Vẫn còn tư tưởng: làm xong phim là hết trách nhiệm

25/09/2014 08:14 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đăng tải loạt bài về phim Nhà nước đặt hàng, trong đó có sự việc Sống cùng lịch sử thất thu khi chiếu thương mại, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đình Tân - người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL.

Ông Phan Đình Tân nêu quan điểm của Bộ VH,TT&DL về sự việc:

- Trong việc này, nhiều báo đã đưa ra những đánh giá, những nhận định khách quan, tuy nhiên cũng không thiếu những báo đưa tin kiểu “ăn theo” với những chỉ trích thiếu tính xây dựng. Tôi nghĩ trước sự việc, tất cả phải cần tĩnh tâm để nhìn nhận cho khách quan hơn, nên tránh phán xét dựa vào ý kiến chủ quan của ai đó.

Tôi cho rằng, phim lịch sử phục vụ mục đích chính trị, không thể hấp dẫn để bán được nhiều vé như phim thị trường. Làm phim lịch sử rất khó, nên chúng ta cũng không nên quá cầu toàn.

Tất nhiên cũng phải thừa nhận chúng ta làm ra ít phim hay, khâu quảng bá lại quá yếu. Chuyện này Bộ trưởng đã chỉ đạo, vì ngành văn hóa cũng có rất nhiều báo, tạp chí và các phương tiện tuyên truyền quảng bá khác, nhưng ngành điện ảnh chưa tận dụng được thế mạnh này. Việc Thể thao & Văn hóa lên tiếng và công luận xót xa khi phim sản xuất ra không bán được vé cũng là đúng thôi.


Ông Phan Đình Tân

* Quảng bá kém thì phim không bán được vé, tôi nghĩ hãng phim nào cũng biết điều này, nhưng tại sao không ai chịu thay đổi, có khó khăn gì về cơ chế chăng?

- Không có khó khăn gì cả. Các hãng phim hoàn toàn có thể chủ động trích ra một khoản kinh phí để quảng bá. Những người làm phải tự bàn bạc với nhau. Có thể thấy ở đây nhận thức về quảng bá phim còn kém, thậm chí, đâu đó còn có tư tưởng: làm xong phim là hết trách nhiệm.

* Nếu đúng như thế thì quy trách nhiệm này cho ai, thưa ông?

- Về quản lý nhà nước thì Cục Điện ảnh có phần nào trách nhiệm, còn lại hãng phim được giao trực tiếp phải chịu trách nhiệm, đặc biệt đáng lẽ bản thân đạo diễn cũng phải có trách nhiệm kiến nghị đề xuất với cơ quan quản lý.

* Có hãng phim Nhà nước phân trần là phim được cấp 21 tỷ đồng nhưng phải rót gần một nửa tiền về để nuôi bộ máy của hãng, nên chỉ còn già nửa để làm phim. Ông có thể giải thích về cơ chế phân chia này?

- Ngân sách từ Bộ Tài chính, Bộ VH,TT&DL cấp về cho Cục Điện ảnh hoặc các hãng phim, nên việc cấp tiền cụ thể thế nào cho các hãng phim thì phải hỏi họ.


Giữa “cơn bão” dư luận, cơ quan liên quan vẫn chưa có ý định đưa Sống cùng lịch sử trở lại rạp chiếu?

* Theo quy định phải đấu thầu kịch bản, kịch bản nào tốt mới được chọn làm phim. Nhưng có thông tin, Sống cùng lịch sử, Nhà tiên tri do Bộ chỉ định cho Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam làm, không qua đấu thầu, làm như vậy có đúng quy định không, thưa ông?

- Về hai bộ phim cụ thể thế nào phải hỏi Cục Điện ảnh. Còn đúng là có quy định về đấu thầu và quy định đó được thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có những dịp kỷ niệm, thời gian gấp quá thì cấp có thẩm quyền quyết định chỉ định giao cho những hãng phim nào có năng lực thực hiện để kịp tiến độ. Chỉ định thầu do cấp có thẩm quyền quyết định, không phải thích làm thế nào thì làm.

* Phim Nhà nước không đặt mục tiêu bán vé có phải như thế không?

- Phim Nhà nước là một trong những sản phẩm văn hóa nghệ thuật phục vụ mục tiêu chính trị, phi lợi nhuận, được Nhà nước bao cấp. Tất nhiên ai cũng muốn ngoài mục tiêu chính trị ra thì còn bán được vé có lãi để tái đầu tư, nếu được điều đó là tuyệt vời. Nhưng cũng đừng nên tham vọng quá.

* Nhưng phim làm ra không bán được vé, người dân có quyền đặt câu hỏi tiền thuế đã được chi hiệu quả hay chưa?

- Đúng thế, không riêng gì phim Nhà nước mà rất nhiều công trình công cộng và công ích khác sử dụng từ ngân sách, nhưng không phải công trình, sản phẩm nào cũng đều mang lại lợi nhuận cụ thể. Không ai mong muốn một bộ phim tồi, từ đạo diễn cho đến tất cả những người tham gia từng công đoạn của bộ phim. Trong giai đoạn này kinh tế đang khó khăn, bỏ ra số tiền hàng chục tỷ đồng đâu có nhỏ, nên cần thiết phải rút kinh nghiệm để thay đổi tư duy và cách làm trong thời gian tới.

* Sự trì trệ của ngành điện ảnh diễn ra hàng chục năm nay rồi, Bộ VH,TT&DL có kế hoạch gì để thay đổi?

- Điện ảnh là một ngành nghệ thuật tổng hợp, mà sự phát triển dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, vì vậy đối với một đất nước còn nghèo như Việt Nam thì ngành điện ảnh vẫn còn nhiều yếu kém không chỉ hơn 10 năm nay.

Biết được điều đó, lãnh đạo Bộ đã hết sức quan tâm và chỉ đạo cần phải thay đổi cách làm phim, tư duy làm phim và cách tuyên truyền, không thể chấp nhận làm kiểu cũ mãi được. Một phim làm ra, nếu không hay, tiêu tốn tiền thì dân xót xa là đúng. Nhà nước luôn tạo điều kiện, hỗ trợ ngành điện ảnh, nhưng cơ quan quản lý điện ảnh, những nhà làm phim cũng nên nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, sơ suất của mình để rút kinh nghiệm thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm