'Hệ miễn dịch' cho xuất bản

29/09/2014 11:00 GMT+7

Tuần này, dự kiến Đoàn thanh tra của Cục Xuất bản bắt đầu công tác thanh tra đối với Nhà xuất bản (NXB) Thời Đại, trọng tâm là vấn đề liên quan đến việc liên kết xuất bản một số ấn phẩm trong thời gian qua.

Quyết định thanh tra được cho là bắt nguồn từ những sai sót mà NXB này và các đối tác đã mắc phải trong việc xuất bản cuốn Văn hóa Việt Nam của GS Trần Quốc Vượng. Ngoài sự sai về nội dung, với một số lỗi được cho là nực cười, thiếu trách nhiệm, cuốn sách được phát hành khi chưa nộp lưu chiểu như nhận định của cơ quan quản lý xuất bản. Trong tuần qua, lỗi của NXB Thời Đại còn được nhắc tới trong việc liên kết xuất bản một cuốn sách khác - Văn hóa tộc người Việt Nam của tác giả Từ Chi, trong đó cũng có vấn đề về nộp lưu chiểu.

Đó là chưa kể, hiện đã có tin rằng đơn vị chịu trách nhiệm phát hành hai tác phẩm nói trên đã quyết định thu hồi cả hai để kiểm tra vấn đề liên quan đến chứng nhận bản quyền.

Câu chuyện liên kết xuất bản và hệ lụy từ đó đã được nói đến nhiều, lúc âm ỉ, khi bùng phát dữ dội, đặc biệt là khi xảy ra sai sót liên quan đến việc xuất bản tác phẩm "nhạy cảm" như sách dành cho trẻ em, sách có nội dung về chủ quyền quốc gia, tôn giáo… Năm ngoái, NXB Mỹ thuật và đối tác là Công ty Đinh Tỵ đã phải ra quyết định thu hồi cuốn sách về đồng dao dành cho trẻ, NXB Đại học Sư phạm phải thu hồi sách dành cho trẻ lớp 1 có in cờ Trung Quốc… Điều đáng nói là nhiều tác phẩm mắc lỗi "tày đình" nhưng chỉ được phát hiện khi bạn đọc, báo chí thông tin rộng rãi, cho thấy những lỗi này đã lọt qua mạng lưới biên tập, quản lý nội dung một cách dễ dàng.

Hậu quả có từ việc để lọt lưới ấn phẩm kém chất lượng không hề nhỏ, vấn đề là công tác quản lý chưa cho thấy giải pháp khả thi, phù hợp với diễn biến thực tế. Liên kết xuất bản là một chủ trương lớn nhằm tăng cường nguồn lực cho hoạt động xuất bản, làm tăng lượng xuất bản phẩm chất lượng, nhưng chủ trương đúng đó chưa đem lại hiệu quả cần thiết, chủ yếu do sự hạn chế về năng lực của nhiều NXB và giải pháp quản lý kém.

Một số đơn vị xuất bản coi việc "bán" giấy phép xuất bản như "nguồn sống", "bán" rồi thả cho phía tư nhân muốn làm gì thì làm (có khi "bao" cả, từ chọn sách, mua bản quyền, dịch đến biên tập, in, quảng cáo, phát hành…) chứ không thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò kiểm soát nội dung. Sự thiếu trách nhiệm từ phía NXB tất yếu dẫn đến hệ quả xấu khi có quá nhiều xuất bản phẩm chất lượng kém, nhiều "sạn" được đưa ra thị trường.

Công tác quản lý thị trường xuất bản phẩm mang tính liên ngành nhưng việc quản lý nội dung xuất bản phẩm cụ thể mang tính chuyên môn, không thể đẩy quả bóng trách nhiệm cho ngành khác và cũng không thể phó mặc cho tư nhân muốn làm gì thì làm. Thực tế cho thấy nhiều NXB hoạt động thiếu hiệu quả, công tác quản lý hoạt động xuất bản (trong đó có liên kết xuất bản) chưa được thực hiện tốt, cần phải được chấn chỉnh ngay.

Với quy trình quản lý hoạt động liên kết xuất bản hiện nay, một mặt cần có giải pháp nâng cao trách nhiệm của các NXB, mặt khác cần "nặng tay" đối với phía đối tác của các NXB, gây áp lực đủ mức để buộc họ phải có trách nhiệm với thị trường và bạn đọc. Về lâu dài, với số lượng NXB đồ sộ nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể hoạt động hiệu quả như hiện nay, cần phải có cách nào đó để nâng cao năng lực cho toàn hệ thống, giúp các NXB đủ sức từ chối những hợp đồng liên kết rõ sức cám dỗ vật chất đối với họ nhưng tiềm ẩn rủi ro đối với bạn đọc.

Theo Dục Tú
HànộiMới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm