11/07/2018 21:55 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 11/7, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đến nay, hầu hết các trường ngoài công lập khi tuyển sinh thu “phí giữ chỗ” đã đồng ý thực hiện chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trả lại khoản tiền này cho phụ huynh. Trường Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh đã trao đổi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và hứa sẽ trả lại tiền cho phụ huynh.
Trước việc các trường trung học phổ thông ngoài công lập đề ra khoản “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” với mục đích “giữ chân” học sinh, gây bức xúc đối với các phụ huynh. Một số trường ngoài công lập cho rằng, họ không sai khi thực hiện thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.
Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và sau đó đã có văn bản yêu cầu các trường này trả lại tiền cho phụ huynh. Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước đã được Nhà nước giao cho Sở. Trong các văn bản Sở ban hành, có văn bản chỉ đạo chung trong toàn ngành và cả các văn bản cá biệt đối với từng đơn vị.
Tuy nhiên, khi văn bản được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng các trường hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được quyền thỏa thuận với dân, việc Sở ban hành văn bản như thế là can thiệp quá sâu vào hoạt động của trường.
Về vấn đề này, ông Quang cho biết thêm, về mặt lý, các trường Trung học phổ thông ngoài công lập đều nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, được Nhà nước giao đất, miễn tiền sử dụng đất, được giảm và đôi khi nếu các cơ sở giáo dục đó làm ăn thua lỗ còn được Nhà nước miễn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Các trường này cũng có cơ chế hoạt động về chương trình, sách giáo khoa, giáo viên… được Nhà nước khuyến khích, bảo hộ. Do đó, các đơn vị đó phải thực hiện các quy định của Nhà nước Việt Nam.
Về những khoản tiền các trường ngoài công lập được phép thu, ông Lê Ngọc Quang cho rằng, trong Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/5/2008 có quy định các trường ngoài công lập được phép thực hiện 5 khoản thu trong nhà trường. Trong 5 khoản thu này không có khoản nào là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh”. Bên cạnh đó, theo Luật Giáo dục, các trường ngoài công lập được quyết định học phí và lệ phí tuyển sinh. Trong Nghị định 86 cũng quy định các trường ngoài công lập được tự quyết quyền thu phí và lệ phí, tự quyết mức thu học phí nhưng không hề có khoản nào là “phí giữ chỗ” như các trường đã thực hiện vừa qua. Như vậy, các trường ngoài công lập đặt ra các khoản thu đó là không đúng và việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường dừng thực hiện các khoản thu đó, phải trả lại tiền cho học sinh là đúng quy định.
“Đây không phải là ý kiến của riêng Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại mà là ý kiến của Sở, đồng chí Phạm Văn Đại chỉ thay mặt ký văn bản. Thêm vào đó, Sở cũng nhận được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các trường đó trả tiền cho phụ huynh học sinh”, ông Lê Ngọc Quang thông tin.
Ông Lê Ngọc Quang đặt câu hỏi, nếu một học sinh vào học trong trường chỉ vì không muốn mất “phí giữ chỗ”, hay một học sinh đi học trường khác mà đành chấp nhận mất khoản “phí giữ chỗ” đã đóng trước đó thì các học sinh đó sẽ nghĩ như thế nào về nhà trường, về giáo dục?
“Các trường được phép tự chủ, nhưng tự chủ trong giáo dục thì phải đạt được mục tiêu của giáo dục, trong đó quan trọng nhất là cung cấp tri thức và giáo dục nhân cách. Các em sẽ nghĩ gì khi chúng ta luôn nhắc nhở các em về lòng bao dung, về nhân ái. Và nếu cứ theo đà này, chúng ta đặt kinh tế thị trường của việc mua bán vào trong nhà trường thì rất khó khơi dậy, giáo dục về nhân cách trong học sinh”, ông Lê Ngọc Quang nêu quan điểm.
Nguyễn Cúc - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất