'Hậu duệ mặt trời' và chiến lược PR của quân đội

25/03/2016 06:55 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trang tin Yonhap vừa đưa tin tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của Quân đội nước này có bài viết khen ngợi bộ phim Descendants of the Sun (Hậu duệ mặt trời) vì đã khắc họa hình tượng đẹp về các quân nhân, điều có thể giúp ích cho công tác tuyển quân.

Bài viết mô tả Hậu duệ mặt trời dài 16 tập, khởi chiếu hôm 24/2 là “sự quảng bá tuyệt vời cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, một ví dụ hoàn hảo cho những bộ phim truyền hình và phim truyện nhựa mang đề tài quân đội”. Trước đó, trên thế giới đã từng có rất nhiều bộ phim bom tấn mang lại tác dụng tương tự.

Quân đội can thệp để được PR?

Một bài viết đăng trên trang web của tổ chức phi lợi nhuận Common Dreams nhận định “trong 5 năm qua, hầu như không một bộ phim hành động kinh phí lớn nào của Hollywood mà cốt truyện không có cảnh liên quan tới quân đội”, đủ để thấy tần xuất xuất hiện của quân đội lớn thế nào trong các tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, có một điều thú vị là hình tượng của quân đội trên màn ảnh dường như là kết quả của một chiến lược PR có chủ đích, chứ không phải các nhà làm phim tự do khắc họa.

Trong tầm kiểm soát của mình, giới chức quân đội sẽ làm hết sức có thể để gây ảnh hưởng lên các bộ phim theo hướng có lợi. Tại Mỹ, trong quá trình kiểm duyệt, Lầu Năm Góc đã buộc nhiều nhà làm phim thay đổi nội dung, biến nhân vật phản diện thành anh hùng, thêm thắt các chi tiết về quân đội tham gia giải cứu, cắt bỏ nhân vật và thay đổi những cảnh nhạy cảm.


Hình ảnh đậm chất nam nhi của đại úy Yoo Shi Yin (thứ 6 từ bên phải) và đồng đội trong quân ngũ

Các kịch bản phim thậm chí sẽ được yêu cầu chỉnh sửa nếu Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng nội dung của nó không phù hợp. Danh sách các bom tấn từng bị ảnh hưởng bao gồm Iron Man (Người Sắt), Terminator Salvation (Kẻ hủy diệt 4), Transformers (Người vận chuyển), King Kong Superman: Man of Steel (Siêu nhân: Người đàn ông thép).

Để làm hài lòng các quan chức Lầu Năm Góc, một số nhà sản xuất Hollywood đã phải điều chỉnh các chi tiết so với nguyên tác như cắt bỏ vài nhân vật, biến nhân vật định xây dựng theo hướng phản diện thành anh hùng, thay đổi một số vấn đề chính trị nhạy cảm, hay thêm những cảnh quân đội giải cứu vào phim của mình.

Đổi lại, họ cũng được tạo điều kiện tiếp cận các địa điểm, phương tiện và thiết bị quân sự cần thiết để hoàn thành bộ phim.

Vẽ giấc mơ nhập ngũ để... đổi đời

Dù là cảnh lực lượng không quân vần vũ trên bầu trời trong Iron Man, quân đội chuyên nghiệp dũng cảm giải cứu dân thường trong Godzilla, hay hình tượng người anh hùng xả thân bảo vệ đồng đội trong Lính bắn tỉa Mỹ, cảm giác chung mà chúng đem lại cho các khán giả đều là những ấn tượng tốt đẹp về quân nhân và khiến họ nghĩ đây quả là một nghề nghiệp tuyệt vời.

Quá trình quảng bá cho quân đội qua phim ảnh thực sự đã mang lại những tác động tích cực đối với quá trình tuyển quân, nhất là khi đối tượng được tập trung nhắm tới là các nhóm thiểu số và người nghèo, những người có cuộc sống không may mắn và mong muốn trở thành “người hùng thực sự của nước Mỹ” (câu khẩu hiệu kêu gọi tuyển quân của quốc gia này).

Theo thống kê đăng trên trang Mint Press News, tính đến năm 2011, số phụ nữ da màu làm đơn xin nhập ngũ cao hơn hẳn so với phụ nữ da trắng. Tương tự, báo cáo của tổ chức phi chính phủ Ưu tiên Quốc gia (National Priorities) cũng chỉ ra rằng, số người chưa tốt nghiệp cấp 3 ghi danh cũng tăng, chiếm hơn 20% trong tổng lượng đơn ghi danh nhập ngũ vào năm 2011.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh qua phim, một số đơn vị quân sự, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thậm chí còn lập hẳn phòng ban phụ trách vấn đề này. Trong trường hợp cụ thể của CIA, phòng này có tên là Film Office (tạm dịch là Văn phòng phụ trách các vấn đề liên quan tới phim ảnh).

Trở lại với Hậu duệ mặt trời, bản thân phim cũng có phân đoạn các quân nhân (Thượng sĩ Seo Dae Young và Đại úy Yoo Shi Yin) cảm hóa một tên lưu manh chuyên trộm cắp, cướp giật. Nhân vật này sau đó đã trở thành người đàn ông chân chính, có trách nhiệm với quốc gia khi được tôi luyện trong quân ngũ.

Dù hình tượng người lính trong Hậu duệ mặt trời nói riêng và các bộ phim khác về quân nhân nói chung có được thực hiện dưới sự tác động của giới chức quân đội hay không, không thể phủ nhận sức mạnh của chúng trong việc “lấy lòng” các khán giả yêu thích điện ảnh, đồng thời khiến hình ảnh người quân nhân hiện lên thật đẹp và oai hùng trong lòng người dân.

Vân Anh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm