23/06/2015 14:32 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - LHP Tài liệu Việt Nam - châu Âu lần thứ 7 vừa kết thúc rất thành công, khi suốt 9 buổi chiếu đều chật kín khán giả. Duy chỉ một băn khoăn, sau suốt 7 mùa, chất lượng phim tài liệu của Việt Nam chiếu tại LHP dường như vẫn giẫm chân tại chỗ...
Băn khoăn này không chỉ đến từ các nhà làm phim, mà còn đến từ khán giả yêu thích phim tài liệu.
Ấm ức phim tài liệu Việt
Năm nay đã có những khán giả đặt câu hỏi chẳng cần "nể nang". Một khán giả đã nói với đạo diễn Arne Birkenstock (phim Giai điệu quê hương) trong buổi giao lưu, đại ý: phim của ngài rất hay còn phim Việt rất dở. Chia sẻ này làm khó đạo diễn và hơi khiếm nhã khi không giữ thể diện cho chủ nhà là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (TLKHTƯ). Nhưng một mặt cũng cho thấy phản ứng rất thực của khán giả với chất lượng phim tài liệu Việt Nam.
Những bộ phim tài liệu Việt Nam chiếu trong suốt 7 mùa qua vẫn có những bộ phim chất lượng khá và tốt. Một số phim tìm được đề tài độc đáo, khai thác những thông tin hấp dẫn, có thể khiến khán giả xúc động. Nhưng nhìn chung, phim tài liệu của Việt Nam chiếu tại LHP vẫn trung thành với cách làm phim có kịch bản và lời bình, người làm phim đưa cái nhìn và quan điểm của mình khiến khán giả có cảm giác bị áp đặt.
Mặt khác, kinh phí đầu tư thấp khiến nhà làm phim khó có đủ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư sâu cho đề tài. Các phim đều rơi vào tình trạng nội dung khá nông, câu chuyện dàn trải hoặc chắp vá.
Trong khi đó các bộ phim châu Âu thường tìm những đề tài độc đáo, sẵn sàng làm phim 2-3 năm, người quay phim đi theo nhân vật ghi lại toàn bộ nên tạo cảm giác rất chân thật, hấp dẫn.
Phim Giai điệu quê hương đã phát hành và trụ rạp tại Đức trong suốt 7 tuần, cho thấy một bộ phim tài liệu nếu được đầu tư công phu và thực sự hay hoàn toàn có thể ra rạp.
Ở Việt Nam hiện nay đang có Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD), Varant, Doclab chuyên đào tạo các nhà làm phim theo phong cách điện ảnh tài liệu nước ngoài, phổ biến là phong cách tài liệu trực tiếp. Những trung tâm này đang cung cấp nguồn phim tài liệu khá đa dạng và chất lượng rất tốt, nhưng hiện tại cũng chỉ chiếu trong phạm vi hẹp. Nhiều khán giả đã bày tỏ sự tiếc nuối khi không được xem phim của các trung tâm này tại LHP.
Hạn chế ở cơ chế
Bao giờ phim tài liệu Việt thay đổi cách làm? Trả lời thắc mắc này, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim TLKHTƯ cho biết: "LHP này thực chất là một sân chơi văn hóa do Hãng phối hợp với các nước châu Âu tổ chức. Năm ngoái có phim của nhà làm phim độc lập Nguyễn Thị Thắm - Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - tham dự LHP là do đơn vị đồng tổ chức là Viện Goethe mời. Còn lại về cơ bản là chiếu phim của Hãng và các nước châu Âu tham dự thôi. Kinh phí tổ chức có hạn, muốn nhiều lắm nhưng tạm thời chúng tôi mới chỉ làm được như vậy".
Đặt câu hỏi vì sao sau 7 mùa giao lưu, học hỏi mà phim của hãng không có gì thay đổi, bà Tuyết cho biết: "Qua 6 lần tổ chức chúng tôi thấy không phải khán giả nào cũng thích hoặc hiểu những bộ phim nước ngoài có tiết tấu nhanh. Phim Việt sản xuất cho khán giả Việt ở một khía cạnh nào đó tiết tấu không được quá nhanh và cũng phải có dẫn giải một chút...
Chúng tôi tự biết phim của hãng còn nhiều hạn chế, nhiều phim chưa thực sự mạch lạc, vẫn còn phải học hỏi nhiều. Sau 5 mùa chúng tôi đã tổ chức được 7 lớp học do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Nhưng để phim khá hơn, các nhà làm phim cần có thời gian để phát triển".
Có một lý do khác, hiện nay Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương 100% vốn Nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc nộp kịch bản chờ duyệt, và kinh phí làm phim chỉ có giới hạn nhất định. Do đó, để theo đuổi phong cách phim tài liệu trực tiếp, vốn không làm theo kịch bản, thời gian theo đuổi đề tài kéo dài, gần như bất khả thi với các nhà làm phim tài liệu biên chế Nhà nước.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất