Sách 'Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975': Để giới trẻ hiểu về một giai đoạn lịch sử

11/09/2014 07:52 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 10/9, họa sĩ - nhà giáo nhân dân Uyên Huy có buổi ra mắt sách Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975 do NXB Mỹ thuật ấn hành. Sách dày hơn 650 trang với nhiều tư liệu và hình ảnh quý được tác giả sưu tập từ năm 1990 đến nay.

Dù tên sách Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975, nhưng nội dung cuốn sách không chỉ đề cập đến chuyện mỹ thuật, mà đã đặt mỹ thuật trong bối cảnh lịch sử chung của một vùng đất. Thời gian cuốn sách nhắc đến trước cả mốc 1900 khi người Pháp củng cố sự thống trị thực dân  của họ tại Việt Nam và cả Đông Dương.

“Cái nôi” của mỹ thuật hiện đại

Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975 là một công trình lớn được họa sĩ Uyên Huy ấp ủ từ năm 1990 đến nay mới hoàn thành. Lý do ông viết cuốn sách này, là vì ông mong muốn giới trẻ yêu mỹ thuật hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử. Theo ông: “Năm 1954 đất nước chia đôi theo Hiệp định Geneve mãi đến hơn 20 năm. Chính sự chia cắt trong thời gian dài nên nhân dân hai miền ít thông tin về nhau. Lĩnh vực mỹ thuật hoặc nghệ thuật nói chung tại miền Nam cũng vậy, từng bị đánh giá khá nặng nề do thiếu thông tin. Tôi hy vọng cuốn sách này, tuy còn thiếu sót, nhưng sẽ giúp phần nào cho các bạn trẻ hiểu hơn về mỹ thuật của đất Sài Gòn - Gia Định một thời”.

Họa sĩ Uyên Huy tại lễ ra mắt Sách "Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975"

Mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định có những đặt thù riêng, mốc thời gian phải tính từ khi các chúa Nguyễn mở cõi vào Nam, và đó là sự giao thoa giữa các nền văn hóa: Phù Nam, Chăm Pa, Chân Lạp, Khmer, Óc Eo, Tiền Ăng-Co, Ấn Độ, Trung Hoa… Dấu ấn lớn nhất thể hiện sự phát triển của mỹ thuật vùng đất này khi người Pháp mở hai trường mỹ thuật đào tạo nghệ thuật thủ công và trang trí tại Bình Dương (năm 1901) và Đồng Nai (1903); và trường vẽ Gia Định vào năm 1913. Ba ngôi trường này tạo thành tiền đề để năm 1925, Pháp mở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, đào tạo mỹ thuật hàn lâm cho cả khu vực Đông Nam Á và sản sinh ra nhiều danh họa sau này. Như vậy, có thể xem đất Sài Gòn - Gia Định là một trong những “cái nôi” của mỹ thuật hiện đại tính từ khi người Pháp đặt chân đến.

Gặp lại nhiều họa sĩ quen tên

Như đã nói ở trên, Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975 đặt trong bối cảnh lịch sử chung. Khi chiến tranh lan rộng (1963 - 1975), nảy sinh tâm lý phản chiến trong giới văn nghệ sĩ, không chỉ âm nhạc, văn học… mà mỹ thuật cũng thể hiện ý tưởng này. Chẳng hạn: “Năm 1970, chàng thanh niên Phạm Văn Hạng (khi ấy chưa xuất hiện trong giới mỹ thuật) đã thể hiện thái độ phản chiến của mình bằng cách dùng thịt, xương của nạn nhân chiến tranh kết hợp lại thành một hiện vật được tác giả đặt tên là Chứng tích. Kể từ đó anh dấn thân luôn vào con đường mỹ thuật, đặc biệt là sau năm 1975” (trang 129, 130).


Hiện nay, có rất nhiều giải thưởng mỹ thuật hàng năm từ địa phương đến trung ương. Thì trước 1975 cũng có rất nhiều giải thưởng từ tư nhân cho đến chính quyền, đa phần là giải của các công ty xăng dầu. Họa sĩ Uyên Huy đã hệ thống lại gần như đầy đủ các giải thưởng thời kỳ này và các họa sĩ đã từng đoạt giải. Đọc các giải thưởng này, sẽ gặp lại nhiều họa sĩ quen thuộc và thấy mục đích của các giải thưởng thật phong phú. Chẳng hạn như giải mỹ thuật Stanvac bắt đầu từ 1959 của Công ty xăng dầu Caltex để chọn ra tác phẩm đẹp dùng in lịch Xuân; và năm 1960 họa sĩ Hồ Hữu Thủ đoạt giải Nhì, giải Ba thuộc về Trương Bá Phạn tức họa sĩ Trang Phượng - sau này làm Viện trưởng Viện Mỹ thuật Hà Nội rồi Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM… Có nhiều giải thưởng kéo dài đến năm 1975, như giải mỹ thuật của công ty xăng dầu Esso (1960-1975). Điều này cho thấy, mỹ thuật tại miền Nam đã được giới tư nhân đầu tư từ rất sớm và đó cũng là một động lực để các họa sĩ làm nghề.

Họa sĩ Uyên Huy tên thật là Huỳnh Văn Mười, ông sinh năm 1950 tại Gò Vấp. 14 tuổi ông bắt đầu học mỹ thuật tại Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Năm 1974 ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Từ năm 1974 đến khi về hưu (2010), ông giảng dạy mỹ thuật tại nơi mình từng học (sau này đổi tên thành ĐH Mỹ thuật TP.HCM). Ngoài giảng dạy, họa sĩ Uyên Huy còn làm quản lý, sáng tác liên tục, viết rất nhiều giáo trình và sách nghiên cứu về mỹ thuật.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm