15/01/2011 15:07 GMT+7 | Trong nước
Kể từ những năm 1990, giới khoa học Nhật Bản đã nỗ lực tìm cách hồi sinh voi ma mút thông qua biện pháp nhân bản vô tính. Năm 1997, các nhà nghiên cứu ở Đại học Kinki đã triển khai chương trình hồi sinh voi ma mút và mang về được 3 mẫu da và cơ voi còn trong tình trạng tốt, lấy từ vùng đóng băng vĩnh cửu ở Siberia. Tuy nhiên, phần lớn nhân của các tế bào chích xuất được đã bị tổn hại nặng do quá trình đóng băng kéo dài và không còn sử dụng được nữa. Kế hoạch nhân bản vô tính voi ma mút vì thế bị hủy bỏ.
Bước đột phá từ việc nhân bản xác đông lạnh
Tuy nhiên năm 2008, công nghệ nhân bản vô tính có bước đột phá lớn, khi tiến sĩ Teruhiko Wakayama thuộc Trung tâm Phát triển Sinh học Riken đã thành công trong việc nhân bản 4 con chuột từ tế bào của một con chuột khác bị đông lạnh suốt 16 năm.
Mặc dù thế giới từng tiến hành nhân bản vô tính thành công nhiều con vật đông lạnh nhưng người ta chỉ làm được điều đó khi các mô của con vật đã qua xử lý kỹ càng bằng hóa chất đặc biệt và bảo quản chúng ở nhiệt độ siêu lạnh.
Phương thức nhân bản cổ điển là đồng hóa màng của noãn bào không nhân với màng của tế bào cho bằng một dòng điện yếu đã không thể thực hiện được. Wakayama đã tìm ra phương thức khác thay thế, đó là tiêm trực tiếp nhân của tế bào cho vào trong noãn bào không nhân.
Kết quả là các phôi được tạo ra từ tế bào não đã tiến triển khả quan. Wakayama tin rằng tế bào não rất giàu đường glucose và nó đã đóng vai trò chất bảo vệ lạnh tự nhiên. Wakayama tiếp tục trích tế bào gốc từ các phôi đã tạo được và sử dụng phương pháp nhân bản vô tính truyền thống để tạo nên phôi mới. Kết quả là ông có được 4 con chuột với bộ gene giống hệt C3H/He. Cánh cửa nhân bản động vật từ những cái xác đông lạnh đã được mở toang.
Sẽ có voi ma mút sau 5 năm tới
Giáo sư Akira Iritani, người đang nuôi hy vọng có thể đưa voi ma mút trở lại cuộc sống
Với thách thức lớn nhất đã vượt qua, người Nhật lại mơ tới việc tái sinh voi ma mút, loài dã thú từng ngự trị trái đất cách nay 10.000 năm. “Các bước chuẩn bị để hiện thực hóa mục tiêu này đã được tiến hành” - giáo sư Akira Iritani, lãnh đạo nhóm nghiên cứu ở Đại học Kyoto nói.
Dựa trên kỹ thuật của Wakayama, nhóm Iritani đã phát triển một kỹ thuật trích nhân của các tế bào voi ma mút, với chỉ 2-3% đang trong tình trạng tốt, mà không gây hư hại tới chúng. Mùa Xuân năm ngoái, nhóm nghiên cứu mời Minoru Miyashita, một giáo sư ở Đại học Kinki đã từng lãnh đạo chương trình nhân bản vô tính voi ma mút 1997, tham gia dự án.
Miyashita đã đề nghị các vườn thú trên khắp nước Nhật cung cấp các tế bào trứng, nếu một con voi cái chẳng may qua đời, để có phương tiện chứa nhân tế bào voi ma mút. Nhóm cũng mời lãnh đạo phòng nghiên cứu voi ma mút của Nga và 2 nhà nghiên cứu voi châu Phi người Mỹ tới tham gia dự án.
Theo kế hoạch, Iritani sẽ đi tới vùng Siberia vào mùa Hè này để tìm kiếm những con voi ma mút trong vùng đóng băng vĩnh cửu và mang về một mẫu da hoặc cơ rộng chừng 3cm2. Nếu không thành công, giáo sư sẽ đề nghị các khoa học gia người Nga cung cấp mẫu da và cơ voi ma mút từ những con voi mà họ đã tìm thấy.
Khi một phôi voi ma mút được tạo ra, Miyashita và các nhà nghiên cứu Mỹ, vốn là chuyên gia về thụ tinh ống nghiệm, sẽ có trách nhiệm chuyển phôi vào một con voi châu Phi để nó thụ thai. Iritani ước tính sẽ phải mất thêm 2 năm nữa trước khi những con voi châu Phi có thể được thụ thai và con voi ma mút tái sinh đầu tiên chỉ xuất hiện sau thời gian mang thai kéo dài 600 ngày.
“Tỷ lệ nhân bản vô tính gia súc cho tới gần đây rất tồi nhưng hiện đã dừng ở mức 30%” - Iritani lạc quan đánh giá - “Tôi nghĩ chúng ta có một cơ hội thành công đáng kể và một chú voi ma mút khỏe mạnh có thể ra đời sau 4 hoặc 5 năm nữa”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất