Khoảng trống mênh mông sau bộ phim 21 tỷ đồng

22/09/2014 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Người ta đang bàn tán về bộ phim Sống cùng lịch sử được nhà nước đầu tư 21 tỷ nhưng có rạp không bán nổi một vé. Hẳn nhiên, phần đông là chê trách và bức xúc.

Đạo diễn cho biết, trong số 21 tỷ đồng đầu tư, chi phí dành cho quảng bá phim chỉ khoảng 50 triệu. Kinh phí làm phim nhà nước, dù nhiều hay ít, thì mọi thứ từ nhuận bút đến tiền mua phim nhựa, tiền làm banner quảng cáo đều theo barem bất di bất dịch được ban hành từ những năm 1991-1992.

Đấy là lỗi của đạo diễn, hãng phim hay cơ chế. Có tương tự câu chuyện một đơn vị để tin học hóa văn phòng, thực hiện hành chính điện tử, nhu cầu thực tế là nâng cấp giao diện, server, hệ thống quản trị, đường truyền... Nhưng cuối cùng người ta cho thay một loạt máy tính và bàn làm việc mới. Tất nhiên bàn làm việc có để máy tính nên nó cũng được tính luôn vào “tin học hóa”. Như thế, dễ nghiệm thu.

Nhưng với nhiều người, họ đã có một minh chứng sống động để chứng tỏ rằng, nếu các ông làm phim như thế là “chết”, phải giải trí, phải thị trường phải thế này thế kia. Họ có một phản mệnh đề. Tuy nhiên, cái đối lập với cái sai, chưa chắc đã là cái đúng mà có thể là một cái sai ở thái cực khác. Cũng như khối phim tư nhân tiền tỷ nỗ nặng dẫn đến nhà đầu tư phá sản.

2. Từ lâu, cái tư duy mình là nạn nhân thời cuộc đã ngấm vào nhiều người. Hễ cứ nghe thành công của người khác, cảm giác đầu tiên là ghen tị, thấy thất bại của người khác thì hả hê. Đó là một hiện tượng xã hội thời kỳ nào cũng có như hàng trăm năm người ta kèn cựa nhau ở sau lũy tre làng hay hàng chục năm trong những khu tập thể thời bao cấp. Đời sống nghệ thuật cũng khó tránh khỏi, nhất là trước một bộ phim được đầu tư như thế.

Một bài viết về phim Sống cùng lịch sử nhận được hàng vạn chia sẻ trên facebook. Người dùng Internet thể hiện tiếng nói của mình bằng like hay comment nhưng thực tế cuộc sống không thay đổi với những cú bấm like. Một triệu like cũng không giúp thay đổi sự thật rằng bộ phim đã thất bại.

Ở đây, dù nói thế nào, sự thật vẫn là sự thật, nếu những phim kinh điển về chiến tranh là về thân phận con người sau đó mới là vũ khí, là chết chóc và chiến thắng. Một phim kể lể, nhồi nhét các sự kiện cho đủ mâm, đủ bát thì một tác phẩm điện ảnh có khác gì một cuốn sách giáo khoa lịch sử. Mà sách giáo khoa sử bây giờ, hấp dẫn thế nào không nói thì ai cũng hiểu.

Một xã hội có động lực phát triển thực sự không chỉ có sự chỉ trích phong trào, mà còn cần những gạch đầu dòng cái đúng, cái sai để cùng tìm “lối ra”. Và quan trọng là chỉ đúng người chịu trách nhiệm để xử lý và không lặp lại.

Bộ phim này để lộ một khoảng trống mênh mông, cần phải thay đổi. Có lẽ từ cơ chế - cơ chế xin cho. Nếu thấy kịch bản chưa hay, khó hiệu quả thì có xin cũng kiên quyết đừng “cho”, nhất là cái cho ấy là mồ hôi, nước mắt của đồng bào.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm