14/03/2024 07:07 GMT+7 | Giải trí
Có thể nói, ở độ tuổi 37 như Hiền Nguyễn Soprano, không có nhiều những nghệ sĩ đủ "dũng cảm" vừa biểu diễn, vừa tham gia viết sách trong cùng một lĩnh vực khó như opera.
Cụ thể, tuần qua, Hiền Nguyễn cùng lúc vừa ra mắt cuốn sách khảo cứu Lịch sử Opera Ý phần I (NXB Dân trí và Omega Plus ấn hành) vừa thực hiện đêm diễn La Passione tại Phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Giọng soprano của nhạc Việt đã dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện.
Không muốn chỉ là cô giáo
* Ca sĩ thường chỉ muốn hát, còn chị lại viết cả sách. Trong khi đó, opera là một môn nghệ thuật đỉnh cao, không chỉ khó diễn với nghệ sĩ mà còn khó tiếp cận với công chúng...
- Tôi đam mê nghiên cứu và viết lách khoảng 4 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, tôi đã tham gia vào đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về xây dựng hệ thống mô phỏng hỗ trợ đào tạo thanh nhạc dựa trên công nghệ thực tế ảo. Sau đó, được thầy Gianni Kriscak động viên, tôi đã quyết định cùng ông và giảng viên Trịnh Thị Oanh nghiên cứu về Lịch sử opera Ý.
Tôi nhận thấy, đây là đề tài mà ít người đề cập đến, trong khi tài liệu để học tập opera trong nước rất thiếu. Quyết định làm sách vừa là thách thức cũng là động lực để tôi quyết định làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
* Vậy chị gặp những khó khăn gì khi tham gia vào cuốn sách này?
- Khó khăn thì nhiều, nhưng tôi nghĩ nếu mình cảm thấy khó thì sẽ không bao giờ làm được. Và tôi thấy nếu không vượt qua được, mình sẽ chỉ là cô giáo dạy học bình thường. Tôi có những đam mê và mục tiêu muốn hoàn thành trước tuổi 40. Cũng rất may, do trước đây tôi học tập tại Ý nên có những thuận lợi nhất định khi thực hiện đề tài này.
* Chị từng kể rằng lượng kiến thức học được về opera ở Việt Nam rất ít nên khi sang Ý, "mình như tờ giấy trắng". Như vậy, thực trạng đào tạo môn nghệ thuật này ở Việt Nam cần thay đổi, hay chính những sinh viên/ nghệ sĩ tương lai cần tự tìm cách trau dồi nhiều hơn?
- Tôi nói vậy là bởi âm nhạc cổ điển nói chung hay opera nói riêng được sinh ra cách đây hàng trăm năm và không phải ở Việt Nam. Khi đi sau, chắc chắn mình thiếu hụt nhiều. Nhưng quả thực, đó cũng là động lực để bản thân mỗi nghệ sĩ hãy tự tìm cách trau dồi nhiều hơn…
*Như giới thiệu, cuốn sách ra đời với hướng tiếp cận gần gũi công chúng. Vậy, sự cân bằng giữa chuyên môn, nghệ thuật và cả yếu tố xã hội - môi trường sống của opera - được phân bổ và diễn đạt như thế nào trong sách?
- Ở mỗi chương, ngoài những yếu tố chuyên môn như về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của opera… tôi và nhóm tác giả luôn lồng ghép những chi tiết, những khoảnh khắc quan trọng nhất như lễ hội, các cảnh đón tiếp hay thậm chỉ cách sinh hoạt opera của các giới quý tộc, giới bình dân… để độc giả không bị nhàm chán và cũng dễ tưởng tượng hay liên hệ sau khi đọc sách. Cuốn sách gồm 15 chương và cuối mỗi chương đều có những gợi ý nghe các tác phẩm. Đó cũng là cách để công chúng tiếp cận sinh động với opera.
Vài nét về Hiền Nguyễn Soprano
Hiền Nguyễn Soprano (tên khai sinh là Nguyễn Thị Hiền) sinh năm 1987, là ca sĩ theo đuổi dòng nhạc cổ điển & bán cổ điển. Chị tốt nghiệp thanh nhạc loại giỏi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là người duy nhất dành được hai học bổng tu nghiệp tại học viện Milan (Ý) năm 2012. Chị là một trong số những ca sĩ hiếm hoi thành thạo cả tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Pháp.
Hiện tại, ngoài công việc của một ca sĩ solo, Hiền Nguyễn đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Biết rõ con đường mình đang đi
* Để nói một cách ngắn gọn, opera trong định nghĩa riêng của chị sẽ là gì? Và chị nghĩ mình đã chinh phục được gì ở môn nghệ thuật này?
- Với tôi, opera không chỉ là hát. Tôi nghĩ mỗi nghệ sĩ khi hát opera mà hiểu sâu sắc về nguồn gốc, lịch sử của thể loại này sẽ thể hiện tác phẩm tốt hơn. Tôi thấy mình may mắn khi được đi xem nhiều vở opera, đọc nhiều cuốn sách hay về lịch sử nhưng vẫn chưa đủ. Vì thế, nếu có cơ hội, tôi vẫn sẽ qua Ý để theo học các lớp bổ trợ nâng cao chuyên môn.
Nói chung, tôi khá rõ ràng về con đường mình đang đi. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm môi trường hoạt động của mình ở TP.HCM. Còn trước mắt, tôi muốn có thể đưa cuốn sách Lịch sử Opera Ý tiếp cận nhiều khán giả.
* Nhìn lại chặng đường đã qua, chị thấy công chúng đã có những thay đổi gì trong cách tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm nói chung và opera nói riêng? Những thay đổi ấy có tác động gì tới các nghệ sĩ như chị?
- Tôi thấy tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội hiện nay, nghệ thuật hàn lâm đã được quan tâm nhiều. Cụ thể, đã có rất nhiều vở opera được dàn dựng công phu, các buổi hòa nhạc diễn ra liên tục. Nhờ đó, những nghệ sĩ opera đã có cơ hội được làm việc chuyên môn nhiều hơn. Đó là sự thay đổi đáng kể so với trước đây.
Còn với bản thân, tất nhiên tôi luôn tâm niệm việc mình cần phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp với sự thay đổi không ngừng về nghệ thuật âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Cuốn sách "Lịch sử Opera Ý"
Cuốn sách khảo cứu Lịch sử opera Ý (phần I) từ giai đoạn sơ khai đến đầu thế kỉ VXIII do giáo sư người Ý Gianni Kriscak chủ biên, đồng tác giả gồm Nguyễn Thị Hiền, Trịnh Thị Oanh. Dự kiến, phần 2 của cuốn Lịch sử Opera Ý phần II từ thế kỉ XVIII đến cận đại sẽ ra mắt vào năm 2025.
Giáo sư Gianni Kriscak (Ý), hiện đang giảng dạy bộ môn âm nhạc nhà hát tại trường Đại học âm nhạc và biểu diễn ở Graz, Áo. Ông học violin và piano tại Nhạc viện G.Tartini ở Trieste, Ý. Sau đó ông tiếp tục học piano và chỉ huy dàn nhạc tại Hamburg và Lübeck (Đức). Năm 1999, ông trở thành giáo sư và giảng dạy tại trường Đại học và Hiệp hội Opera tại Nhật Bản.
Nói về nội dung của cuốn khảo cứu, giáo sư Gianni Kriscak chia sẻ, đây là những gì mà phần ít công chúng được biết đến opera từ trước đến nay, không chỉ riêng ở châu Á mà trên toàn thế giới.
Với kinh nghiệm giảng dạy của mình ở các nước châu Á, giáo sư người Ý chỉ ra rằng: nhiều nhạc sĩ châu Á nghĩ rằng có lẽ opera có nghĩa là hát và chỉ hát trong khi bối cảnh lịch sử, lý do xã hội và thậm chí thời tiết, môi trường cũng đóng vai trò kiến tạo nên loại hình nghệ thuật này ở nơi nó sinh ra - Florence (Ý). Nên có thể nói, hiểu được lịch sử opera cũng chính là hiểu được nước Ý.
"Trong những năm nghiên cứu, chúng tôi đánh giá cao sự cống hiến và nhiệt huyết của các nhà lý luận - phê bình âm nhạc và nghệ sĩ Việt Nam trong việc nghiên cứu opera. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cần được hỗ trợ với một lượng kiến thức về lịch sử opera đồ sộ. Chúng tôi hy vọng với cuốn sách của mình, nhóm tác giả có thể đưa các nhạc sĩ và công chúng yêu âm nhạc hàn lâm nói chung và opera nói riêng gắn kết với tinh thần Ý" - giáo sư Gianni Kriscak chia sẻ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất