Ứng xử văn hóa với di tích văn hóa

27/01/2013 08:29 GMT+7

Trong 10 năm, vua Po Rome: vừa mất 3 bà vợ còn mất luôn vương miện 2,7kg vàng.

1. Ngoài bức tượng nhà vua, tháp Po Rome (Ninh Thuận) còn có ba bức tượng hoàng hậu: Bia Than Can, Bia Than Cih và Bia Út (tức công chúa Ngọc Khoa, con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên).

Họa sĩ Đàng Năng Thọ cho biết cả ba bức tượng này có chung phong cách, cùng kích thước (cao 70cm, rộng 50cm) mà chỉ khác nhau ở một số họa tiết trang trí.

Cùng với ngôi tháp chính tương đối còn nguyên vẹn, đây là các di tích còn lại trong sương mù của truyền thuyết lịch sử từ gần bốn thế kỷ qua.

Dù sao người Chăm và cả người Raglai tỉnh Ninh Thuận luôn trân trọng chúng. Họ xem cụm tháp này là một trong ba địa điểm linh thiêng để thờ phụng và cúng tế trong các ngày lễ tôn giáo - tín ngưỡng trang nghiêm của cư dân trong khu vực.

Tuy nhiên, dòng đời đã không trôi êm ả, phẳng lặng chút nào. Trước tiên là cửa chính ngôi tháp bằng đá bị đập vỡ từ đầu thập niên 1950 và đã được thay bằng cửa gỗ. Cùng thời gian đó, tượng Shiva ở chính diện tháp không cánh mà bay. Đau hơn nữa là sự cố năm 1982, khi vương miện ngài với hơn 2,7kg vàng ròng bị đánh cắp bởi hai tên đại gian ngay tại ngôi miếu nằm trong làng Hậu Sanh.

Không chịu ngưng lại đó, ngày 20-7-1991 tượng Bia Than Cih bị bọn xấu đập vỡ ngang phần dưới chở đi. Ba hôm sau bức tượng được tìm thấy và mang gắn trở lại để rồi mất hẳn vào ngày 11-3-1993. Còn tượng Bia Than Can trong tháp thì bị kẻ trộm cạy cửa cắp đi ngay đêm Katê một năm sau đó (6-10-1994). Riêng tượng Bia Út, vào năm 1986, ông Trần Văn Tấn - nguyên trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Ninh Phước, mang cất giữ cẩn thận ở nhà riêng của ông. Sau đó tượng này được ông trang trọng trả về cho Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận bảo quản. May mắn thay!

Như vậy chỉ trong khoảng mười năm, Po Rome đã phải chịu cảnh đơn chiếc trong đền tháp: vương miện không còn, ba bà vợ bị mất, cả châu thân ngài cũng bị đục sứt mũi, mẻ trán (kẻ gian thử xem có phải chất liệu quý). Rồi thì biết ra sao ngày sau...

2. Ở khía cạnh khác. Là người VN không ai không một lần nghe tên di tích Mỹ Sơn, nhất là khi khu di tích này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào cuối năm 1999. Ở đó, tên tuổi Kazik gắn liền với công trình phục dựng khu di tích vô giá nhưng gần như đã trở thành phế tích này.

Chiến tranh kết thúc. Khu di tích Mỹ Sơn đầy rẫy bom mìn. Thêm rừng núi hoang sơ, “thành tan tháp đổ” với cây cối um tùm, chằng chịt. Kazik từ trời Âu đã tình nguyện đến đó. Yêu Mỹ Sơn và sống chết cùng Mỹ Sơn, ông quyết phục dựng nó. Phục dựng, ông tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc căn bản nhất của trường phái “trùng tu khảo cổ học” được chuyên gia hàng đầu thế giới công nhận. Chưa khám phá ra cách chế tác gạch, chưa hiểu người Chăm đã pha chế chất kết dính thế nào, ông chỉ dùng vật thay thế. Thay thế tạm thời. Hãy để dành lại phần cốt yếu nhất cho con cháu đời sau kế tục.

Có vậy thôi, từng tí từng tí một, ông đã dựng dậy Mỹ Sơn để thế giới chiêm ngưỡng vẻ đẹp huy hoàng của khu di tích suốt tám thế kỷ con người xây dựng. Nó khác xa cả trời vực với cách phục chế và “tôn tạo” xảy ra mới đây ở Ba Tháp - Ninh Thuận. Gạch mới, hồ mới, và bao nhiêu thứ mới khác độn vào, tháp vào, ghép vào thân hình tháp, đến nỗi người thưởng ngoạn ghé qua không còn nhận ra khuôn mặt thật của tháp đâu nữa.

3. Đó là các di tích sắp thành phế tích. Ngay cả các di tích tương đối còn lành lặn, lối ứng xử của ta cũng chẳng lấy gì làm... văn minh cho lắm. Xung quanh tháp Po Klaung Girai ở Ninh Thuận, khu tháp đẹp, và có thể nói là còn nguyên vẹn nhất trong số “di sản” tháp Chăm tại VN, du khách rùng mình trước bao nhiêu vết ố bẩn, nét vẽ bậy lên thân tháp. Kẻ vô danh muốn “lưu danh” bằng cách ký sinh tên tuổi mình lên gạch tháp, thậm chí còn đục khắc lên bia đá của tháp.

Với những kẻ vô tâm là vậy. Ngay với những người nhiệt tình với tháp, yêu tháp, lo cho tháp, và đang gánh trách nhiệm bảo quản tháp, đôi khi vẫn cứ làm hại tháp, góp phần mình làm cho di tích xuống cấp mà không biết. Như ban quản lý tháp Po Xah Inư ở Bình Thuận vừa qua, vì cần mắc bóng điện thắp sáng tháp mà đã phải đóng đinh vào gạch tháp - theo như nhà báo Hà Thanh Tú báo động trên báo Bình Thuận ngày 28-12-2012 - chỉ là một trong những cách ứng xử tai hại và tệ hại như vậy.

Thương thay!

Theo Tuổi trẻ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm