08/04/2022 06:54 GMT+7 | SEA Games 32
(Thethaovanhoa.vn) - HLV Park Hang Seo muốn có Nguyễn Quang Hải ở SEA Games 31, và dù điều đó khó thành hiện thực do còn phụ thuộc vào CLB chủ quản mới của ngôi sao này, thì cũng cho thấy một vài vấn đề đối với chiến dịch bảo vệ HCV của U23 Việt Nam.
Khi bóng đá phải nhận nhiệm vụ
Nếu xét đơn thuần về khía cạnh chuyên môn bóng đá, thành – bại ở SEA Games hầu như không mang đến giá trị gì. Từ 20 năm trước, Singapore đã không quan tâm đến nội dung thi đấu này, với Thái Lan thì họ cũng đã không còn đặt mục tiêu cao kể từ năm 2013 đến nay.
Bóng đá Việt Nam trước đây khao khát “giấc mơ vàng” do chưa từng đoạt HCV, thì cũng đã hoàn thành nhiệm vụ ấy ở kỳ SEA Games gần nhất. Ngay cái mục đích “tạo sân chơi cho cầu thủ trẻ” cũng không còn trọn vẹn tại SEA Games, bởi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đang nỗ lực xây dựng lại giải vô địch U23 theo chu kỳ 2 năm/lần mà chính đội tuyển trẻ Việt Nam vừa có cuộc hành trình tuyệt vời ở Campuchia mới đây.
Chưa kể, giải U23 châu Á cũng đều đặn diễn ra với chu kỳ 2 năm/lần để giúp cho các nền bóng đá nhỏ được cơ hội chơi bóng đỉnh cao. Tóm lại, đoạt HCV SEA Games không còn là một điều cấp thiết, mục tiêu bắt buộc đối với U23 Việt Nam.
Nhưng ở một góc độ khác, bóng đá là một môn thi đấu của SEA Games, và dù chỉ có một bộ huy chương thì đó lại là chiếc huy chương rất quý giá. Một đội bóng muốn đoạt HCV bóng đá phải trải qua đến 7 trận đấu trong thời gian chưa đến một tháng, mật độ thi đấu khắc nghiệt nhất thế giới.
Vì tính chất là môn thi đấu, nên về lý thuyết, đoàn thể thao nào cũng muốn đưa đến các VĐV tốt nhất trừ khi họ không thực sự đủ năng lực để đoạt chiếc HCV ở môn này. Tại SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam đạt 98 HCV, trong khi Thái Lan là 92. Rõ ràng, 2 chiếc HCV của U23 và bóng đá nữ có đóng góp không nhỏ trong lần đầu tiên mà chúng ta vượt qua Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương kể từ lần duy nhất năm 2003 khi đăng cai SEA Games trên sân nhà. Những chiếc HCV ấy khiến cho mọi thứ thành công một cách trọn vẹn.
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Trên tinh thần “ít nhưng chất”, nước chủ nhà đã cố gắng bỏ bớt các môn thi đấu ngoài Olympic nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của sự kiện, điều này dẫn đến việc tranh chấp huy chương sẽ căng thẳng hơn, các đoàn thể thao sẽ gửi những VĐV tốt nhất đến tranh tài.
Khi ấy, bất kỳ HCV nào cũng quý, và đương nhiên HCV bóng đá lại càng thêm có ý nghĩa. Trong mục tiêu đoạt nhiều HCV nhất có thể nhằm hướng đến ngôi số 1 toàn đoàn đầu tiên kể từ năm 2003, bóng đá Việt Nam nhận nhiệm vụ cao nhất ở cả 4 nội dung bóng đá tham dự Đại hội.
Như vậy, đây không còn là chuyên riêng của bóng đá. Trên tinh thần ấy, việc U23 Việt Nam phải dùng đến những con người tốt nhất, tận dụng mọi điều kiện tốt nhất từ quy định, cũng là điều có thể hiểu được.
Và mối lo của HLV Park Hang Seo
Bên cạnh yếu tố đóng góp vào thành công chung của một nội dung thi đấu, thì xét khía cạnh chuyên môn, có nhiều lý do để HLV Park Hang Seo cân nhắc đến việc dùng các suất dành cho 3 cầu thủ trên U23.
Đấu trường chính của U23 Việt Nam là VCK U23 châu Á sẽ diễn ra ngay sau SEA Games nên đây sẽ là một trải nghiệm quan trọng cho các cầu thủ trẻ. Ở giải U23 Đông Nam Á, một số cầu thủ đã được thử thách và SEA Games là cơ hội để chúng ta có thêm một dịp ráp nối đội hình.
HLV Park Hang Seo sẽ không dẫn dắt U23 tại đấu trường châu Á, nên nếu bảo vệ chiếc HCV SEA Games thành công thì đấy cũng là một sự chuyển giao có ý nghĩa cho tân HLV. Hơn nữa, nếu dùng 3 cầu thủ trên 23 tuổi, cũng sẽ tránh cho một vài trụ cột của U23 không chịu rủi ro về chấn thương phút cuối.
Nhưng trên hết, có thể thấy là HLV Park Hang Seo không yên tâm về đội ngũ U23 Việt Nam hiện tại với mục tiêu đoạt HCV SEA Games. Không giống như đội tuyển quốc gia, có thể duy trì được đẳng cấp một thời gian dài nhờ sự ổn định của đội ngũ, tại sân chơi của tuổi U, mỗi giải đấu có thể là một đội hình hoàn toàn khác so với kỳ giải trước đó.
Vấn đề là từ đó đến nay, bóng đá Việt Nam đang hụt hẫng tuyến kế thừa. Chiếc HCV ở SEA Games cách đây 3 năm, có sự đóng góp của rất nhiều cầu thủ U23 song đến từ đội tuyển quốc gia, còn trong danh sách triệu tập cho SEA Games lần này, chỉ có 3 cầu thủ đang là tuyển thủ quốc gia.
Tuy nhiên, Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình đều không thường đá chính tại đội tuyển. Nói cách khác, chất lượng giữa 2 kỳ SEA Games là rất khác biệt, kinh nghiệm của đội hình hiện nay là rất ít, nên việc bảo vệ HCV không hề đơn giản, chưa kể các áp lực về thành tích.
Tất nhiên, gây áp lực thành tích cho các đội U không phải là điều nên làm, nhưng sự cẩn trọng của HLV Park Hang Seo có lẽ không thừa. Nếu giả sử như chúng ta thất bại tại SEA Games dù đã dùng đến những con người tốt nhất cả trên sân lẫn trên ghế huấn luyện, thì đó cũng là lời cảnh báo có giá trị đến những nhà quản lý, về sự xuống cấp nghiêm trọng của các tuyến kế thừa. Đồng thời cũng sẽ giảm bớt áp lực, kỳ vọng cho chiến dịch U23 châu Á.
Dù bóng đá Việt Nam đang ở trên đỉnh của Đông Nam Á, nhưng không có nghĩa là ở những tuyến U, chúng ta là số 1. Ví dụ như SEA Games 2017, U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng nhưng chỉ sau đó 1 năm, các cầu thủ trẻ ấy trở thành á quân U23 châu Á và vào đến bán kết ASIAD 2018. |
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất