Sẽ phục dựng một số lối hát ca trù

20/03/2010 10:20 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tối 18/3, hơn 20 đào nương, kép đàn, người cao tuổi nhất là 87, người trẻ nhất là 10 tuổi đã chính khai cờ, mở ấn ra mắt Giáo phường ca trù Thăng Long tại Đình Giảng Võ, Hà Nội sau 4 năm hoạt động và liên tục phải “chạy chỗ” (hết đình Ngọc Hà rồi sang đình Cống Vị) với tên gọi cũ là CLB Ca trù Thăng Long. GS Trần Văn Khê, người đã mang nghệ thuật ca trù Việt Nam truyền bá ra thế giới từ những 1978 cũng đã đến dự và “rút ruột gan” chia vui với CLB.

Sống lại một sinh hoạt văn nghệ Thăng Long xưa Giáo phường Ca trù Thăng Long sau khi ra mắt sẽ do nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và đào nương Phạm Thị Huệ điều hành nhằm gìn giữ những nét độc đáo của nghệ thuật ca trù của người xưa để lại. Ngoài các hoạt động chung, Giáo phường sẽ phục dựng một số lối hát mang tính chúc tụng như hát mừng thọ, mừng tân gia, hát khao thưởng, đặc biệt là phục dựng lối hát thờ cửa đình - một lối hát được tổ chức vào những dịp lễ hội, ngày sinh, ngày hóa của các vị Thành hoàng làng để phục vụ trong các dịp lễ hội và dạy trống chầu miễn phí cho thính giả yêu ca trù.



GS Trần Văn Khê trò chuyện với “ông trùm” Nguyễn Phú Đẹ và đào nương Phạm Thị Huê
Đánh giá về việc ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long, Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện nỗ lực chấn hưng ca trù, làm sống lại một sinh hoạt văn nghệ cổ truyền của đất Thăng Long xưa qua tục Hát cửa đình, một trong những hình thức biểu diễn chính thống và lớn nhất của ca trù.

GS Trần Văn Khê xúc động: “Từ trước tới nay, việc ra mắt một Giáo phường Ca trù tôi mới chỉ đọc được trên tài liệu với những nghi thức không thể thiếu như trước khi ra mắt phải có giáo trống, sau đó là giáo hương, hát thét... Nhưng đến nay tôi đã tận mắt chứng kiến nghi thức ấy được thực hiện bởi lớp nghệ nhân trẻ tuổi dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân đi trước. Điều đó làm tôi yên tâm rằng truyền thống đã được tiếp nối, tre đã già, tre đang còn sống đó mà măng đã mọc, trên những “cây già” cằn cỗi đã đâm chồi, nảy lộc, cho nụ và bắt đầu nở ra những bông hoa đẹp cho ca trù”.

GS Trần Văn Khê bày tỏ hy vọng: “Tôi tin rằng, trong tương lai ca trù sẽ được các đào nương, kép đàn truyền lại cho các thế hệ trẻ kế tiếp. Vì rằng bất kể một di sản truyền thống nào của dân tộc mà chỉ có những người già biết thôi thì sau khi những người già ấy mất đi thì truyền thống đó, di sản đó sẽ theo họ mất đi, không thể phục dựng, truyền dạy được nữa”. Lời dặn dò, nhắc nhở ngay trong đêm ra mắt Cũng trong không gian của đêm Hát cửa đình tối 18/3 còn thấm đẫm chất liệu tươi mới, hơi thở đương đại qua làn điệu Nét ca trù Thăng Long - một sáng tác mới của đào nương Phạm Thị Huệ. Đây là làn điệu kết hợp với các nhạc cụ truyền thống, là sự ngẫu hứng tại chỗ của tác giả và các ca nương kép đàn trong giáo phường trên mỗi cây đàn trong nghệ thuật ca trù.

Cuối buổi ra mắt Giáo phường, GS Trần Văn Khê còn nán lại, chúc thọ “ông trùm”  Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, mừng tuổi cho Giáo phường 2 triệu đồng và chúc cho các ca nương, kép đàn vững nghề đảm đương việc phục dựng lối Hát cửa đình trở lại với đời sống đương đại.

GS Trần Văn Khê trước đó đang say sưa với những làn điệu ca trù cổ, tay đập nhẹ trên đầu gối theo tiếng đàn, tiếng phách thì sang đến làn điệu này, ông bỗng dừng lại. Chờ các ca nương, đào đàn dứt lời ông thẳng thắn nhắc nhở: Tôi nghe Nét ca trù Thăng Long  thấy chen vào trong đó có tiếng đàn của dân tộc Việt, đưa ra một tiết tấu mới làm cho ca trù có được màu sắc mới. Nhưng tôi chân thành khuyên các em khoan cho rằng cái đó là mẫu mực mà chỉ nên xem cái đó là thể nghiệm để rồi từ đó rút kinh nghiệm từ những ý kiến phê phán của bậc tiền bối mà có hướng đi tới. Tai tôi hơi bị nặng nên không biết người giới thiệu có nhắc đến nhã nhạc hay không. Nếu có giới thiệu là nhã nhạc thì tôi yêu cầu không nên dùng chữ nhã nhạc vì nhã nhạc vốn dĩ nó có một lề lối rất vững với bộ nhạc đầy đủ chứ không chỉ nghe có tiếng đàn và tiếng bộ gõ như khi nghe Nét ca trù Thăng Long...


Bảo vệ, bảo tồn vốn cổ không nệ cổ nhưng không phải và không được làm mất bản sắc của vốn cổ. Phải căn cứ vào những cái cổ để không chỉ gìn giữ tất cả những gì cha ông để lại mà phải làm giàu hơn vốn cổ đó cho mọi người thích thú, trân trọng. Đi theo hướng mới, con đường mới là vô cùng chông gai mà chưa chắc đi đã gặp, tìm đã thấy, thậm chí còn té ngã. Vì vậy, các em nên cẩn thận, khiêm tốn, nghe tất cả những ý kiến đóng góp từ thính giả, đặc biệt là ý kiến của các thầy. Làm mới vốn cổ là con dao hai lưỡi, có thể đưa mình đến chỗ thật hay nhưng cũng có thể đưa đến những điều rất dở, thậm chí là tàn phá vốn cổ”- GS Trần Văn Khê tâm sự.

Mục Đồng (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm