28/10/2012 09:56 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Những điệu hát gắn liền với tàu điện - phương tiện giao thông chính của Hà Nội xưa - liệu có thể “tái xuất” trên những tuyến tàu điện mới sắp được hoàn thành?
Sớm nhất, tới 2015, Hà Nội mới hi vọng hoàn thành tuyến tàu điện trên cao đầu tiên từ Cát Linh đi Hà Đông. Thứ tàu điện ấy nhanh hơn, hiện đại hơn và cũng tiện dụng hơn nhiều so với 6 tuyến tàu điện “rùa bò” được người Pháp xây tại Hà Nội trong thế kỷ trước. Nhưng những tuyến tàu điện bị phá bỏ vào những năm 1990 này lại là cái nôi để sinh ra nhiều làn điệu xẩm mang đậm chất Kẻ Chợ một thời.
Ký ức về tàu điện Hà Nội
Tối 26/10, chương trình Xẩm tàu điện- Văn hóa đường phố Hà thành đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ VN. Người xem ra vào, ken đặc cả một đoạn vỉa hè Lý Thường Kiệt. Trong số những người đứng tuổi muốn nhìn lại “ kỉ niệm xưa” về "Xẩm tàu điện" có cả một số gương mặt quen thuộc của giới nghệ thuật Hà Nội. Họ là đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành, là PGS Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật HN).
Trên bục sân khấu nhỏ kê giữa sân, NSƯT Thanh Ngoan và các nghệ nhân bắt đầu chương trình với hơn chục điệu Xẩm tàu điện. Hết Anh Khóa, Mục hạ vô nhân, Trăng sáng vườn chè... thì tới những lời hát “đặc sệt" màu sắc của một Hà Nội đầu thế kỷ XX: Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần /Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức ấy xa gần xem mua... (36 phố phường)
Lác đác, khán giả trẻ cảm thấy khó “vào” nên nhấp nhổm muốn về. Còn những người đứng tuổi vẫn kiên nhẫn trụ lại trong khuôn viên bảo tàng. Đạo diễn Phạm Thị Thành tâm sự: sống lâu ở Hà Nội, người ta có thể lạnh nhạt với cải lương Hàng Bạc, có thể “mù tịt” về ca trù Khâm Thiên. Nhưng ắt hẳn, ít nhất vài lần, họ từng “biết mùi” Xẩm tàu điện - thứ xẩm tưởng như chỉ phục vụ giới buôn bán, thợ thuyền nhưng dần dần, lại trở thành một phần tất yếu của Hà Nội cũ, Hà Nội của những năm thiếu xe đạp và vẫn còn tàu điện.
Thanh Ngoan và các nghệ nhân biểu diễn tại Bảo tàng Phụ nữ VN |
Tìm chỗ trên tàu điện tương lai
“Có chứ. Nếu họ cần, tôi sẵn sàng lên tàu để hát “mồi”. “Mồi” một năm, hai năm, khi khách đi tàu quen với xẩm thì mình lui, nhường chỗ cho người trẻ” - NSƯT Thanh Ngoan hào hứng trả lời về việc tham gia xẩm tàu điện trong tương lai. Tương lai ấy, như nhiều người hi vọng, là thời điểm vài năm nữa, khi tuyến tàu điện trên cao đầu tiên của Hà Nội hoàn thành.
Thanh Ngoan không bốc đồng. Việc hát “mồi”, như cách gọi của chị, đã được thực hiện đều đặn 3 năm tại chợ Đồng Xuân kể từ 2005. Đó là thời điểm “chiếu” hát xẩm Hà Nội (nhạc sĩ Thao Giang tổ chức) bắt đầu đặt tại đây vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Bỏ qua chút kinh phí... siêu khiêm tốn do Ban quản lý chợ giúp đỡ, lý do để Thanh Ngoan và đồng nghiệp biểu diễn chỉ là là hi vọng về sự bén rễ trở lại của xẩm với đời sống, sau hàng chục năm đứt đoạn.
“Bây giờ, chiếu xẩm Đồng Xuân do các nghệ nhân trẻ biểu diễn nhưng đã đứng vững rồi. Có điều, kinh phí ít vậy, chẳng hiểu các em có bền gan để giữ xẩm được lâu?” - Thanh Ngoan thở dài. Vẫn là cái tâm sự muôn thủa của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống: tuồng, chèo, ca trù hay... xẩm gần như không thể bán vé. Nhưng chắc chắn, ngần ấy “món” đều chật ních khán giả, nếu được biểu diễn ở nơi công cộng và... miễn phí vé mời!
Cũng như trong đêm diễn tại Bảo tàng Phụ nữ vừa rồi. Sân khấu hộp hiện đại, các nghệ nhân xẩm ngồi hàng ngang dưới ánh đèn. Chuông tàu leng keng vọng ra từ các giàn âm thanh điện tử làm nền cho cảnh “miệng hoa cất lời, tay thon kéo nhị” của họ. Cảm giác thiêu thiếu về không gian đích thực của Xẩm tàu điện xưa có thể khắc phục phần nào, theo gợi ý của Thanh Ngoan, bằng mô hình những toa tàu điện cũ có chỗ ngồi cho cả nghệ nhân và khán giả. “Trong lúc chờ tàu điện “xịn” và hiện đại, thì có tàu “giả” cũng tốt. Vấn đề là... chờ Nhà nước bảo trợ thôi” (cười).
Xẩm tàu điện của thế kỷ 20 hoàn toàn có thể tái sinh trong thế kỷ 21. Thậm chí, có thể tái sinh với một tư duy “thoáng” về trang phục, lời hát hay chỗ ngồi của nghệ nhân để phù hợp với nhu cầu của khán giả bây giờ. Đó là ý kiến của PGS Nguyễn Đỗ Bảo khi nói về tương lai của món nghệ thuật độc đáo này. Nhưng, trước khi có thể “sống” được trên những chuyến tàu điện của tương lai, Xẩm tàu điện phải được đầu tư để... bảo tồn cái đã!
Hơn 20 bài Xẩm tàu điện đã được sưu tầm Theo các nhà nghiên cứu, từ nền nhạc chung của các làn điệu xẩm, loại hình Xẩm tàu điện được các nghệ nhân cũ “chỉnh lý” lại về tiết tấu, ca từ cho phù hợp với không gian,bối cảnh và nhu cầu của những người khách đi tàu điện trong thế kỷ XX. So với các dòng xẩm khác, Xẩm tàu điện có nội dung ngắn gọn, lời hát đẹp và sử dụng khá nhiều thơ lục bát của Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính...để hướng tới phục vụ khán giả Hà Nội cũ trong thời Pháp thuộc. Xẩm tàu điện xuất hiện và mất đi cùng với thời gian tồn tại hệ thống tàu điện cũ tại Hà Nội (1900 - 1990). Hiện, nhạc sĩ Thao Giang và các đồng nghiệp đã sưu tầm được hơn 20 bài xẩm thuộc dòng nhạc này. |
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất