Những câu chuyện, kỷ niệm hài hước và xót xa về người hát tình ca huyền thoại được kể lại bằng cả nụ cười và nước mắt, trong không gian ngập tràn âm nhạc của tang lễ diễn ra trưa 18/2 tại nhà thờ New Hope Baptist, Newark, Mỹ.
>> Chuyên đề sự kiện: Whitney Houston qua đời
Đám tang bắt đầu trong màn biểu diễn của dàn đồng ca nhà thờ với trang phục toàn màu trắng. Bên ngoài, người hâm mộ mang theo bóng bay, nến, kiên nhẫn nhích từng bước một để tiến sát nhà thờ. Chiếc quan tài phủ đầy hoa hồng trắng cùng những đóa ly ly tím đặt trang trọng giữa không gian bao quanh bởi những người yêu thương của Whitney Houston. Gia đình, thân hữu nữ ca sĩ ngồi ngay sau bục làm lễ. Họ mặc trang phục đen và thỉnh thoảng lại đưa khăn lau nước mắt.
Hoa và nến bên ngoài nhà thờ New Hope Baptist để đưa tiễn Whitney Houston. Ảnh: AP.
|
Mục sư Joe Carter nói lời mở đầu, đón chào Whitney Houston trở về với quê nhà Newark - nơi cô sinh ra và lớn lên. "Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, trong ngôi nhà của Chúa, với trái tim vụn vỡ, để tưởng nhớ cuộc đời Whitney Houston. Whitney, cô là người đặc biệt, người đã đưa chúng tôi xích lại gần nhau, bằng âm nhạc", Carter nói, khiến hàng trăm người lặng đi.
Tang lễ của Whitney không phải là cuộc chia ly đẫm nước mắt mà như một lời tạm biệt bằng âm nhạc. Nơi đó, những giọng ca như R. Kelly, Alicia Keys… tiễn biệt người đồng nghiệp bằng những khúc hát da diết. "Chúng ta đến đây, vì một Whitney Houston đã sống, chứ không phải vì cái chết của cô" - đó dường như ý thức chung của những người bạn, người thân đến với nữ ca sĩ trong đám tang ở Newark. Họ nhẹ nhàng kể lại những kỷ niệm về cô. Có những chuyện vui xen lẫn những ca từ đau xót rằng: “Tôi nhớ giọng em, tôi nhớ vẻ rạng rỡ của em”, rằng “Chúng tôi sẽ luôn luôn yêu em", hay đơn giản chỉ là nhắc lại một lời hát quen thuộc của cô trong ca khúc The Greatest of All - "I decided long ago/ Never to walk in anyone's shadow"... (Từ lâu rồi tôi đã dứt khoát/ Không bao giờ bước dưới bóng của một ai).
Ca sĩ Tyer Perry chia sẻ ấn tượng của ông về tình yêu mà Whitney dành cho Chúa: “Có một sức mạnh giúp Whitney vượt qua những trắc trở của cuộc đời, sức mạnh đưa cô chinh phục các bảng xếp hạng và bán được hàng chục triệu bản ghi âm…. đó là tình yêu dành cho Chúa. Thế nên, giờ này, Chúa đã bên ở cô ấy và cô ấy đã được hát với những thiên thần trên thiên đàng”.
Kevin Costner - “người vệ sĩ dịu dàng và đầy thương yêu của Whitney” trong The Bodyguard - bắt đầu bài phát biểu với giọng điệu buồn thương: “Hôm nay là ngày trở về của Whitney Houston”. Nhưng câu chuyện ông kể về nữ ca sĩ chứa đầy kỷ niệm ngọt ngào về diva hay cười và có khuôn mặt rạng rỡ, khiến cử tọa vừa mỉm cười vừa chan hòa nước mắt.
Tài tử Kevin Costner có bài phát biểu gây xúc động.
Tài tử của Nhảy múa với bầy sói cũng chia sẻ những ấn tượng về Whitney trong thời gian hai người đóng The Bodyguard - bộ phim mà Whitney vào vai nữ chính Rachel Marron và là người thể hiện ca khúc I Will Always Love You khiến hàng triệu người đắm say. "Whitney, em không chỉ người hát tài năng, mà còn là người hát xuất sắc. Em hát chay ca khúc khó nhằn đó mà không cần ban nhạc. Rất nhiều nam diễn viên khác có thể đảm nhận tốt vai của tôi. Nhưng em thì, tôi hoàn toàn tin rằng, em là người duy nhất có thể vào vai Rachel Marron. Em không chỉ đẹp, mà là hình ảnh đẹp nhất mà một người phụ nữ có thể có được. Và mọi người không chỉ thích em. Whitney, mọi người yêu em”. Bài phát biểu của Costner được đánh giá là “chân thành và xúc động”, là cách nhanh nhất để những người chưa biết rõ Whitney có thể hiểu cô tường tận nhất.
Alicia Keys khi được mời lên phát biểu đã khóc giàn giụa. Một ca sĩ trong dàn đồng ca phải mang tới cho cô chiếc khăn để lau nước mắt. Trong ký ức của Alicia, Whitney là một ca sĩ đàn chị, rất tôn trọng và luôn tận tình dìu dắt các giọng ca trẻ. Cô nói rồi vừa hát, vừa khóc, vừa đàn piano ca khúc Prelude to a Kiss dành tặng linh hồn Whitney.
Alicia Keys lau nước mắt khi phát biểu, rồi nghẹn ngào cất giọng hát.
Clive Davis - nhà sản xuất âm nhạc đã phát hiện ra tài năng và đồng hành cùng sự nghiệp rực rỡ của Whitney - nhớ lại những kỷ niệm về nữ ca sĩ khi cô còn trẻ. Trí nhớ của ông đầy ắp câu chuyện về những ngày hai người luyện tập. Theo Davis, diva tương lai là một cô gái biết lắng nghe, thích học hỏi. Davis kể, Whitney không bao giờ để ý nghĩ “ta là một giọng ca trời phú” xuất hiện trong đầu mình. “Tất cả những gì tôi muốn nói là tôi yêu cô ấy rất nhiều. Whitney thuần túy và đơn giản là một người tốt. Đúng, cô từng thừa nhận đã nghiện ngập, đã chiến đấu với rượu và ma túy. Nhưng mỗi khi tôi cần, cô luôn có mặt. Cô là người bạn trung thành".
Ông cũng gửi tới con gái Bobbi Kristina của Whitney lời nhắn nhủ: "Bobbi, cháu cũng thế, hãy luôn tự hào về mẹ. Mẹ yêu cháu rất nhiều. Mẹ cháu không chỉ là một tài năng, mà là một trái tim, một tâm hồn ấm áp. Mẹ sẽ luôn dõi theo cháu và sẽ không bao giờ để cháu tuột khỏi tay mình đâu”.
Còn Stevie Wonder, sau bài phát biểu dài, danh ca khiếm thị gây xúc động bằng những lời xót xa trong ca khúc viết riêng cho Whitney Houston: “Hết rồi Whitney, em sẽ không còn phải khóc nữa”. Cả khán phòng nhà thờ đã đứng dậy khi nam ca sĩ kết thúc bài hát của mình.
Lễ tang của Whitney sẽ ngắn gọn và lắng đọng hơn nếu Ban tổ chức kiểm soát thời gian tốt hơn. Với tình cảm quá nồng nhiệt dành cho nữ ca sĩ, nhiều khách mời mang tới những phần phát biểu quá dài dòng. Thậm chí, Marvin Winans còn chiếm diễn đàn hơn 30 phút để nói những lời trùng lặp và có phần sáo rỗng.
Kết thúc buổi lễ, trong giai điệu I Will Always Love You, linh cữu Whitney được đưa ra xe về nơi an nghỉ cuối cùng. Mẹ và con gái danh ca theo sau quan tài, bước đi trong sự dìu đỡ của người thân.
Sau khi phá hỏng cuộc đời Whitney Houston bằng rượu và ma túy, chồng cũ Bobby Brown tiếp tục phá hỏng đám tang của vợ cũ. Trái ngược với thái độ thiết tha được tiễn đưa vợ hết chặng đường cuối cùng, anh ra về khá sớm. ABCnews đưa tin, ca sĩ R&B bất ngờ rời khỏi tang lễ ngay khi nó vừa bắt đầu. “Anh ta ra về trên chiếc Cadillac Escalade cùng hai đứa con riêng là Landon và LaPrincia". Theo TMZ, Bobby bỏ dở buổi lễ do tức tối vì không có đủ chỗ ngồi. Cánh phóng viên quan sát, nam ca sĩ mang theo 9 người nữa tới dự đám tang, trong khi giấy mời chỉ cho phép anh đi cùng 2 người.
2 tiếng trước khi tang lễ bắt đầu, khách mời đã lần lượt xếp hàng dài phía ngoài nhà thờ. Mục sư Jesse Jackson là một trong những người đến sớm nhất. Gọi Whitney Houston là "món quà của Chúa", ông chia sẻ với đông đảo phóng viên về cái chết bất ngờ của cô rằng: "48 năm không phải là dài. Đôi khi, những ánh sáng huy hoàng lại vụt tắt trong khoảnh khắc. Nhưng một khi chúng ta có được khoảnh khắc ấy, ta sẽ được rọi sáng. Chúa mang Whitney đến cho chúng ta theo cách như vậy".
Đã để con gái mình cống hiến cho công chúng suốt hàng chục năm trời, nên trong những giây phút cuối cùng, nhà Houston muốn được riêng tư ở bên nhau. Vì vậy, gia đình diva hạn chế số lượng khách mời, để đến với cô là những người bạn, người đồng nghiệp thân thiết nhất. Trước đó, tối 17/2, gia đình Houston đã chia tay Whitney trong một lễ tưởng niệm mang tính chất riêng tư - nơi mà rũ bỏ mọi hào quang, diva huyền thoại trở về là Nippy nhỏ bé như cách mà những người thân yêu vẫn thường gọi tên cô. Sau tang lễ, Whitney Houston sẽ vĩnh viễn yên nghỉ cạnh bố mình - ông John Russell Houston - tại nghĩa trang Fairview, ở Westfield, ngay gần nơi cô đã sinh ra và lớn lên.
Whitney Houston - giọng ca được đánh giá là ngọt ngào nhất trong thế hệ cô - đột ngột qua đời hôm 11/2 trong phòng khách sạn Beverly Hilton, Los Angeles, Mỹ. Nguyên nhân cái chết vẫn đang được điều tra. Sự ra đi của nữ ca sĩ da màu đã nối dài bi kịch của những ngôi sao chết trẻ trong làng showbiz thế giới.
Trong sự nghiệp của mình, Whitney Houston đã giành được 6 giải Grammy danh giá, tiêu thụ được 200 triệu bản thu âm trên toàn thế giới và để lại cho nhân loại hàng loạt tình ca bất hủ như Saving All My Love For You, I Will Always Love You, The Greatest Love of All...
Theo VnExpress