Bóng đá Việt Nam: Phá hơn xây, làm gì có thương hiệu!

24/07/2014 14:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với một bộ phận không nhỏ dân trong nghề, thương hiệu thể thao vẫn là một khái niệm khá trừu tượng. Thậm chí ngay lúc này, khi bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam đã vắt qua 14 năm tuổi, vẫn không nhiều người ý thức hết tầm quan trọng của việc xây dựng các thương hiệu, từ bản thân các cầu thủ, HLV, đến CLB và cao hơn nữa là các ĐTQG.

Bóng đá ư, xin kiếu nhé!

Trong rất nhiều những chia sẻ về công việc kêu gọi, vận động tài trợ cho bóng đá Việt Nam, ông chủ VFF Lê Hùng Dũng đã nói rằng, công đoạn này hết sức khó khăn. “Chúng tôi có nhiều đối tác, bạn bè, những người không thiếu tiền. Nhưng khi đề cập đến việc tài trợ cho bóng đá Việt Nam, phần lớn đều lắc đầu. Tại sao thế?! Vì chúng ta chỉ có một sản phẩm bóng đá không bắt mắt, thậm chí xấu xí”, ông Dũng chia sẻ.

Mặc dù vậy, với tài thao lược cùng kinh nghiệm mấy mươi năm làm kinh doanh và quản lý, chủ tịch VFF khoá VII vẫn tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng, ông sẽ kiếm về cho bóng đá Việt Nam hơn 360 tỷ đồng/năm (khoảng 18 triệu USD/năm) và có luỹ tiến. Nói là việc của… ông Dũng, bởi ai không biết, nền bóng đá đã và đang quay quắt với cơm áo gạo tiền như thế nào! Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mỗi Eximbank!

Ngân hàng Eximbank vẫn gần như “độc quyền” tài trợ cho V-League, trong khi giải hạng Nhất và Cup QG năm nay được một Ngân hàng khác là Kienlongank chia lửa, với tổng số tiền tài trợ khá khiêm tốn. Bóng thi đấu là của Động Lực, như một thuộc tính. Các ĐTQG trước đây có Li-Ning, sau là Nike, YAMAHA và gần đây nhất có HONDA nhảy vào. Nói chung là èo uột lắm.  

Sau một cuộc thi thiết kế logo được tổ chức rình rang, hồi tháng 2/2013, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho ra mắt “bộ nhận diện thương hiệu” mới, với hình ảnh khuôn mặt cười cách điệu được ghép bởi 3 chữ V. Kể ra lại bảo mê tín, nhưng tại sao và thế nào, bộ nhận diện thương hiệu của VPF lại là hình ảnh khuôn mặt cười?! Có kẻ ác mồm còn ví bộ nhận diện ấy chỉ để... diễn hài!

Sau những đảm bảo sẽ có ít nhất 10 đơn vị bảo trợ, với số tiền 10 tỷ/đơn vị/năm, những thành viên sáng lập VPF từng tuyên bố, bóng đá Việt Nam với các giải đấu gắn mác chuyên nghiệp sẽ sống khoẻ, bên cạnh tiền bản quyền truyền hình. Nhưng sau gần 3 năm, mới chỉ có Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An làm mẫu. Bản quyền truyền hình cũng không được nhắc tới nữa, khi nó được quy đổi ra thời lượng quảng cáo rồi.

Bóng đá Việt Nam nhìn chung vẫn chỉ là tằm ăn rỗi, chưa nhả tơ được, dệt lụa được. Chừng nào còn chưa vạch ra được một chiến lược làm bóng đá nghiêm túc, khả thi, tự bản thân bóng đá sẽ không bao giờ nuôi được chính cơ thể mình, chứ đừng viển vông về một ngành công nghiệp không khói hái ra tiền như bóng đá ở trời Âu. Các thương hiệu bóng đá Việt Nam vốn đã khiêm tốn, nay lại mong manh, dễ vỡ hơn bao giờ hết.

Ném chuột vỡ bình

Bóng đá Việt Nam với các giải đấu hàng đầu như V-League, hạng Nhất và Cup QG, chưa bao giờ được xem là những chiếc bình quý. Nó thậm chí giống một miếng bánh hơn, với người làm thì ít, còn kẻ phá và hưởng lợi lại đông. Vậy tại sao và như thế nào, chúng ta vẫn quen ví von, ném chuột sợ vỡ bình, sau khi liên tiếp các sự vụ gây nhức nhối dư luận bị phanh phui, dù mới chỉ ở phần nổi?!

Vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bị cơ quan điều tra cất vó sau nhiều ngày theo dõi về việc họ dàn xếp tỷ số trong nhiều trận đấu ở V-League, khiến làng bóng đá thêm một phen bàng hoàng. Song, có lẽ người ta đã quen rồi, bởi chỉ cách đây vài tháng, “mẻ lưới” nhằm vào V.Ninh Bình ở AFC Cup cũng bắt được vài con “cá to”. Kể ra thì nhiều lắm, với thế hệ Lã Xuân Thắng, Trương Văn Dưỡng, rồi Quốc Vượng và “đồng bọn”…

Nhưng, rất có thể, VFF và Ban tổ chức các giải đấu sẽ lại chủ động khoanh vùng điều tra, thay vì làm triệt để, hòng trả lại sự trong sạch cho nền bóng đá vốn quá hỗn mang, đồng thời không làm tổn thương thêm những cá nhân, tập thể có tâm huyết thực sự, đầu tư bóng đá thực sự. Điều đó cũng có nghĩa rằng, vòng quay bóng đá Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục lăn bánh cho đến khi bức màn nhung khép lại.

Cũng như rất nhiều các sự cố khác, những ngày qua, người ta nói nhiều đến việc bóng đá Việt Nam sẽ phải chịu những tổn thương, mất mát, chịu cả những điều tiếng không hay trong mắt bạn bè quốc tế, khi những trang báo hàng đầu thế giới đã đưa tin về “vụ Đồng Nai”, như thể bản chất nền bóng đá từ bao năm qua. Tuy nhiên, hỏi thật, chúng ta có gì và còn gì để mất nữa đâu?! Sự thật bao giờ chả phũ phàng.

Trở lại với việc xây dựng các thương hiệu thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, càng trở nên bất khả thi trong hoàn cảnh này. Việc bắt tay với Nhật Bản, mua và chạy “format” những sản phẩm của bóng đá xứ hoa anh đào, cũng trở nên mông lung, khi thực thể nền bóng đá không có đủ những điều kiện cần. Nói ví von, động cơ F1 không thể gắn vào chiếc công nông được.

Nhưng, chúng ta vẫn có thể học, thay vì bắt chước. Bắt đầu từ việc đơn giản nhất là vận động viên hay cầu thủ phải có ý thức tìm người đại diện cho riêng mình. Kế đến, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp buộc phải ra đời để bảo vệ và thậm chí phòng vệ cho lực lượng lao động chính trong địa hạt bóng đá, nếu chúng ta còn giữ tiêu chí tiến lên chuyên. Các đội bóng độc lập với những ông chủ cao nhất ở VFF và VPF…

5 năm trước, một thương hiệu thuộc hàng bự nhất nhì nền bóng đá là Thể Công bị khai tử, vì nguyên nhân gì, chỉ người trong cuộc mới biết. Trước đó nữa, chừng chục năm hoặc hơn, các phiên hiệu CLB ngành Công an hoặc Hải Quan, cũng chìm vào quên lãng. Rồi Cảng Sài Gòn, đội bóng mang bản sắc Việt Nam nhất, cũng …quyên sinh. Nói hết thảy không theo kịp cơ chế thị trường là không thoả đáng.

Và các ĐTQG. Không chỉ đến hẹn lại lên, với hệ thống các giải đấu xoay tua theo năm lẻ, năm chẵn và VFF phải có nghĩa vụ tăng sức hút cho đội bóng, sau khi chắc rằng đã làm “sạch” bầu không khí đội tuyển. Chúng ta sẽ không bao giờ cần cán bộ an ninh kèm cặp đội tuyển tại các giải đấu, nếu tất cả đều ý thức ngay từ ban đầu. Nhưng, một lần nữa, đây là vấn đề hết sức nan giải của nền bóng đá.

Một nền bóng đá phá nhiều vì mục tiêu cá nhân, thì nói gì đến chuyện thương hiệu?

Việc VPF ra đời cách đây 3 năm được cho là một cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của nền bóng đá bán chuyên lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, có thể thấy là VPF vẫn hoạt động chưa đạt hiệu quả so với kỳ vọng.

Các sản phẩm bóng đá làm ra chưa bán được, trong khi các sự vụ tiêu cực, nạn dàn xếp tỷ số…, cứ bung bét. Đụng đâu cũng bể, cũng vỡ. Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ chết yểu, nếu người trong cuộc chỉ lo vá. Ai hơi đâu mà lo thương hiệu.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm