệt vùng Madeira của mình. Ronaldo, trong nỗi cô đơn của lần đầu xa nhà, đã nổi nóng đến mức cầm ghế dọa đánh giáo viên vì dám cười cợt xuất thân của anh.
Tâm lý tự vệ ấy tồn tại mọi lúc mọi nơi. Cuốn tự truyện của Ronaldo phát hành vào năm nay (Ronaldo, ám ảnh về sự hoàn hảo) viết rằng vào một hôm HLV đội trẻ của Sporting yêu cầu Ronaldo dọn phòng thay đồ, cậu đã không nghe lời chỉ vì “Tôi là cầu thủ của Sporting và tôi không phải nhặt bất cứ thứ gì từ dưới đất lên cả”.
Năm đầu tiên lại Lisbon được Ronaldo mô tả là “quãng thời gian tồi tệ nhất”. Cậu thường xuyên gọi điện về nhà và khóc nức nở. Ngay từ thời điểm ấy, tài năng của Ronaldo đã được đánh giá là phi thường, nhưng xuất thân khiêm tốn khiến cậu trở nên rất cô đơn. Cũng có lẽ vì thế, mà tài năng ấy đã phát triển chóng mặt từ đó đến nay, nhờ khát khao vươn lên số một để xóa bỏ những ám ảnh về xuất thân nghèo khó của Ronaldo.
Chúng ta hay đọc được những bài báo viết về các cô bồ và thói ăn chơi đàng điếm của Ronaldo. Chúng ta cũng đã từng thấy anh nhấm nhẳng xung quanh chuyện đi ở khi còn chơi cho M.U, và giờ là Real Madrid, chỉ để “làm trò” và đòi tăng quyền lợi. Chúng ta đã thấy anh vỗ ngực tự xưng rằng “Tôi là số 1, số 2 và số 3 của bóng đá thế giới” sau khi nhận Quả bóng Vàng 2008. Cũng không ít người ngứa mắt vì thái độ kiêu căng của anh, và lối chơi cá nhân đến ích kỷ của Ronaldo trên sân.
Nhưng đừng quên rằng Ronaldo ấy là một cầu thủ chuyên nghiệp hoàn hảo, và chưa bao giờ để những lùm xùm ngoài sân cỏ ảnh hưởng đến khát khao chiến đấu của anh. Một Ronaldo có thể bỏ ra hàng giờ trong phòng tập gym để giữ hình thể luôn ở mức lý tưởng. Một Ronaldo được hai HLV hàng đầu thế giới là Sir Alex Ferguson và Jose Mourinho khen ngợi rằng luôn là người chăm chỉ nhất trên sân tập. Một Ronaldo đã tiến bộ không ngừng nghỉ phút giây nào, để từ một cầu thủ chạy cánh màu mè thành một cầu thủ tấn công toàn năng nhất thế giới vào thời điểm này.
Ngôi vị số một của bóng đá thế giới luôn ám ảnh Ronaldo từ rất lâu, và đừng trách anh vì cách cư xử của một người luôn cho mình là vĩ đại nhất. Đơn giản vì những nỗ lực của anh luôn xứng đáng với cách cư xử ấy. Khi là số một, bạn chẳng cần phải giấu diếm ai về điều đó.
Liga chưa bao giờ chứng kiến một hiện tượng cỡ cuộc đua Messi – Ronaldo Xét trên con số thống kê thì đúng là như thế. Mùa này, cả hai đều đã nổ súng 8 lần sau 7 vòng ở Liga, và nếu hiệu suất này được giữ nguyên cho đến cuối mùa giải, họ có thể kết thúc mùa bóng với 41 bàn thắng cho mỗi người. Ronaldo đã ghi 14 bàn/ 11 trận tính trên mọi đấu trường (Messi là 12 bàn/ 11 trận), và nếu cứ thế này, anh có thể cán đích với… 70 bàn thắng. Mùa 2010-2011, cả hai đều nổ súng 53 lần trên mọi mặt trận, nhiều hơn 6 bàn so với kỷ lục mọi thời đại mà huyền thoại Ferenc Puskas lập được vào thập niên 60 thế kỷ trước. Trong 60 năm qua, chưa tính Messi và Ronaldo, Liga chỉ mới chứng kiến có 8 lần cột mốc 30 bàn/ mùa bị phá vỡ, bởi 7 cầu thủ khác nhau. Trong 3 mùa giải trước, khi kỷ nguyên Messi – Ronaldo đi vào hoạt động, cột mốc này đã bị phá vỡ 5 lần (3 cho Messi và 2 cho Ronaldo). Ở tuổi 27, Ronaldo đã đứng thứ 9 trong danh sách các chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Madrid với 160 bàn thắng qua 155 trận. Cứ với tiến độ thế này, 4 năm nữa, anh có thể vượt qua cả người đứng đầu Raul Gonzalez, cầu thủ đã ghi 323 bàn thắng. Và nếu Raul cần 16 năm để làm điều ấy, thì Ronaldo có thể chỉ cần một nửa quãng thời gian ấy. Với Messi, thì anh đã trở thành chân sút vĩ đại nhất mọi thời của Barca ngay khi mới 24 tuổi. Không chỉ có Bernabeu và Camp Nou rung chuyển trong các trận Kinh điển, mà lịch sử cũng đang lung lay dữ dội trước sức tấn công của họ. |
Phạm An (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất