Hậu vụ chặt đầu phóng viên Mỹ: Cực đoan nước Anh vào tâm điểm chú ý

23/08/2014 08:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việc chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chặt đầu phóng viên Mỹ James Foley nói giọng Anh rất nặng đã buộc nước Anh phải đối mặt với câu hỏi lớn: vì đâu nước này lại trở thành một quốc gia “xuất khẩu” thuộc hàng lớn nhất các chiến binh Hồi giáo cực đoan ra nhiều điểm nóng trên thế giới?

Ngoài câu hỏi trên, đoạn video chặt đầu Foley được công bố vào đầu tuần này còn khiến người Anh băn khoăn tự hỏi rằng có bao nhiêu kẻ tiềm năng trở thành cực đoan đang bước đi trên các con phố trong nước. Chưa hết, liệu những kẻ cực đoan đó có mang theo tình trạng bạo lực trở về quê hương, sau thời gian tham chiến kéo dài ở Iraq và Syria?

Những kẻ mơ mộng cứu thế

Các chuyên gia nói rằng một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên Anh hiện dễ dàng rơi vào vòng tay của các nhóm cực đoan như IS bởi sự thay đổi cảm xúc của độ tuổi đang lớn, ví dụ cảm giác xa lạ với xã hội. Các thanh niên này thường là thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 của một gia đình nhập cư vào Anh, lớn lên trong điều kiện kinh tế khó khăn. Cuộc sống không tươi sáng khiến chúng dễ nhìn sang hoạt động thánh chiến, đã được các nhóm cực đoan khéo léo tô vẽ, trở nên hào nhoáng.


Một đoạn video chiêu mộ của IS có sự tham gia của Nasser Muthana (giữa), công dân Anh 20 tuổi từng sống ở Cardiff, xứ Wales

"Với tư cách một thế hệ thì đây là nhóm người không thể thành công như cha mẹ” - Erin Marie Saltman, một nhà nghiên cứu về chống khủng bố ở tổ chức tư vấn Quilliam nói với AFP - "Nhóm này đã trải qua những thời gian khó khăn và trong một thế giới toàn cầu hóa, bản sắc sẽ trở thành thứ càng lúc càng dễ thay đổi. Một số người sẽ... dễ tổn thương hơn trước các nhóm hứa hẹn hoạt động tử vì đạo. Họ tưởng mình sẽ trở thành một nhân vật anh hùng, tham gia vào hoạt động cứu thế”.

Tháng 6 vừa qua, Richard Barrett, cựu lãnh đạo đơn vị chống chủ nghĩa khủng bố của cơ quan tình báo đối ngoại Anh MI6, nói với hãng tin BBC rằng con số người Anh tham gia “thánh chiến” ở Iraq và Syria có thể đã leen tới con số 500.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi vài thanh niên Anh xuất hiện trong một đoạn video tuyển mộ của IS, được tổ chức tung lên mạng xã hội YouTube. “Vấn đề là khi những gã này trở về quê, anh không thể biết kẻ nào muốn trở lại cuộc sống bình thường như cũ và kẻ nào đã bị cực đoan hóa nặng nề” – ông nói.

Chỉ là người phàm xác thịt

Afzal Ashraf, một chuyên gia về ý thức hệ của khủng bố tại Viện nghiên cứu Royal United Services nói rằng trong hàng ngũ của những kẻ cực đoan có “một lượng lớn các tay anh chị và tội phạm, đã bị cực đoan hóa và cải đạo trong tù” nên dễ tham gia thánh chiến hơn cả.

Nhưng nhiều sự kiện liên quan tới cộng đồng Hồi giáo diễn ra trên thế giới cũng là yếu tố gây ảnh hưởng quan trọng. “Không ít thanh niên có suy nghĩ rằng người Hồi giáo đang bị các chính quyền phương Tây hoặc đồng minh đàn áp” – ông nói.

Tuy nhiên ông bác bỏ khả năng những kẻ cực đoan này có thể đe dọa an ninh ở Anh, bởi hầu hết đều bị cuốn vào “một câu chuyện tử vì đạo thần bí” và không khao khát trở về nước.

Còn theo Saltman, việc kẻ giết Foley là người Anh không có nghĩa dân Anh man rợ hơn những dân tộc khác. Ông đánh giá việc dùng một người Anh chỉ để phục vụ các mục đích tuyên truyền của IS. “Việc tạo ra một nạn nhân người Mỹ và một chiến binh người Anh là quyết định đã qua tính toán cẩn thận” – ông nói – “Khi dư luận thấy chiến binh đó đã lớn lên từ một xã hội dân chủ, sự việc sẽ tác động tới họ mạnh hơn”.

Ashraf nói rằng khác với các đoạn video chiêu mộ, hứa hẹn vai trò “anh hùng cứu thế”, trong thực tế các chiến binh người Anh thường chỉ được giao cho những công việc “cấp thấp” tại chiến trường, như bảo vệ hoặc đánh bom tự sát. Nguyên nhân do giới lãnh đạo các tổ chức như IS không tin tưởng họ. Ngoài ra, các nhân vật này thường không có khả năng nói tiếng Arab.

Tính chất “tầm thường” của những kẻ muốn làm chiến binh thánh chiến này đã lộ ra vào đầu tháng 7 vừa qua, khi Muhammad Hamidur Rahman trở thành người Anh mới nhất bị giết trong lúc chiến đấu cho IS. Rahman chỉ là một công nhân làm việc trong cửa hàng bán quần áo giá rẻ Primark, trước khi tới Syria theo tiếng gọi “cứu thế”.

“Một lũ thất bại”

Trong khuôn khổ hoạt động chiêu mộ của các nhóm cực đoan, nhiều chiến binh người Anh trẻ tuổi, ham mê công nghệ thường “khoe” đời sống và chiến tích trên mạng xã hội.

Ví dụ Madhi Hassan, 19 tuổi, đã gửi tấm ảnh gã đang cầm một hũ sôcôla trộn hạt dẻ Nutella để chứng minh rằng cuộc sống của một tay súng phục vụ “thánh chiến” cũng sung sướng, tiện nghi chẳng kém gì ở Anh.

Abdel-Majed Abdel Bary sống ở Tây London gần đây đã gây sốc khi tải một bức ảnh gã đang cầm một cái đầu bị đứt rời của kẻ thù, bên cạnh dòng chú thích “vui vẻ cùng một người bạn”. Những chiêu như thế hiệu quả trong việc làm lung lạc các cá nhân đã thất vọng và chán ngấy cuộc sống hiện tại.

Saltman đánh giá với việc IS đang giành thắng lợi ở Iraq và Syria, tổ chức này sẽ dễ tuyển mộ thêm nhiều thanh niên cực đoan trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Anh. Tuy nhiên Ashraf không đồng tình với quan điểm này, nói rằng ảnh hưởng của IS sẽ không kéo dài. “Chúng đã gây khổ đau trong thế giới Hồi giáo và theo quan điểm bình thường thì chúng chỉ là một lũ thất bại mà thôi” - ông nói.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm