23/01/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Chữ "lễ" trong "Tiên học lễ, hậu học văn" đã được các nhà biên soạn sách quốc văn hồi đầu thế kỷ 20 giảng giải một cách ân cần, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của lứa tuổi nhỏ. "Học lễ" là tu dưỡng đạo đức, học đạo lý làm người.
1. Bạn tôi có cô con gái lớn năm nay sẽ thi vào đại học, ấy vậy mà không thích làm những công việc bếp núc hay là học những việc liên quan đến nữ công gia chánh. Cháu sợ cái việc phải vào bếp nấu ăn cho cả nhà những khi mẹ bận việc. Bố mẹ nhiều lần nhắc nhở, rồi cùng vào bếp hướng dẫn nhưng cháu chỉ làm qua loa, chiếu lệ.
Với con trai tôi, năm nay đang học lớp 11 thì lại là chuyện không chịu giặt quần áo của mình, kể cả nhà có máy giặt. Nhà có em gái học dưới vài lớp nhưng mỗi khi đi chơi xa cùng cả nhà, anh ít khi nhường em hoặc là chia sẻ cùng em việc mang xách đồ. Việc học tập ở trường của bọn trẻ thì chúng tôi không có gì phàn nàn cả nhưng quả thật là chuyện lễ nghĩa của chúng thì thực sự chúng tôi không được hài lòng.
Tôi kể cho cậu bạn nghe cuộc trao đổi với thầy giáo chủ nhiệm lớp con trai tôi. Thầy nói rằng, lứa tuổi này các cháu rất ương bướng, phải hiểu tâm lý và khéo léo trao đổi, lắng nghe thì mới hiểu được bọn trẻ. Thầy cho biết là nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, theo dõi thì thấy đúng là giờ đây bọn trẻ dường như chỉ lo việc học tốt là được, còn những lễ nghi, phép tắc ứng xử hàng ngày, quan tâm đến người khác đa số không để ý.
2. Quan sát trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nói đến lễ phép, lễ nghi, tức là biết xử sự, tôn trọng nhau. Chính trên cơ sở này mà nhà trường thường có khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", nghĩa là đến trường học trước tiên là học đạo lý làm người, sau đó mới học chữ, học kiến thức, học nghề để mưu sinh về sau.
Học đạo lý làm người tức là phải biết, phải hiểu lễ nghĩa của con cái với cha mẹ, ông bà, trò với thầy, giữa làng xóm với nhau và giữa con người với nhau.
Lý thuyết nói là như vậy, nhưng cách thực hành chữ "lễ" như thế nào cho đúng trong cuộc sống hàng ngày là chuyện khá đau đầu. Như thời chúng tôi ở vào lứa tuổi học cấp 3 (THPT bây giờ), hầu hết đều có thể làm tốt công việc nhà giúp bố mẹ. Gì chứ chuyện vào bếp nấu một bữa cơm cho cả nhà, hay là giặt bộ quần áo của mình sau khi đi học về hoặc sau những trận bóng đá là những việc hết sức bình thường. Mỗi khi nhà có khách đến chơi dù lạ hay quen, việc chào hỏi luôn được thực hiện lễ phép. Nếu như không có bố mẹ ở nhà, chúng tôi đủ tự tin pha ấm trà mời khách, đủ tự tin ngồi nghe chuyện, dạ thưa lễ phép. Còn trong bữa cơm hàng ngày, mời cơm trước khi ăn "Con mời ông bà, bố mẹ, anh chị mời cơm" là những việc không bao giờ quên. Rồi đến việc rót nước, mời tăm ông bà, bố mẹ sau khi ăn cũng được thực hiện rất nghiêm túc và vui vẻ. Những việc này có khi được bố mẹ hoặc anh chị lớn hơn dạy bảo, cũng có khi bạn bè học hỏi lẫn nhau.
Tôi thích nhất những dịp lễ Tết, khi về quê nội hoặc ngoại thăm ông bà, gặp các cụ cao tuổi trong làng lên đình hay đi lễ chùa, cho dù là không quen biết nhưng chúng tôi đều lễ phép chào hỏi, rồi chúc sức khỏe các ông các bà năm mới. Những việc tưởng chừng đơn giản như thế nhưng đã dạy cho chúng tôi cách ứng xử bên ngoài xã hội sau này, khi mà đã trưởng thành đi học rồi đi làm.
3. Những việc này bây giờ với lứa tuổi con tôi gần như không quan tâm để ý. Phải chăng chữ "lễ" bây giờ đã không còn giữ được chuẩn mực như trước đây?
Gia đình phải là nơi đầu tiên dạy bảo, hướng dẫn thực hành chữ "lễ" rồi mới đến nhà trường. Tuy rằng chỉ là những việc làm nhỏ nhặt nhưng lễ nghĩa lại giáo dục con người cách sống và hành xử phải phép, là tiền đề xây dựng nhân cách mỗi người.
Ngày Xuân năm mới, hãy gìn giữ chữ "lễ" trong các gia đình. Đấy là một giá trị trong hệ giá trị gia đình rất cần được duy trì trong cuộc sống hiện nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất