03/07/2016 18:29 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Việc các cử tri Anh bỏ phiếu đòi rời Liên minh châu Âu (EU) đã làm dấy lên lo ngại về tương lai của các cầu thủ nước ngoài nói chung, và đặc biệt là các cầu thủ có quốc tịch các nước EU, trước hệ thống giấy phép lao động cực kỳ ngặt nghèo và phức tạp cho cầu thủ bóng đá ở Anh, nhất là ở Premier League. Tuy nhiên, liệu nỗi lo đó có bị thổi phồng?
Năm 2015, LĐBĐ Anh FA đã thay đổi quy định với các cầu thủ ngoài khu vực EU chơi bóng ở Anh sau khi tham vấn với Premier League, Football League (ban tổ chức các giải chuyên nghiệp dưới Premier League), Hiệp hội các HLV (LMA), và Hiệp hội các cầu thủ (PFA). Chủ tịch FA khi đó Greg Dyke giải thích rằng hệ thống hiện giờ cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để chỉ cho phép các cầu thủ ngoài EU được tới Anh đáp ứng các điều kiện về mặt cơ sở lý luận là “những tuyển thủ quốc gia ở trình độ cao nhất” và “việc tới làm việc ở Anh sẽ có đóng góp quan trọng cho việc phát triển bóng đá trình độ cao”.
Hàng loạt thống kê quan trọng đã được FA dẫn ra để chứng minh rằng quá nhiều cầu thủ nước ngoài “dưới chuẩn” được nhập khẩu vào Anh, qua đó cản trở sự tiến bộ của các tài năng bản địa. Các thống kê bao gồm việc khoảng 50% các cầu thủ ngoài EU gia nhập những đội bóng Anh sau khi kháng nghị quyết định từ chối cấp giấy phép lao động cho họ ở lần nộp đơn đầu tiên; 79% các kháng nghị này thành công; 55% các cầu thủ ngoài EU tới với các CLB Premier League có số thời gian ra sân thấp hơn thời gian trung bình (tính theo số phút) của cả giải; và chỉ 58% các cầu thủ được cấp thị thực lao động ở giải đấu hạng cao nhất trong mùa giải thứ hai của họ. Tỉ lệ kháng nghị thành công cao mở ra một cơ hội lớn cho những cầu thủ EU muốn tiếp tục chơi bóng ở Anh, ngay cả khi Brexit trở thành hiện thực (sẽ mất tối thiểu là 2 năm nữa).
Trước cuộc trưng cầu Brexit, Dyke từng tuyên bố hệ thống giấy phép lao động sẽ giúp bóng đá Anh “phát hiện và thu hút các cầu thủ chất lượng cao nhất dễ dàng hơn, cũng như khiến những ai dưới chuẩn khó khăn hơn nhiều trong việc đến chơi bóng ở Anh”.
Hệ thống giấy phép lao động cho cầu thủ
Để đủ tiêu chuẩn chơi bóng ở Anh, một cầu thủ chuyên nghiệp được yêu cầu phải đá ít nhất 75% số trận ở ĐTQG nước họ trong 2 năm trước đó. Có một ủy ban nhận đơn kháng nghị nếu như họ không vượt qua được tiêu chuẩn này. Việc các cầu thủ phải chơi trong một quốc gia thuộc tốp 70 nước dẫn đầu bảng xếp hạng bóng đá thế giới FIFA (tính trung bình trong 2 năm) cũng được điều chỉnh gắt gao hơn, xuống còn tốp 50.
Chi tiết hơn, nếu cầu thủ đó mang quốc tịch các quốc gia xếp hạng từ 31-50 của FIFA, thì anh ta được yêu cầu phải chơi 75% số trận, nhưng tỉ lệ đó giảm dần khi thứ hạng quốc gia cao dần, cho tới chỉ còn cần 30% trở lên nếu ĐTQG của anh ta ở trong tốp 10 FIFA. Nếu Brexit xảy ra, FA và Premier League có thể xem xét lại những con số đó, miễn là không xung đột với luật lao động của Anh.
Nhiều cầu thủ có thể không đáp ứng được yêu cầu cấp giấy phép lao động ở Anh
Nhưng ngay cả nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn cứng nói trên, một cầu thủ vẫn có thể đệ đơn kháng nghị lên Ủy ban đặc cách (Exceptions Panel), nơi sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, để xem kinh nghiệm và giá trị của cầu thủ đó có đủ cho anh ta cập bến Premier League hay Football League không. Tuy nhiên, quy trình kháng nghị này cũng không hề cảm tính. Đó là một hệ thống chấm điểm khá chặt chẽ xem xét từng tiêu chí của vụ chuyển nhượng. Nếu một cầu thủ đạt trên 4 điểm, ủy ban có thể khuyến cáo vẫn để anh ta chơi bóng ở Anh, còn không thì đơn xin sẽ bị bác bỏ.
Hệ thống chấm điểm như sau: 3 điểm cho giá trị chuyển nhượng nếu trong tốp 25% vụ chuyển nhượng đắt giá nhất, tính 2 mùa trước đó ở Premier League ( 2 điểm nếu giá trị trong khoảng 50-25%); 3 điểm nếu lương trả cho cầu thủ đó nằm trong tốp 25% của 30 người hưởng lương cao nhất CLB (2 điểml 50-25%); 1 điểm nếu cầu thủ đó chuyển tới Anh sau khi chơi ở các giải đấu hàng đầu (6 giải ở châu Âu, 2 giải ở Trung và Nam Mỹ, dựa trên số lượng các tuyển thủ quốc gia của những ĐTQG hàng đầu ở các giải đó) và chơi nhiều hơn 30% thời gian mùa bóng; 1 điểm cho những cầu thủ từng chơi ở vòng bảng trở lên ở các giải Champions League, Europa League hay Copa Libertadores trong vòng 12 tháng trước.
Một lần nữa, tất cả những con số đó đều có thể điều chỉnh để thích nghi với Brexit.
Mạnh vì gạo…
Và bạo vì tiền. Không chỉ pháp luật lao động của bóng đá Anh có thể thích nghi nhanh chóng với tình hình mới, Premier League giờ đã trở thành một giải đấu quá lớn, được đầu tư quá nhiều và có sức ảnh hưởng toàn cầu, để có thể bị đẩy xuống tầm hạng hai ở châu Âu chỉ vì một cuộc trưng cầu dân ý chưa thể có hiệu lực pháp lý ngay lập tức.
Richard Scudamore, Tổng giám đốc Premier League, cùng 20 CLB ở giải này đều đã khẳng định họ ủng hộ việc Anh tiếp tục ở lại EU. Với các đội bóng, vấn đề thuần túy là về kinh tế, chứ họ không có khúc mắc chính trị hay dân tộc gì cả. Giải Ngoại hạng vừa ký hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 5 tỉ bảng (chỉ tính riêng ở Anh). Những đội bóng hàng đầu ở đây cũng đã thu hút các tỉ phú tới từ khắp nơi trên thế giới bỏ ra hàng tỉ đô-la đầu tư. Các nhà tài phiệt Mỹ, Trung Đông, Nga, và cả Trung Quốc, Thái Lan sẽ làm mọi cách để những khoản đầu tư của họ không bốc hơi chỉ vì một quyết định chính trị.
Scudamore và Ngoại hạng Anh sẽ không bó tay chịu trói vì Brexit
Thêm vào đó, việc siết chặt luật lao động trong trường hợp Brexit gần như chắc chắn khiến giá chuyển nhượng và lương các ngôi sao nước ngoài tăng vọt với những đội bóng Anh. Vốn đã bị ép giá vì được coi là nhiều tiền hơn, các đội bóng Anh sẽ không thể để bị lâm vào cảnh cầu thủ đã khó mua, lại còn đắt đỏ.
Và cuối cùng, lúc này nói về một tương lai u ám với Premier League là còn quá sớm. Ngay cả trong chiến dịch Brexit, rất nhiều người ủng hộ việc rời khỏi EU đang suy nghĩ lại, một cuộc vận đồng bỏ phiếu lại đã bắt đầu, và khả năng Anh ra đi đang thấp xuống sau mỗi ngày trôi qua.
T.T
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất