28/01/2023 17:46 GMT+7 | Văn hoá
GS-TS Trần Ngọc Thêm là tác giả rất nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu khoa học và đào tạo, đặc biệt là ở các lĩnh vực Ngôn ngữ học và Văn hóa học. Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại là một trong những cuốn sách gây chú ý nhất của ông (bản in tại NXB Tổng hợp TP.HCM vào năm 2021). Nhân dịp đầu Xuân, Thể thao và Văn hóa đã có dịp trò chuyện cùng ông, từ những giá trị Việt Nam mà ông đã đề cập.
* Những thay đổi nhanh chóng của xã hội đã khiến cho nhiều "tính cách xấu xí" của người Việt bộc lộ rõ rệt. Chẳng hạn như người Việt đi mỗi lúc một nhiều, từ trong nước ra nước ngoài, từ du học, làm việc, đến du lịch, kèm theo không ít chuyện không hay ho phát sinh. Thưa giáo sư, ông nhìn nhận "văn hóa đi" này như thế nào?
- Đúng là xã hội phát triển mọi thứ nhưng văn hóa của mình thì chưa thể thay đổi được. Người Việt ra đi trong khi chưa chuẩn bị được những phẩm chất cần thiết của "văn hóa đi". Trước kia ít tiền thì ít đi. Ít đi thì ít thấy mình xấu. Nhiều tiền, đi nhiều thì cái xấu của mình được dịp mang đi khắp thế giới.
Thí dụ nhỏ như chuyện chụp ảnh khi đi du lịch, ai mà chẳng thích, nhưng đó chỉ là một phần của chuyến đi thôi chứ không phải là tất cả. Người Việt mình tới đâu cũng lo chụp ảnh xong thì… đi tiếp, không dành thời gian quan tâm tìm hiểu nghiên cứu nơi chốn mình đến. Những hình thức đi không suy nghĩ, chỉ dừng lại ở mức đưa lên mạng xã hội cho người ta khen, là bằng lòng rồi. Người Việt mình rất dễ tự bằng lòng, không khắt khe với chính mình.
Có lần, tôi đi nước ngoài trong một đoàn, mà một học trò của mình làm phiên dịch cho đoàn. Khi người lái xe hỏi đoàn các anh từ đâu đến, học trò tôi bảo từ Thái Lan. Cậu ấy giải thích cho tôi vì ở đây người ta ác cảm với người Việt Nam, muốn đoàn mình đi suôn sẻ, nói người xứ khác cho tiện. Tôi nói với cậu ấy đây là một việc rất không nên. Dù tốt xấu gì mình cũng phải trung thành và thẳng thắng với chính mình. Cứ nói mình là người Việt Nam. Bằng chính hành động của mình trong chuyến đi, mình cố gắng làm thay đổi suy nghĩ của người ta. Thay đổi chứ không phải trốn tránh. Khi còn những người không biết mình xấu chỗ nào khi đi ra ngoài, thì đó còn trách nhiệm của truyền thông, của tất cả chúng ta.
Cho nên, phải có suy nghĩ mới thay đổi nhận thức của chính mình và thông qua đó thay đổi nhận thức chung của xã hội.
* Dịp Tết, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống được tôn vinh, người ta cũng thường hay mắc kẹt trong những "phong tục" quà cáp biếu xén, lì xì mừng tuổi…
- Vấn đề không phải là ở tục lì xì, mà do con người, khiến nó không còn là nó nữa. Người ta hiểu sai và lì xì trở thành… câu chuyện tiền nong. Ngay cả trẻ con bây giờ cũng bị ảnh hưởng bởi người lớn. Chúng chăm chăm xem người ta cho mình phong bì gì, trị giá bao nhiêu. Chúng không bận tâm rằng sở dĩ người ta chọn lì xì tờ 10 ngàn đồng ý nghĩa hơn tờ 20 ngàn vì tờ 10 ngàn màu đỏ, biểu tượng cho sự may mắn hơn màu xanh tờ 20 ngàn...
Cũng như không thể nói chuyện tặng quà cáp, nhất là trong dịp Tết là xấu, nhưng nếu không thực hiện được thì trở thành gánh nặng. Vấn đề là các phong tục gốc đều tốt đẹp, nếu duy trì theo nghĩa gốc thì không vấn đề gì. Khi bối cảnh xã hội thay đổi đi, ứng xử trong chuyện đó không còn như cũ, buộc phải thay đổi, mà khi không thay đổi được thì mình lại là "nạn nhân". Thành ra người Việt rơi vào vòng luẩn quẩn, trở thành nạn nhân của tục lệ vốn rất tốt đẹp.
Từ phong tục tốt đã biến chất đi, mang lại nhiều bất lợi hơn, ai cũng thấy, nhưng bao giờ thay đổi?
* Việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam mới đòi hỏi không phải chỉ là nhắc lại một số phẩm chất tưởng chừng như là giá trị truyền thống điển hình như yêu nước, cần cù, sáng tạo…, mà còn cần tập trung vào gây dựng và phát triển những giá trị mà xã hội và con người Việt Nam còn thiếu. Theo ông, những giá trị nào quan trọng nhất trong hệ giá trị Việt?
- Bản lĩnh và sáng tạo.
Người Việt hiện bản lĩnh rất yếu. Có người không hiểu ý này của tôi nên phản bác người Việt mình bản lĩnh đấy chứ. Đúng, nhưng đó là bản lĩnh tập thể, bản lĩnh cộng đồng. Trong khi bản lĩnh tôi muốn nói đến là bản lĩnh cá nhân. Một người nơi khác đến dự một cuộc hội nghị cấp huyện hay cấp tỉnh, sẽ thấy không ai dám nói rõ ý kiến cá nhân vì sợ khác với người chung quanh, càng sợ nữa nếu đứng nói trước cấp trên, nhưng ra quán cà phê thì tha hồ nói trời nói đất. Như thế là kém, không có bản lĩnh. Bản lĩnh cá nhân, là khi bạn đứng lên phát biểu không phải nhìn ai, xem ý người ta như thế nào.
Người ta rất sợ nói khác với mọi người, sợ có sáng kiến. Thành ra kêu gọi sáng kiến nhiều khi chỉ là hình thức, sáng kiến thực sự phải có bản lĩnh dám nói chính kiến của mình, và xã hội phải khuyến khích điều đó.
Xứ ta là xã hội cộng đồng nên bị cào bằng, tất cả ngang bằng nhau. Thấy ai thấp sẽ giúp đỡ cho bằng mọi người nhưng còn cao hơn thì coi chừng, người ta sẽ giật kéo xuống. Cho nên Nguyễn Du mới nói "chữ tài liền với chữ tai một vần".
Sáng tạo không chỉ là linh hoạt biến báo, mà còn phải nâng lên tầm sáng tạo phát minh. Người Việt có văn hóa âm tính nên thụ động, bị nhiều thứ chi phối. Không chủ động thì không có sáng tạo, không làm khác những gì người ta đã làm, nên xã hội không phát triển. Phương Tây phát triển vì mỗi người đều sáng tạo, khi có phát minh, sáng kiến thì luôn luôn được khẳng định. Người khác thấy người này có cái tốt được đánh giá cao nên cố gắng để bằng hoặc hơn. Và như thế mọi người cùng đua nhau để phát triển.
Nếu làm được, làm tốt 2 điều này: bản lĩnh và sáng tạo, thì Việt Nam sẽ có sự bứt phá, có thể sánh kịp thế giới. Tất nhiên là ước mong vậy thôi!
* Giải pháp để thay đổi dần những hạn chế và phát huy những giá trị Việt tốt đẹp là gì, thưa ông?
- Theo tôi, có 2 giải pháp. Thứ nhất, phải thay đổi từ người lãnh đạo. Đầu tiên, hiểu được vấn đề về mặt lý trí, từ lý trí ấy mới thể hiện quyết tâm, quyết tâm mới chi phối hành động, chứ không thì vẫn nói một đằng làm một nẻo.
Người lãnh đạo phải quyết tâm thay đổi, thì xã hội mới thay đổi. Nếu không thì xã hội sẽ vận hành theo quy luật của văn hóa, tức là chỉ thay đổi từ từ, rất chậm.
Thay đổi đầu tiên tôi muốn vận động, là hãy bản lĩnh và sáng tạo. Năm ngoái tôi đã bị "ném đá" rất nhiều về chuyện đừng kêu gọi "tiên học lễ hậu học văn" nữa. Phản ứng nhiều nhất là từ người bình dân. Bởi người bình dân nghĩ đơn giản: Là con cái phải ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, khi xã hội đã rối ren bao nhiêu thứ, ông là trí thức mà đòi bỏ lễ nghĩa đi, thì xã hội còn gì. Người ta phản ứng mà không thể hiểu điều ngược lại: Khi bỏ đi, con người sẽ không bị kiềm chế mà sẽ dám có bản lĩnh, trung thực với chính mình. Khi đó, mỗi người tự thay đổi mình mà không cần phải kìm nén trong vòng kim cô theo lễ nghĩa nho giáo phong kiến.
Thứ hai, không có cách nào khác hơn là giáo dục, nhà trường và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc này.
* Xin cảm ơn những trao đổi rất thẳng thắn của giáo sư!
30 thói hư tật xấu
Trong cuốn Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, bên cạnh các phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, GS-TS Trần Ngọc Thêm dành nhiều trang về "Những biến động của hệ giá trị Việt Nam truyền thống trong giai đoạn hiện đại", phân tích thói xấu trong tính cách đặc trưng của người Việt. Trong đó, đáng nói nhất là 30 thói hư tật xấu: bệnh nói xấu sau lưng, vô cảm, hám lợi, sĩ diện, háo danh, thành tích, hình thức, sùng ngoại, sống bằng quan hệ, đối phó, phong trào, giả dối, nói không đi với làm, thiếu ý thức pháp luật; nạn tham nhũng, hối lộ, quan liêu, cửa quyền; thói khôn vặt, láu cá, tùy tiện, dựa dẫm; tật ăn cắp vặt, ham vui, thích "tám"…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất