(Thethaovanhoa.vn) -
Mourinho có thể sẽ phải làm quen lại từ đầu với CLB mà ông từng dẫn dắt, nhưng thời thế lúc này đang đi theo chiều hướng thuận lợi cho ông.Khi Jose trở lại Stamford Bridge sau 6 năm, nhiều thứ đã thay đổi. Cầu thủ mới, quan chức mới, vấn đề cũng mới, v.v… chỉ có sức ép và Roman Abramovich thì vẫn như cũ. Jose Mourinho như trở lại một ngôi nhà mà lần cuối cùng ông nhìn thấy nó mang kiến trúc phương Đông, nhưng khi trở lại ông không thể nhận ra kiến trúc phương Tây của chính nó.
Nhưng có lẽ cũng chính vì thế, nhiệm kỳ này của Jose Mourinho có thể lâu dài hơn và cái kết của nó sẽ bớt đường đột như nhiệm kỳ đầu hơn.
Cấu trúc của Chelsea lúc này là một cấu trúc mới với Mourinho, nhưng cũng có nghĩa là sẽ không có Peter Kenyon và Avram Grant, hai con người vừa giúp và vừa phá ông trong nhiệm kỳ đầu. Họ từ lâu đã không còn nằm trong ban giám đốc Chelsea, và Mourinho sẽ có quyền lực hơn trong mắt các quan chức ngồi văn phòng của The Blues.
Sự ra đi của Jose Mourinho năm 2007 một phần khởi nguồn từ sự có mặt của Avram Grant, người được Roman Abramovich bổ nhiệm vào vị trí giám đốc kỹ thuật. Mou đã phản đối quyết định của Abramovich, bởi chiến lược phát triển của Grant rất khác với tư tưởng của “Người đặc biệt” và khi bị từ chối, ông rời CLB.
Bên cạnh đó, dù lực lượng hiện tại không hẳn là hoàn hảo, nhưng Chelsea có một thế hệ cầu thủ có thể phát triển thành ngôi sao trong tương lai (Oscar, Azpilicueta, Ramires…), những người đã thành danh (Juan Mata, Eden Hazard…) và các cựu binh vẫn còn hữu dụng (Petr Cech, Ashley Cole, John Terry, Frank Lampard…). Hàng tiền vệ của Chelsea là hàng tiền vệ ghi bàn nhiều nhất của Premier League 2012/13, và tất cả những gì Mourinho cần làm lúc này là khắc phục hàng tiền đạo.
Trong phần lớn sự nghiệp huấn luyện, Mourinho luôn tuyên truyền cho các học trò tư tưởng “chống lại thế giới” của mình, luôn tự coi mình là kẻ yếu thế khi vào trận. Tư tưởng ấy đã thất bại ở Real Madrid bởi đó là một phòng thay đồ có quá nhiều cái tôi khổng lồ và những ngôi sao lắm tiền của Real không dễ nghe lời tướng, nhưng nó đã thành công ở Chelsea khi Mourinho lần đầu tiên đến đây, và lần này cũng hứa hẹn như vậy.
Vấn đề còn lại sẽ chỉ là liệu Jose Mourinho có ở lại Stamford Bridge lâu dài hay không. Ngoại trừ Arsene Wenger và Sir Alex Ferguson (và tính thêm David Moyes), có bao nhiêu HLV ở Anh dám nói rằng họ sẽ sẵn sàng ở lại một CLB trong hơn 4 năm? Nhưng Mourinho đã giành được mọi thứ tại gần như mọi nơi ông đặt chân tới ở cấp độ CLB, và sau những năm tháng ấy, Mourinho có lẽ sẽ tập trung xây dựng di sản của mình tại Chelsea thay vì tiếp tục du hành, bởi còn gì để ông đạt được nữa đâu.
Trừ khi đột nhiên Mourinho có ý tưởng đi làm HLV trưởng ĐTQG Bồ Đào Nha mà thôi
Nguyễn Đỉnh